Ngày 2/5, thông tin từ Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP.Hà Nội, đơn vị đang xác minh vụ việc người phụ nữ đu lên chiếc xe Mazda CX-5 đang di chuyển trên đường rồi bị văng xuống đường.
Thông tin bước đầu, vụ việc này xảy ra vào chiều 1/5, tại đoạn đường vành đai 3, qua cầu Thanh Trì nhập vào quốc lộ 5.
Theo clip ghi lại sự việc, một người phụ nữ bám vào bên phải chiếc xe ô tô trên trước cầu Bây. Chiếc xe sau đó tăng tốc, người phụ nữ phải bám vào chiếc xe để tránh bị ngã xuống đường.
Trước tình huống này, chiếc xe không dừng lại mà tiếp tục di chuyển nhanh, sau đó người phụ nữ ngã xuống đường.
Các thông tin trên mạng xã hội cho rằng đây là một vụ chặn xe để đánh ghen. Cơ quan công an cho biết đang làm rõ, thông tin trên mới chỉ là đồn đoán.
Ở một diễn biến khác, luật sư Nguyễn Anh Thơm – Đoàn luật sư TP.Hà Nội nhận định, vụ việc có dấu hiệu tội "Giết người".
Nêu quan điểm của mình, luật sư Thơm cho biết, tính mạng, sức khỏe của công dân được pháp luật bảo vệ. Mọi hành vi xâm phạm đến quyền được sống của người khác trái pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Hành vi của lái xe là nguy hiểm khi điều khiển ô tô là nguồn nguy hiểm cao độ với tốc độ lớn, lạng lách cho người phụ nữ đang bám vào cánh cửa rơi xuống đường.
Pháp luật buộc người điều khiển phương tiện phải biết khi người bám vào cửa xe nếu di chuyển và lạng lách cho họ rơi xuống là nguy hiểm đến tính mạng. Thực tế nạn nhân ngã nhưng rất may mắn không bị bánh xe chèn vào người khi phần đầu người phụ nữ ngay sát bánh xe ô tô.
Xét hành vi của người lái xe thể hiện sự côn đồ, hung hãn đã có dấu hiệu phạm tội "Giết người" theo Điều 123 Bộ luật hình sự. Nạn nhân không tử vong là do may mắn nên hành vi phạm tội thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt theo quy định tại Điều 15 Bộ luật hình sự.
Lỗi của người lái trong trường hợp này là lỗi cố ý trực tiếp "Nhận thức rõ hành vi của mình là có tính nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra".
Điều 123. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 2 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm.