Đại biểu nóng ruột với đường sá ở Đồng bằng sông Cửu Long

Admin
Nhấn mạnh tính cấp thiết của hạ tầng giao thông đối với các tỉnh phía Nam, các đại biểu cho rằng vẫn còn nhiều bất cập về bố trí nguồn lực.

Sáng 13/6, thảo luận về báo cáo kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước trước Quốc hội, các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến về thúc đẩy các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bên cạnh đó hạn chế, bất cập trong phát triển hạ tầng giao thông tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được các đại biểu đặc biệt lưu tâm.

Dù đây là vùng kinh tế có vai trò quan trọng với đầu tàu là TP.HCM, cơ sở kết nối giao thông, đi lại giữa các vùng và trong tỉnh, thành vẫn chưa tương xứng, xảy ra nhiều bất cập, khó khăn cho người dân. Đường sá xuống cấp, thiếu vốn đầu tư, chưa có các chính sách thực sự thu hút là các vấn đề được nêu ra.

Khó khăn bố trí vốn, thu hút đầu tư

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) nhìn nhận thời gian qua nhu cầu giao thông, phục vụ phát triển kinh tế liên vùng và giữa các tỉnh trở nên rất cấp bách. Người dân rất kỳ vọng vào trục giao thông động lực kết nối TP.HCM, Long An và Tiền Giang với chiều dài 55 km.

Theo bà, đây là tuyến có vị trí đặc biệt quan trọng, chiếm lưu lượng giao thông lớn, vai trò kết nối quan trọng giữa TP.HCM và các vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, trong dự án này có 3 cầu vượt, đều trên địa bàn tỉnh Long An, có quy mô lớn, đầu tư phức tạp.

giao thong dong bang song Cuu Long,  quoc lo cac tinh phia Nam anh 1

Cầu Rạch Miễu nằm trên tuyến quốc lộ 60, nối 2 tỉnh Tiền Giang - Bến Tre. Ảnh: Phạm Ngôn.

Bà Dung cho rằng cần có sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp từ Nhà nước. Bên cạnh đó, tỉnh Long An cũng không có khả năng bố trí ngân sách thực hiện 3 cây cầu này. Bà mong muốn Thủ tướng sớm phê duyệt, bổ sung tuyến đường này vào quy hoạch mạng lưới giao thông quốc gia và có kế hoạch hỗ trợ đầu tư xây dựng 3 cây cầu này.

Ngoài ra, 2 tuyến vành đai 3 và 4 của TP.HCM do Bộ GTVT quản lý và đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa có chủ trương, phân bổ kinh phí, quy hoạch.

"Do vậy, Long An rất khó khăn về thu hút đầu tư cũng như lập các quy hoạch, ở các tuyến đường cũng như phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng liên quan", nữ đại biểu bày tỏ.

Quốc lộ "huyết mạch" xuống cấp, 10 năm không xong

Truyền đạt nguyện vọng cử tri vùng Đồng Tháp Mười, đại biểu Hoàng Văn Liên (Long An) cho biết người dân rất kỳ vọng về 3 tuyến quốc lộ được cho là sẽ nâng cấp đáng kể hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế xã hội trong vùng. Nhưng đây lại là 3 vấn đề mà vị đại biểu cho rằng đang đau đầu.

Thứ nhất là quốc lộ 62 kết nối Long An và 6 tỉnh vùng Đồng Tháp Mười và các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp và kết nối giao thông đường bộ giữa Việt Nam và Campuchia. "Đây là quốc lộ cực kỳ quan trọng, huyết mạch của nhân dân trong vùng và có ý nghĩa lớn về an ninh, quốc phòng", ông Liên nói.

giao thong dong bang song Cuu Long,  quoc lo cac tinh phia Nam anh 2

Sự thiếu đồng bộ khiến các đoạn, tuyến đã hoàn thành không phát huy hiệu quả. Ảnh: Phạm Ngôn.

Song, đại biểu Long An cho biết tuyến đường đã xuống cấp trầm trọng, thường xuyên xảy ra ùn tắc và tai nạn do mật độ tham gia giao thông rất cao. Ông đề nghị Chính phủ, bộ, ngành sớm quan tâm, đầu tư, nâng cấp, nhằm thúc đẩy kinh tế cả vùng Đồng Tháp Mười đáp ứng nguyện vọng cả triệu người dân trong vùng.

Thứ hai, quốc lộ N2 dài 81 km cũng đang tồn tại nhiều bất cập không kém. Đây được coi là tuyến quan trọng kết nối TP.HCM với các tỉnh đông nam bộ và vùng Đồng Tháp Mười.

Theo ông Liên, dù đã được đầu tư tương đối đồng bộ, nhưng đoạn từ Mỹ An (Đồng Tháp) đến Mỹ Hòa (Long An) thì đường rất hẹp, xuống cấp nghiêm trọng, chật chội. Đây cũng là điểm nóng về mất an toàn và thường xuyên kẹt xe.

Tiếp theo là dự án đường Hồ Chí Minh, đi qua các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh và Long An. Triển khai từ năm 2009, nhưng Bộ GTVT đã dừng triển khai và dừng chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng cho người dân.

Vị đại biểu cho hay một số đoạn tuyến mới xong phần nền, nhưng đã xuống cấp, hư hỏng và đề nghị Chính phủ tiếp tục cho thực hiện dự án, tránh gây lãng phí đoạn tuyến được đầu tư dở dang từ 10 năm trước.

Vấn đề "vắt" từ năm này qua năm khác

Sự thiếu đầu tư, hay đầu tư không hiệu quả trong phát triển, đồng bộ hạ tầng giao thông tại các tỉnh phía Nam gần như kỳ họp Quốc hội nào cũng được đưa ra.

Tại phiên họp giữa năm 2019, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) nói về lưu lượng lưu thông xe trên quốc lộ 1 đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận là cao nhất nước, chưa được đầu tư khắc phục. Các đại biểu cũng nêu thực trạng nhiều dự án giao thông quan trọng hoàn thành nhưng chưa phát huy hiệu quả như kỳ vọng vì thiếu sự kết nối liên vùng.

Hay như sản phẩm nông nghiệp của khu vực ĐBSCL khó có thể cạnh tranh một phần do vận chuyển hết sức khó khăn. Hệ thống đường sắt, đường thuỷ, đường bộ của khu vực chưa được quan tâm đúng mức hoặc chỉ được phân bổ mức đầu tư một cách nhỏ giọt.

Trước các khúc mắc này, Chính phủ cho biết sẽ tập trung đầu tư các dự án có tính chất liên kết vùng, liên kết các tiểu vùng tại ĐBSCL như vùng Đồng Tháp Mười, bán đảo Cà Mau, tứ giác Long Xuyên, liên vùng giữa ĐBSCL với TP.HCM.

Về đường bộ, Chính phủ sẽ đầu tư trục đường từ bắc xuống nam, từ đông sang tây. Về đường thủy nội địa, ĐBSCL là vùng có nhiều tiềm năng lợi thế, có thể phát triển dịch vụ logistics cho khu vực tiểu vùng sông Mekong.

Với hàng hải, khu vực này có thể đầu tư các luồng tàu biển. Về hàng không, sẽ mở nhiều tuyến đường bay mới, sớm nâng cấp sân bay Phú Quốc; đường sắt đang kêu gọi vốn tuyến đường sắt TP.HCM đi Cần Thơ.