Đầu tư công tạo 'cú hích' cho phục hồi kinh tế

Kỳ Văn
Giai đoạn phục hồi đang bắt đầu, đầu tư công sẽ đóng vai trò trọng tâm, chủ chốt. đầu tư công có thể là chất xúc tác cho sự tăng trưởng của khu vực tư nhân. Đầu tư vào lĩnh vực thương mại và hậu cần, cơ sở hạ tầng cũng như các hoạt động thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu là vô cùng quan trọng...

Ông Rahul Kitchlu, Quản lý Chương trình Cơ sở hạ tầng của Ngân hàng thế giới (World Bank) tại Việt Nam
Đây là nhận định của ông Rahul Kitchlu, Quản lý Chương trình Cơ sở hạ tầng của Ngân hàng thế giới (World Bank) tại Việt Nam khi trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về vấn đề đầu tư công.

Ông nhận xét, đánh giá như thế nào về tình hình giải ngân vốn đầu tư công của Việt Nam hiện nay, thưa ông?

Ông Rahul Kitchlu: Trước tiên tôi phải nói rằng làn sóng thứ 4 của đại dịch COVID-19 đã thực sự gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế. Do đó Chính phủ đã có biện pháp đúng đắn là tập trung vào việc đối phó với tình trạng y tế khẩn cấp và triển khai lưới an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng. Khi tỉ lệ tiêm chủng bắt đầu tăng lên, trọng tâm sẽ dần chuyển sang phục hồi kinh tế. Trong quá trình phục hồi kinh tế đó, đầu tư công cần đóng vai trò trọng tâm.

Theo tôi, về mặt chính sách, cần thiết kế các chương trình đầu tư công để giúp Việt Nam phát triển bền vững và bao trùm. Tất nhiên, trong ngắn hạn các mục tiêu dễ đạt được là các dự án, chương trình đã được phê duyệt, đã được phân bổ ngân sách và cam kết tài chính. Chúng ta đã đi được hơn 3/4 chặng đường của năm 2021 nhưng chưa thực hiện giải ngân được một nửa số tiền, theo tính toán được Bộ Tài chính công bố, lũy kế giải ngân vốn đầu tư công hiện đạt 47% so với kế hoạch đề ra.

Vì vậy, tôi cho rằng, đây là thời điểm cũng như cơ hội quan trọng để thực sự xem xét các nút thắt hiện có, làm thế nào để khắc phục chúng và đẩy nhanh dòng tiền giải ngân cho nền kinh tế. Chúng tôi rất vui mừng khi mới đây, lãnh đạo Chính phủ triệu tập cuộc họp với các bộ, ngành cùng với các đối tác phát triển về việc triển khai các dự án sử dụng vốn ODA để xem xét tháo gỡ các nút thắt này. World Bank rất hân hạnh được tiếp tục phối hợp với Chính phủ để dỡ bỏ các rào cản và đẩy nhanh tốc độ giải ngân trở lại.

Như ông vừa chia sẻ, chúng ta đã đi được hơn 3/4 chặng đường của năm 2021 nhưng tiến độ giải ngân còn chậm. Vậy Việt Nam cần có giải pháp gì để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công?

Ông Rahul Kitchlu: Đầu tiên là cần xem xét liệu có thể đẩy nhanh tiến độ đấu thầu không? Có thể triển khai đấu thầu hàng hóa và dịch vụ một cách nhanh chóng không? Gói thầu nào có thể thực hiện trước mà kịp triển khai công tác mua sắm trong thời gian ngắn?.

Thứ hai là đối với các hợp đồng hàng hóa và dịch vụ đang triển khai, cần cải thiện và đẩy nhanh tiến độ thực hiện để hoàn thành công việc từ nay đến cuối năm. Quan trọng nhất là hoàn tất yêu cầu thanh toán và chuyển tiền kịp thời cho các nhà thầu và Chính phủ. Đây cần được xem là trọng tâm chiến lược trong ba tháng cuối năm và điều này có thể hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn. Chính phủ Việt Nam cũng đã triển khai tương đối tích cực các công việc này trong nửa cuối năm ngoái.

Bên cạnh đó, cũng cần xem xét các cơ hội trong trung hạn. Tôi muốn đề cập đến bốn lĩnh vực mà Chính phủ Việt Nam có thể xem xét, cân nhắc. Đầu tiên là cơ hội để cải thiện cơ chế điều phối thể chế và nâng cao năng lực. Đối với các dự án ODA và các dự án đầu tư của Chính phủ, giải ngân chỉ là khâu cuối cùng. Trước đó là cả một quy trình làm việc và quy trình này chỉ hiệu quả nếu từng công đoạn cũng được triển khai hiệu quả.

Chúng ta phải nhìn vào mục tiêu cuối cùng và sẽ hiệu quả hơn nếu có phương thức triển khai đồng bộ. Vì khi điều phối giữa các cơ quan, bộ, ngành, các công việc thường được thực hiện giống nhau, lặp đi lặp lại và cơ quan liên quan thường yêu cầu xem xét rất nhiều hồ sơ. Về vấn đề này, các Ban quản lý dự án đóng vai trò hết sức quan trọng. Chúng ta cần đảm bảo rằng họ có nguồn lực, năng lực và động lực phù hợp để thực hiện các dự án trong suốt giai đoạn chuẩn bị và thực hiện để đạt được mục tiêu cuối cùng là công tác giải ngân và các kết quả phát triển.

Nội dung quan trọng tiếp theo là xem xét các quy định, thủ tục của chương trình đầu tư công và đặc biệt là các chương trình ODA. Theo tôi, nhiều nội dung có thể cải thiện, ví dụ như triển khai khung ra quyết định dựa trên rủi ro. Tôi sẽ lấy ví dụ như sau: Đối với các dự án sử dụng vốn ODA, ngay cả một thay đổi nhỏ như gia hạn thêm một hai ngày thì vẫn phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Có thể xem xét các trường hợp tương tự và áp dụng cơ chế ủy quyền phê duyệt cho các trường hợp này.

Ngoài ra, cần xem xét chất lượng đầu vào của các dự án, nghĩa là mức độ sẵn sàng triển khai của dự án khi được phê duyệt. Và tôi xin nhắc lại, cần xem xét toàn bộ vòng đời của dự án. Dự án có đúng thiết kế đã được phê duyệt không? Dự án có tiến hành xin giấy phép từ trước không? Các dự án có gói thầu mua sắm nào đã được chuẩn bị và có thể triển khai ngay sau khi dự án được phê duyệt không? Vì vậy, thay vì thực hiện các hoạt động này một cách tuần tự, hãy triển khai đồng thời để đạt được kết quả tốt nhất ngay sau khi các dự án được phê duyệt. Đôi khi, các dự án phải mất đến 2-3 năm sau khi được phê duyệt mới có hiệu lực và bắt đầu thực hiện giải ngân.

Tiếp đến, tôi muốn đề cập tới việc đồng bộ quy trình lập ngân sách của Chính phủ. Rõ ràng chúng ta thấy rằng kế hoạch đầu tư trung hạn của Chính phủ là cơ sở cho công tác quản lý tài khóa, chu kỳ ngân sách hàng năm cũng đóng vai trò kiểm soát và ra các quy định về tài chính. Tuy nhiên, có những chương trình đầu tư công không phù hợp và lệch với các chu kỳ này. Các dự án hạ tầng là những ví dụ rõ rệt, có những dự án mất đến vài năm để chuẩn bị và vài năm để thực hiện. Đối với các dự án cơ sở hạ tầng lớn có thể mất đến 6-7 năm.

Trong một số trường hợp, tiến độ giải ngân chậm là do vấn đề từ chu kỳ ngân sách và phần vốn đối ứng cho công tác giải phóng mặt bằng. Đồng thời, các hoạt động khác không phải lúc nào cũng được triển khai đúng thời hạn, do đó đã làm chậm dự án.

Tôi cho rằng hiện nay Chính phủ đang triển khai nhiều đổi mới tích cực, đặc biệt là việc ban hành quy định tại Nghị định 56 về việc sử dụng các nguồn vốn ODA và tôi rất hy vọng một số nội dung cải cách sẽ được thực hiện thành công. Cộng đồng đối tác phát triển cũng rất sẵn lòng được tiếp tục phối hợp với Chính phủ để hợp lý hóa thủ tục các chương trình đầu tư công và chương trình đầu tư công sử dụng vốn ODA.

Vậy theo ông, làm thế nào để thiết kế các chương trình đầu tư công trong giai đoạn sau đại dịch COVID-19 một cách thiết thực, khả thi và hiệu quả?

Ông Rahul Kitchlu: Trước hết, tôi nghĩ rằng hiện nay, giai đoạn phục hồi đang bắt đầu, đầu tư công sẽ phải tiếp tục đóng một vai trò chủ chốt. Tin tốt là khung tài khóa vĩ mô của Việt Nam về cơ bản đang triển khai hiệu quả và có dư địa để mở rộng. Bên cạnh đó, lãi suất vay đang ở mức thấp nhất trong lịch sử, cả ở thị trường trong nước lẫn quốc tế, do đó đây là cơ hội để cân nhắc làm thế nào huy động các nguồn lực đầu tư công một cách hiệu quả nhất. Tôi sẽ nói về hai lĩnh vực lớn mà đầu tư công thực sự có thể đạt được kết quả phát triển tốt.

Đầu tiên, các chương trình đầu tư công cần giải quyết các vấn đề phức tạp mà Việt Nam đang phải đối mặt trong quá trình thực hiện mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao. Cụ thể, lĩnh vực cần xem xét trước tiên sẽ là tăng trưởng xanh, trong đó đầu tư vào cơ sở hạ tầng carbon thấp là một mục tiêu rất quan trọng của Chính phủ và cần đẩy nhanh tốc độ đầu tư công để bổ trợ cho khu vực tư nhân. Cụ thể là đầu tư vào vốn tự nhiên, phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao khả năng ứng phó.

Lĩnh vực thứ hai cần xem xét là đổi mới sáng tạo phát triển kỹ thuật số và cân nhắc các chương trình đầu tư công phù hợp với nội dung này. Có thể là phát triển nền tảng kỹ thuật số cho nền kinh tế, hoặc trang bị các kỹ năng cần thiết để nền kinh tế thực hiện chuyển đổi số.

Lĩnh vực thứ ba là tập trung phát triển các vùng trọng điểm ở những khu vực dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu như Đồng bằng sông Cửu Long, các chương trình tập trung vào phát triển đô thị và tăng trưởng của thành phố.

Đồng thời, tôi muốn đề cập đến các chương trình bảo trợ xã hội mang tính bao trùm, cụ thể là các chương trình hỗ trợ có mục tiêu cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, triển khai đến cơ sở, y tế, giáo dục, xây dựng cơ sở hạ tầng, kết nối với đường xá và điện khí hóa cho tất cả các khu vực này.

Đây là những thách thức đang đặt ra cho Chính phủ, bởi vậy các chương trình đầu tư công nhằm giải quyết các thách thức phức tạp này có thể sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế và đạt được mục tiêu phát triển lớn hơn của đất nước.

Cùng với đó, phải thừa nhận rằng khu vực tư nhân sẽ là động lực tăng trưởng của Việt Nam và đầu tư công có thể là chất xúc tác cho sự tăng trưởng của khu vực tư nhân. Nhưng làm thế nào để đạt được điều đó?

Trước tiên cần triển khai các chương trình cải cách cần thiết để cập nhật khuôn khổ đầu tư cho quốc gia, nhằm cung cấp các cơ chế khuyến khích cho khu vực tư nhân tham gia và đầu tư vào một số lĩnh vực của nền kinh tế. Đầu tư vào lĩnh vực thương mại và hậu cần, cơ sở hạ tầng cũng như các hoạt động thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu là vô cùng quan trọng.

Cuối cùng, tôi cho rằng các dự án cơ sở hạ tầng chiến lược quy mô lớn, đặc biệt là các dự án triển khai qua hình thức đối tác công tư sẽ là những chương trình đầu tư công quan trọng trong tương lai. Có thể kể đến như đường cao tốc Bắc-Nam, các dự án cơ sở hạ tầng lớn như phát triển tàu điện ngầm, xe buýt nhanh trong thành phố, cơ sở hạ tầng điện với các đường dây truyền tải trong các dự án điện.

Về vấn đề cơ cấu tài chính, các quy định hướng dẫn cơ cấu tài chính theo các khoản vay PPP được phê duyệt gần đây sẽ đóng vai trò dẫn dắt. Việc phân bổ rủi ro một cách công bằng sao cho khuyến khích được sự tham gia của khu vực tư nhân là rất quan trọng, nhưng nếu có rủi ro tồn đọng, cần có sự hỗ trợ của Chính phủ thông qua các công cụ như bảo lãnh và các cơ chế hỗ trợ khác. Các công cụ này sẽ có tác dụng làm đòn bẩy cho đầu tư và huy động tài chính để phát triển các dự án ODA./.