Đáp ứng nhu cầu vay tiêu dùng, đẩy lùi tín dụng đen

Kỳ Văn
Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến thu nhập của người dân, nhất là nhóm người có thu nhập thấp như công nhân, người lao động tự do, tiểu thương...
Kéo theo đó là nhu cầu vay vốn tiêu dùng phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày, mua sắm thiết bị, xe cộ... của người dân có xu hướng ngày một tăng cao, đặc biệt khi năm hết tết đến.
Nắm bắt được nhu cầu này, nhiều giải pháp đang được ngành ngân hàng tích cực triển khai giúp người dân tháo gỡ khó khăn về tín dụng, khôi phục sản xuất, góp phần đẩy lùi "tín dụng đen".

Hoạt động giao dịch giải ngân vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Riềng tại thôn 6, xã Long Tân. Ảnh minh họa: K GỬIH/TTXVN

Hoạt động giao dịch giải ngân vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Riềng tại thôn 6, xã Long Tân. Ảnh minh họa: K GỬIH/TTXVN

Nhu cầu vay tiêu dùng tăng cao
Là một lao động tự do, chị Chu Thị Liên (sống tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã mất tới một nửa số thu nhập trung bình hàng tháng do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Nhà ở thuê, gia đình có người già đau yếu, lại thêm trẻ nhỏ tuổi ăn tuổi lớn nên dù chi tiêu dè sẻn thì những đồng thu nhập ít ỏi của chị vẫn không đủ cho cả gia đình.
"Khó khăn quá nên tôi cũng đang tính cách đi vay ngân hàng 20-30 triệu đồng để trả tiền nhà, học phí cho con và một phần sinh hoạt phí. Nhưng lãi suất cho vay tiêu dùng ở một vài ngân hàng khá cao, ngoài khả năng chi trả của gia đình tôi. Một số nơi lãi suất "mềm" hơn thì lại đi kèm điều kiện như phải có khoản gửi tiết kiệm...", chị Liên chia sẻ.
Tương tự chị Liên, anh Lê Xuân Nam (sống tại Hoàng Mai, Hà Nội) cũng đang cần mua chiếc máy tính cho con học online. Tuy vậy, để tích góp được mười mấy triệu đồng trong lúc công việc không ổn định như hiện nay với anh Nam là điều rất khó khăn. Do đó, anh đã chọn hình thức mua hàng trả góp qua sự hỗ trợ của một công ty tài chính.
Anh Nam cho biết: "Vay thêm 8 triệu đồng, cùng với 5 triệu đồng đang có là tôi mua được một chiếc máy tính cho con rồi. Trung bình mỗi tháng tôi phải trả khoảng 700.000 đồng, trong vòng 1 năm. Mức chi phí này với gia đình tôi là phù hợp".
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 làm thiệt hại nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, nhiều người bị nợ lương, mất việc làm, giảm thu nhập khiến cho những hoàn cảnh như chị Liên, anh Nam không phải là trường hợp hiếm.
Nhu cầu vay tiền để phục vụ sinh hoạt, kinh doanh tăng cao nhưng việc tiếp cận những dịch vụ tín dụng từ hệ thống ngân hàng vẫn còn hạn chế.
Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết: "Vẫn tồn tại nhiều khách hàng cá nhân ít có cơ hội tiếp cận thông tin, chính sách cho vay của các ngân hàng, dẫn đến nhận thức về tín dụng tiêu dùng cũng như vay vốn ngân hàng nói chung còn chưa đầy đủ, chính xác. Từ đó, khách hàng e ngại tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng và dễ bị ảnh hưởng, lôi kéo bởi các hình thức tín dụng đen".
"Bên cạnh đó, hệ thống thông tin, liên kết chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan chức năng chưa hoàn thiện khiến các ngân hàng gặp khó khăn trong đánh giá, xác định thu nhập và tìm hiểu thông tin về khách hàng. Từ đó dẫn đến cá nhân có nhu cầu vay vốn nhưng khó chứng minh khả năng tài chính, nguồn trả nợ, khó đáp ứng yêu cầu của ngân hàng khi cấp tín dụng và phải tìm đến các nguồn vốn tín dụng đen không yêu cầu hồ sơ thủ tục và có thời gian xử lý nhanh gọn...", ông Lâm cho hay.
Trên thực tế, không khó để bắt gặp những tờ rơi, quảng cáo cho vay tín dụng đen ở bất kỳ đâu trên đường phố và cả trên mạng internet. Trong khi vay vốn chính thức từ ngân hàng còn một vài rào cản thì cách thức cho vay tín dụng đen lại quá dễ dàng, chỉ cần giấy viết tay hoặc thỏa thuận miệng. Thậm chí với sự phát triển của công nghệ, chỉ cần vài phút tải ứng dụng trên điện thoại và gửi ảnh chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, người vay đã được giải ngân nhanh chóng. Nhưng đó mới chỉ là bắt đầu của những hệ lụy khốn cùng khi lãi mẹ đẻ lãi con và những cách thu hồi nợ theo kiểu "luật rừng".
Hướng khách hàng tiếp cận nguồn vốn chính thức
Trước thực trạng trên, để hỗ trợ người dân tiếp cận vốn vay ngân hàng, đặc biệt là các mục đích vay vốn phục vụ tiêu dùng, nhu cầu đời sống chính đáng trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, BIDV đã triển khai chiến lược theo hướng đẩy mạnh hoạt động ngân hàng bán lẻ; trong đó, BIDV chú trọng đến hoạt động cho vay tiêu dùng, hỗ trợ nhu cầu thiết yếu của người dân.
Tính đến hết ngày 31/10/2021, dư nợ cho vay tiêu dùng của BIDV là 223.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 45% tổng dư nợ cho vay khách hàng cá nhân toàn hệ thống BIDV, trong đó chủ yếu là dư nợ cho vay nhu cầu nhà ở (chiếm 32% tổng dư nợ cho vay khách hàng cá nhân); còn lại là dư nợ cho vay tiêu dùng nhỏ lẻ, phục vụ các nhu cầu chi tiêu thiết yếu của người dân.
Song song với đó, ông Lê Ngọc Lâm cho biết, BIDV đã chủ động giảm thu nhập để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước với tổng ngân sách dự kiến trong năm 2021 khoảng 7.100 tỷ đồng... Mặt khác, nhằm hỗ trợ khách hàng, gia tăng các kênh tiếp cận vốn vay bên cạnh kênh truyền thống tại quầy, giảm thiểu các thủ tục, hồ sơ cũng như thời gian xử lý khoản vay, BIDV đã triển khai ứng dụng cho vay mua nhà ở trên thiết bị di động BIDV Home, đồng thời cho phép khách hàng vay vốn tiêu dùng không tài sản bảo đảm qua ứng dụng BIDV Smartbanking và sẽ tiếp tục mở rộng triển khai các sản phẩm cho vay online khác trong thời gian tới.
"Với việc ứng dụng công nghệ, thực hiện cho vay online, khách hàng sẽ không phải e ngại về các thủ tục, hồ sơ cũng như thời gian xử lý khoản vay tại ngân hàng; đồng thời gia tăng sự thuận tiện, chủ động, giảm thiểu việc khách hàng phải trực tiếp đến quầy giao dịch như trước đây, nhất là trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay", Tổng Giám đốc BIDV khẳng định.
Cũng nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân, hộ gia đình, góp phần hạn chế "tín dụng đen", ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chia sẻ: Agribank đã ưu tiên xét duyệt và giải ngân ngay trong ngày khi nhận được đầy đủ bộ hồ sơ hợp lệ đối với các mục đích tiêu dùng hợp pháp, cấp thiết, có nhu cầu vốn không quá 30 triệu đồng.
Đồng thời, Agribank cũng đang dành 20.000 tỷ đồng để cho vay tiêu dùng với lãi suất ưu đãi đối với khách hàng cá nhân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Chương trình này áp dụng cho các khoản giải ngân mới từ 1/7/2021 đến hết ngày 31/12/2021 hoặc đến khi hết quy mô của chương trình. Lãi suất cho vay ưu đãi từ 6,5%/năm đến 7%/năm với mức cho vay tối đa dưới 4 tỷ đồng và thời gian áp dụng lãi suất cho vay ưu đãi là 12 tháng kể từ ngày giải ngân.
Cùng với cho vay tiêu dùng lãi suất ưu đãi, Agribank cũng đang triển khai chương trình cho vay thấu chi qua thẻ tại khu vực nông nghiệp, nông thôn lên đến 30 triệu đồng với lãi suất cạnh tranh để phục vụ chi tiêu đột xuất như: Thanh toán vật tư nông nghiệp, thanh toán các dịch vụ công như điện, nước, viễn thông, học phí, viện phí,… tại máy quẹt thẻ POS mà không cần tiền mặt hay phải chịu bất cứ một khoản phí thanh toán nào. Đến ngày 30/9/2021, Agribank đã phát hành 361.000 thẻ với hạn mức thấu chi cấp cho khách hàng là 2.300 tỷ đồng, số lượng máy POS đã cung cấp lắp đặt là 3.100 máy.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định ngành ngân hàng đã quyết liệt vào cuộc, mở rộng mạng lưới, cung ứng kịp thời các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn, kịp thời hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; qua đó đẩy mạnh kênh tín dụng chính thức, góp phần không nhỏ cùng các cấp, các ngành ngăn chặn, đẩy lùi nạn “tín dụng đen”.
Đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, hoạt động kinh doanh nhiều nơi bị ngưng trệ hoặc không có lãi, người dân vì thế cũng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn phía trước. Theo giới chuyên gia, để góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế và đẩy lùi “tín dụng đen”, bên cạnh các giải pháp đã triển khai tích cực trong thời gian qua, cần phát triển các công cụ tài chính vi mô để hỗ trợ cho vay đối với người dân có thu nhập thấp, không ổn định, dưới chuẩn ngân hàng; thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng, nâng cao hiểu biết về tài chính cho người dân và bảo vệ người tiêu dùng.