Đại gia Đặng Phước Dừa lấy đất công đem thế chấp ngân hàng?

Kỳ Văn
Ông Đặng Phước Dừa và các thành viên trong hệ sinh thái công ty gia đình đã đem quyền sử dụng 2,9 ha đất tại KDC Thạnh Mỹ Lợi, TP.Thủ Đức thế chấp tại Ngân hàng Sacombank – Chi nhánh Bình Thạnh thu về 232 tỉ đồng để sử dụng không đúng mục đích.

khu-dat-vang-xay-dung-benh-vien-ngoc-tam-tpthu-duc-1646649196.jpg

Khu đất vàng xây dựng Bệnh viện Ngọc Tâm, TP.Thủ Đức.

Nhập nhằng ưu đãi đất công

Năm 2006, Công ty CP Đầu tư Thương mại Đặng Trần của đại gia Đặng Phước Dừa được UBND giao khu đất rộng 2,9 ha thực hiện dự án Bệnh viện Ngọc Tâm. Khi đó, cơ quan chức năng TP.HCM đã thực hiện các quy định khuyến khích dự án đầu tư xã hội hoá trong lĩnh vực y tế để Công ty CP Đầu tư Thương mại Đặng Trần chỉ đóng tiền giá trị đất bằng với giá tiền bồi thường giải phóng mặt bằng là 22,2 tỉ đồng. Còn lại tiền sử dụng đất được Hội đồng Thẩm định Bồi thường TP.HCM xác định là 9,2 tỉ đồng nhưng được miễn đóng, do căn cứ theo Điều 12 Nghị định 198 năm 2004 của Chính phủ.

Vì đây là công trình được đầu tư trong khu vực đất công nên trong giấy chứng nhận đầu tư, UBND TP.HCM yêu cầu: Sau 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đầu tư mà dự án không được triển khai hoặc triển khai chậm tiến độ quá 12 tháng so với tiện độ thì cơ quan cấp giấy chứng nhận có quyền thu hồi quyết định chấm dứt hoạt động của dự án.

Thế nhưng, trong giấy quyền sử dụng đất số AI 334094 mà ông Trần Thế Ngọc (lúc đó là Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM) cấp cho doanh nghiệp thực hiện dự án Bệnh viện Ngọc Tâm lại chỉ ghi vỏn vẹn câu “Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất”. Trong khi phải ghi đầy đủ trong sổ đỏ về nguồn gốc sử dụng đất là “Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất nhưng được miễn” để thể hiện rõ đây là đất công, khi giao đất đã không thu tiền sử dụng đất nên khi chưa xây dựng gì, thì hiển nhiên đó vẫn là đất công.

Sau khi được giao đất và chủ trương thực hiện dự án, Công ty CP Đầu tư Thương mại Đặng Trần lập tức đổi tên thành Công ty CP Đầu tư và Thương mại Việt Tín. Tháng 7/2008, chủ trên sổ đỏ khu đất của là Công ty CP Đầu tư và Thương mại Việt Tín. Đến tháng 2/2009, UBND TP.HCM cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty này để đầu tư dự án Bệnh viện Ngọc Tâm.

cam-co-ngan-hang-1646649254.png

Khu đất công ngay UBND TP.Thủ Đức, TP.HCM được đại gia Đặng Phước Dừa cầm cố ngân hàng.

Tháng 4/2009, Công ty CP Đầu tư và Thương mại Việt Tín lại lập hợp đồng góp vốn bằng chính quyền sử dụng đất khu đất trên với Công ty CP Bệnh viện Ngọc Tâm (cũng là Công ty của chính ông Dừa và con gái ông thành lập vào năm 2007), với trị giá góp vốn là 105 tỉ đồng. Dù tại thời điểm này, theo quy định tại Mục 2, Điều 173 Luật Đất đai quy định: “Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất không có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất; Thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; Không được bồi thường về đất khi nhà nước thu hồi đất”.

Không chỉ góp vốn, tháng 7/2012, Công ty CP Đầu tư và Thương mại Việt Tín tiếp tục bán hẳn dự án cho chính Công ty CP Bệnh viện Ngọc Tâm. Đến tháng 3/2013, Công ty CP Đầu tư và Thương mại Việt Tín lại bán tiếp “quyền sử dụng đất” của dự án cho Công ty CP Bệnh viện Ngọc Tâm với giá 65 tỉ đồng.

Ai tiếp tay cho đại gia trục lợi đất công?

Theo thông tin từ Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng TP.HCM, trong giai đoạn 2014 – 2016, ông Dừa và con ông với tư các là chủ Công ty CP Bệnh viện Ngọc Tâm dùng chính sổ đỏ dự án Bệnh viện Ngọc Tâm đem thế chấp vay Ngân hàng Sacombank - Chi nhánh Bình Thạnh số tiền hàng trăm tỉ đồng để “góp vốn đầu tư dự án”.

Cụ thể, tháng 4/2014, Công ty CP Bệnh viện Ngọc Tâm thể chấp quyền sử dụng đất với số tiền 150 tỉ đồng. Đến tháng 11/2014, Công ty tiếp tục thể chấp quyền sử dụng đất với số tiền 55 tỉ đồng.

sai-pham-1646649304.jpg

Nhiều sai phạm liên quan đến khu đất vàng mà đại gia Đặng Phước Dừa được giao để xây dựng bệnh viện năm 2006.

Đến tháng 4/2016, Sở KH&ĐT TP.HCM có buổi làm việc với Công ty CP Bệnh viện Ngọc Tâm, phía Công ty xác nhận sau khi thực hiện công tác ép cọc thì không triển khai thêm bất cứ công việc nào để thực hiện dự án theo tiến độ, Công ty đã tạm ngưng không triển khai thực hiện dự án và đang tìm đối tác hỗ trợ. Ngày 9/5/2016, Công ty CP Bệnh viện Ngọc Tâm tiếp tục thế chấp quyền sử dụng đất với số tiền 68 tỉ đồng.

Tuy nhiên, số tiền vay được từ Ngân hàng Sacombank – Chi nhánh Bình Thạnh không sử dụng đầu tư dự án Bệnh viện Ngọc Trâm mà là đầu tư vào dự án bất động sản ở Đồng Nai.

Dù giá bất động sản từ năm 2014 đến nay đã tăng hàng chục lần, các nhà đầu tư bất động sản thu về lợi nhuận khổng lồ. Và dự án của ông Dừa cũng không thể khác. Thế nhưng, ông Dừa không lấy tiền từ kinh doanh dự án bất động sản ở Đồng Nai để trả nợ cho Sacombank mà tiếp tục “ngâm” để gói tín dụng thành “nợ xấu”.

Bên cạnh đó, dự án Bệnh viện Ngọc Tâm đã bán cho đối tác thu về khoảng 750 tỷ đồng thế nhưng Ngân hàng Sacombank chỉ thu nợ gốc và lãi là 50 tỷ đồng và giảm lãi suất cho công ty của ông Dừa là hơn 120 tỷ đồng.

Từ đây dư luận đặt câu hỏi, tại sao dự án Bệnh viện Ngọc Tâm bán thu về số tiền “khổng lồ”, lớn hơn tiền gốc và lãi vay của Ngân hàng Sacombank, nhưng ngân hàng này vẫn giảm lãi vay cho doanh nghiệp?

Trước việc làm mập mờ của doanh nghiệp và Sacombank - Chi nhánh Bình Thạnh, Thanh tra TP.HCM và Cục Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước tại TP.HCM cũng vào cuộc làm rõ các vi phạm của việc thế chấp, vay vốn trên.

Theo đó, Sacombank – Chi nhánh Bình Thạnh chưa căn cứ vào tình hình hoạt động kinh doanh và tài chính của đơn vị góp vốn khi đánh giá, tính toán nguồn trả nợ và hoàn trả vốn góp cho cả ba lần thế chấp dù dự án có hiệu quả hay không. Việc thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay, Sacombank – Chi nhánh Bình Thạnh cũng không thu thập báo cáo tài chính, thẩm định tình hình tài chính, mà chỉ căn cứ vào hợp đồng hợp tác kinh doanh hưởng lợi tức để xem xét và quyết định cho vay, khi khách hàng không có khả năng tài chính đảm bảo trả nợ trong thời hạn cam kết.

Cục Thanh Tra, giám sát ngân hàng TP.HCM cũng nêu rõ, thời điểm thẩm định cho Công ty CP Bệnh viện Ngọc Tâm vay vốn theo phương án “góp vốn đầu tư dự án”, giấy phép đăng ký kinh doanh của Công ty Ngọc Tâm không có chức năng hoạt động góp vốn đầu tư dự án. Quá trình giải ngân vốn vay Sacombank – Chi nhánh Bình Thạnh có kiểm tra, giám sát vốn vay định kỳ đối với các khoản vay của Công ty Ngọc Tâm, nhưng việc kiểm tra chỉ nhằm... hợp thức hóa công tác kiểm tra là chưa thực hiện đúng theo Luật tổ chức tín dụng.

Từ những sai sót này, Thanh tra TP.HCM kiến nghị Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM có biện pháp xử lý đối với các sai phạm của Sacombank. Thế nhưng, không hiểu vì sao, mọi việc sau đó vẫn trôi vào quên lãng?