10 ngân hàng có quy mô vốn điều lệ "tí hon" dưới 5.000 tỷ đồng
Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến 31/3/2022 trong số 31 ngân hàng thương mại cổ phần nội địa (không tính Agribank và 3 ngân hàng 0 đồng), có tới 13 ngân hàng có quy mô vốn điều lệ tối thiểu 15.000 tỷ đồng.
Trong đó, nhà băng có vốn điều lệ cao nhất ở thời điểm này là BIDV với gần 50.600 tỷ đồng. Tiếp theo là Vietcombank và VietinBank lần lượt 48.057 tỷ và 47.325 tỷ đồng.
Trong nhớm ngân hàng tư nhân, VPBank dẫn đầu với quy mô vốn điều lệ trên 45.000 tỷ đồng. Các ngân hàng khác nằm trong TOP ngân hàng có vốn điều lệ tối thiểu 15.000 tỷ đồng gồm: MBB (37.783 tỷ); Techcombank (35.109 tỷ đồng); ACB (27.019 tỷ đồng); HDBank (20.273 tỷ đồng); SHB ( 19.260 tỷ đồng); Sacombank (18.852 tỷ đồng); VIB (15.531 tỷ đồng); MSB (15.275 tỷ đồng) và SCB (15.231 tỷ đồng).
9 ngân hàng có vốn điều lệ trên 5.000 tỷ đồng, nhỏ hơn 15.000 tỷ gồm: VietABank; ABBank, Ngân hàng Bắc Á, PVcombank, TPBank, LienVietpostbank; Eximbank,OCB và SeaBank.
Còn lại, 8 ngân hàng có quy mô vốn điều lệ tối thiểu 3.000 tỷ đồng đến 5.000 tỷ đồng gồm: SaigonBank, BaoVietBank, KienLongBank, Ngân hàng Bản Việt, NCB, Nam Á Bank, VietBank và Dong A Bank. Trong đó, Dong A Bank vốn điều lệ vừa tròn 5.000 tỷ đồng tại ngày 31/3/2022.
Trong 9 ngân hàng có 100% vốn nước ngoài, cũng có tới 4 ngân hàng có vốn điều lệ dưới 5.000 tỷ gồm: ANZ Việt Nam (3.000 tỷ); Hong Leong Việt Nam (3.000 tỷ); CIMB Việt Nam (3.698,2 tỷ đồng).
Áp lực tăng vốn điều lệ lên tối thiểu 5.000 tỷ đồng
Trong quyết định phê duyệt đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025" được Thủ tướng Chính phủ ban hành mới đây, Chính phủ đưa ra 10 mục tiêu cụ thể. Trong đó, một trong những nội dung đáng chú ý là việc phân nhóm các tổ chức tín dụng theo quy mô vốn điều lệ.
Cụ thể, nhà quản lý đặt mục tiêu tổ chức tín dụng phải có biện pháp bảo đảm có số vốn điều lệ đến năm 2025 như sau:
Đối với các ngân hàng thương mại, Nhóm ngân hàng thương mại trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô lớn phải có vốn điều lệ tối thiểu 15.000 tỷ đồng. Nhóm ngân hàng thương mại trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô nhỏ và trung bình và ngân hàng thương mại có vốn nước ngoài, vốn điều lệ tối thiểu phải đạt 5.000 tỷ đồng.
Các công ty tài chính, cho thuê tài chính lần lượt tối thiểu đạt 750 tỷ đồng và 450 tỷ đồng.
Đối với ngân hàng thương mại, công ty tài chính yếu, yếu kém/được kiểm soát đặc biệt/thực hiện phương án cơ cấu lại do cấp có thẩm quyền phê duyệt: phương án tăng vốn thực hiện theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền.
Cũng xin được nhắc lại rằng, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện phân loại xếp hạng các ngân hàng theo 5 nhóm, nhưng việc phân nhóm theo quy mô vốn điều lệ thì đây là lần đầu tiên mới được quy định chính thức. Về quy mô vốn điều lệ, hiện các ngân hàng chỉ cần đáp ứng mức vốn điều lệ tối thiểu ở mức 3.000 tỷ đồng.
Như vậy, theo đề án này các ngân hàng có quy mô vốn điều lệ tối thiểu dưới 5.000 tỷ sẽ phải chịu áp lực tăng vốn để đáp ứng theo yêu cầu tại đề án. Đặc biệt, trong số các ngân hàng kể trên có 4 ngân hàng duy trì mức vốn điều lệ quanh 3.000 tỷ đồng suốt nhiều năm nay, sẽ sớm phải có giải pháp tăng vốn. Nếu không thể tăng thêm vốn, các ngân hàng này có thể sẽ buộc phải tính đến giải pháp hợp nhất và sáp nhập, nhằm tăng quy mô đáp ứng theo yêu cầu.
Được biết, mục tiêu của đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025" là tạo bước chuyển rõ rệt, thực chất trong cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, phấn đấu đến năm 2025 giảm số lượng các tổ chức tín dụng, xử lý cơ bản các ngân hàng yếu kém, không để phát sinh những ngân hàng yếu kém mới, hệ thống các tổ chức tín dụng lành mạnh và phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng theo hướng các tổ chức tín dụng trong nước đóng vai trò chủ lực, hoạt động lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch, đáp ứng các chuẩn mực về an toàn hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật và tiệm cận với thông lệ quốc tế, hướng tới đạt trình độ phát triển của nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN.
Đồng thời, đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh, nâng cao năng lực tài chính của tổ chức tín dụng, ngăn ngừa tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng có liên quan.