Dịch COVID-19 sáng 16/5: Chuyến bay từ Nga về Việt Nam đã có 25 người dương tính

Admin
Cơ quan chức năng đã xác định được 25 ca dương tính với COVID-19 đi trên chuyến bay VN0062 chở 345 hành khách từ Mátxcơva (Nga) về Việt Nam ngày 13/5.

+ Tính đến 10h sáng 16/5, Việt Nam ghi nhận 314 ca nhiễm COVID-19, tăng 1 ca so với 24h trước. Bệnh nhân nữ (62 tuổi, địa chỉ ở Thiệu Hóa, Thanh Hóa), là hành khách về nước trên chuyến bay mang số hiệu VN0062 từ Nga hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh ngày 13/5.

Như vậy, chuyến bay từ Nga về đã có 25 người dương tính với SARS-CoV-2. Trước đó, sáng 15/5, Bộ Y tế đã công bố 24 ca dương tính từ chuyến bay này về. Tất cả những hành khách đều được cách ly ngay sau khi nhập cảnh, không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.

+ Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, hiện 260 ca đã được công bố khỏi bệnh; trong số 54 bệnh nhân còn lại đang điều trị thì 3 ca đã âm tính lần 1, 10 ca âm tính lần 2 trở lên, 41 ca vẫn dương tính.

+ Nhiều hộ dân thuộc diện cận nghèo ở thôn Hạnh Phúc, xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) "tố" bị vận động ký vào đơn không nhận tiền hỗ trợ ảnh hưởng dịch COVID-19 của Trưởng thôn đưa ra. Nếu không đồng ý ký, xã sẽ về rà soát lại, đưa ra khỏi danh sách hộ cận nghèo.

Liên quan đến vụ việc, ông Lê Đình Phương - Chủ tịch UBND xã Hải Ninh cho biết, xã không soạn sẵn đơn cho người dân ký, không chỉ đạo thôn làm như vậy mà đó là Trưởng thôn tự làm.

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia cũng cho hay: "Huyện không bao giờ chỉ đạo các địa phương vận động người dân tự nguyện ký vào đơn soạn sẵn như thế cả. Chúng tôi đang yêu cầu rà soát, kiểm tra lại việc thực hiện thống kê danh sách, chi trả cho những đối tượng được thụ hưởng. Nếu phát hiện ra vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định".

+ Sau hơn ba tháng dừng hoạt động để phòng chống COVID-19, bắt đầu từ chiều 15/5, phố đi bộ Hồ Gươm (Hà Nội) chính thức hoạt động trở lại. Việc tổ chức hoạt động không gian đi bộ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (gồm: không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; tuyến phố Hàng Đào - Hàng Giấy - chợ đêm Đồng Xuân; hoạt động 6 tuyến phố đi bộ mở rộng trong khu bảo tồn cấp I khu phố cổ Hà Nội) sẽ được khôi phục trở lại bình thường.

+ Liu Dengfeng - quan chức của phòng khoa học thuộc Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết, nước này đã ra lệnh hủy mẫu SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 được lấy trái phép tại các phòng thí nghiệm, đề phòng rủi ro an toàn sinh học và ngăn khả năng lây nhiễm thứ cấp xảy ra.

Ông Liu cho rằng, việc yêu cầu hủy các mẫu virus là phù hợp với tiêu chuẩn của Trung Quốc khi xử lý các mầm bệnh có khả năng lây nhiễm cao và việc thí nghiệm SARS-CoV-2 không nên được tiến hành ở các phòng thí nghiệm chưa đạt chuẩn.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng cáo buộc Trung Quốc che giấu thông tin về sự bùng phát dịch bệnh. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng cho rằng, Bắc Kinh cố tình giữ lại các mẫu SARS-CoV-2 để tạo ưu thế trong cuộc đua phát triển vắc xin.

+ Walter Kazadi Mulombo - quan chức đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Burundi - một quốc gia thuộc khu vực Đông Phi, cùng 3 chuyên gia WHO khác đã bị buộc rời khỏi nước này vì bày tỏ lo ngại về những cuộc tụ tập của người dân trước thềm bầu cử tổng thống có thể tiềm ẩn nguy cơ lây lan COVID-19.

Người đứng đầu Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Phi - John Nkengasong, đã gọi quyết định của Burundi là “sự cố đáng tiếc” và cho rằng, những khác biệt về quan điểm của WHO và nước sở tại nên được giải quyết bằng đối thoại thay vì làm ảnh hưởng đến việc xử lý dịch bệnh.

Tính đến ngày 15/5, Burundi ghi nhận 27 ca nhiễm COVID-19, tuy nhiên nhiều chuyên gia lo ngại con số thực tế có thể còn nhiều hơn. Một số quan chức tại Burundi đang bị các nhóm nhân quyền và chăm sóc sức khỏe cáo buộc lợi dụng niềm tin vào sự bảo trợ của thần thánh để hạ thấp mối nguy dịch bệnh.

Theo Baomoi.com