Đề xuất thu phí chống ngập với nhà cao tầng

Admin
Nhà cao tầng là một trong những nguyên nhân gây ngập ở TP.HCM nên cần có biện pháp thu phí với chủ đầu tư các công trình này.

Đây là ý kiến được ông Trần Quang Thắng - Đại biểu HĐND TP. HCM đưa ra trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáu tháng đầu năm và giải pháp cho những tháng cuối năm 2020.

Theo ông Thắng, tình trạng ngập úng, kẹt xe ở TP. HCM vẫn là chủ đề được người dân quan tâm nhưng thành phố chưa có giải pháp dứt điểm.

Ông Thắng cho rằng, có nhiều nguyên nhân gây ngập nước, kẹt xe trong đó có việc ào ạt xây nhà cao tầng. Bởi xây nhà cao tầng làm cho đô thị bị dồn, nén quá nhiều như ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh. Khu vực này khi mưa lớn là ngập và phải tăng cường máy bơm, nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời. Còn giải pháp nâng đường thì rất tốn kém.

Do đó, đại biểu Trần Quang Thắng đề xuất những chủ đầu tư muốn xây nhà cao tầng phải chịu phí. Đây sẽ là nguồn kinh phí dự phòng để thành phố giải quyết các vấn đề về ngập nước và ùn tắc giao thông.

De xuat thu phi chong ngap voi nha cao tang
Đường Nguyễn Hữu Cảnh - TP. HCM thường ngập sâu sau những cơn mưa.

Cũng trong phần phát biểu của mình, ông Thắng bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề chống ngập, đặc biệt dự án chống ngập có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) với tổng vốn gần 10.000 tỉ đồng, nhằm kiểm soát ngập do triều, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 750km2, với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn.

Ông Thắng cho biết tiến độ xây dựng các cống ngăn triều như Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối... đã thi công đạt khối lượng lớn, nhưng hiện còn vướng một số hộ chưa bàn giao mặt bằng, nhất là ở cống Mương Chuối (huyện Nhà Bè), đề nghị chính quyền TP thông tin cụ thể về tiến độ dự án.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, trong báo cáo tổng kết 5 năm về dự án phát triển nhà ở của Thành phố cho thấy xu hướng phát triển nhà ở cao tầng ở TP.HCM chiếm tỷ lệ cao hơn nhà ở riêng lẻ.

Theo ông Hoan, tốc độ đô thị hóa của thành phố đã vượt quá tầm kiểm soát, tần suất và vũ lượng mưa tăng, đỉnh triều ngày càng cao, lún nền diễn ra nghiêm trọng... trong khi hệ thống thoát nước chưa kịp đầu tư nâng cấp mở rộng nên việc giải quyết tình trạng ngập còn chậm.

Ngoài ra, tiến độ thực hiện các dự án chống ngập trên địa bàn chưa như mong muốn, song nhìn nhận khách quan tình trạng ngập nước đã giảm, không nặng như khoảng 7 năm trước. Một số khu vực trước đây ngập rất nặng nhưng hiện đã hết ngập.

Sắp tới, để các giải quyết tình trạng ngập nước, ông Hoan cho biết thành phố sẽ ưu tiên ngân sách cho việc giải phóng mặt bằng và các công trình cấp bách; huy động nguồn vốn xã hội hóa sẽ đầu tư các nhà máy xử lý nước thải, các hồ điều tiết.

Đặc biệt, thành phố đã và đang tìm cách tổ chức lại để có điều kiện phát triển mới, tạo bước đột phá, xây dựng đô thị thân thiện với môi trường chứ không phải là bê tông. Thành phố đã xây dựng nhiều dự án bờ bao, bờ kè và luôn chủ trương phát triển hướng đến sông nước, cụ thể như dành một khu vực trong khu đô thị Thủ Thiêm quy hoạch là châu thổ Nam bộ, cho ngập tự nhiên để giảm ngập trong trung tâm thành phố.

"TP.HCM đang hướng đến đô thị sông nước và khi dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng trong vùng trung tâm hoàn thành, Thành phố sẽ là đô thị sông nước, vừa sạch xanh lại vừa có cả hồ cảnh quan”, ông Hoan nói.

Ngọc Mai