Theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước vào ngày 30/9, trần lãi suất đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 4,25%/năm xuống 4%/năm; lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định dựa trên cơ sở cung – cầu vốn thị trường.
Tổng hợp lãi suất của khoảng 30 ngân hàng Việt Nam cho thấy, lãi suất huy động cuối năm nay giảm khá mạnh so với thời điểm đầu năm 2020. Một số ngân hàng duy trì mức lãi suất cao nhất thị trường hiện nay gồm: Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank), Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB), Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Dầu khí (GPBank). Đây cũng là những "gương mặt" quen thuộc trong nhóm ngân hàng luôn duy trì mức lãi suất huy động cao trên thị trường.
Cụ thể, Ngân hàng NCB đang duy trì mức lãi suất tiền gửi 12 tháng là 6,9%/năm; lãi suất tiền gửi 13 tháng là 7%; 15 tháng là 7,3%, 18-36 tháng là 7,3%.
Tại KienlongBank, mức lãi suất 6,9%/năm áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng, từ 13 tháng áp dụng mức lãi suất 7,1%.
Tại SCB, lãi suất cao nhất kỳ 12 tháng là 7,3% nhưng áp dụng với các món tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên. Ngoài ra, mức lãi suất từ 15 tháng trở lên là 6,8%.
Tại VIB lãi suất áp dụng cho kỳ hạn 12, 13 tháng là 6,19%, 24 tháng là 6,4%.
GPBank áp dụng mức lãi suất 1-5 tháng là 4,0%; lãi suất áp dụng cho kỳ 12 tháng là 6,2%, 13 tháng là 6,3%.
CBBank áp dụng mức lãi suất 1-5 tháng là 4,0%; lãi suất áp dụng cho các kỳ hạn từ 13-60 tháng là 6,8%.
Lãi suất thấp nhất trong hệ thống vẫn nằm ở nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước như: Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) duy trì lãi suất 1-5 tháng là 3,0-3,3%/năm, lãi suất 12 tháng là 5,6%.
Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) đang duy trì mức lãi suất 12, 13, 18 tháng là 5,6%/năm.
Đáng chú ý, một số ngân hàng tư nhân lớn như Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank) ở một số kỳ hạn còn duy trì mức lãi suất thấp hơn cả khối ngân hàng thương mại nhà nước. Techcombank đang duy trì lãi suất 12, 13, 18 đến 23 tháng ở mức 4,5%/năm.
Hay ngân hàng VPBank cũng đang duy trì lãi suất ở mức khá thấp. Kỳ hạn 12 tháng mức lãi suất VPBank áp dụng là 5,9%, kỳ hạn 24 tháng là 6,0%.
Từ đầu năm 2020 đến nay, NHNN đã 3 lần điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất với tổng mức giảm tới 1,5-2,0%/năm. Tính đến tháng 11/2020, mặt bằng lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 1%/năm so với cuối năm 2019.
Lãi suất vừa là công cụ để cơ quan quản lý điều tiết thị trường vừa phản ánh cung cầu vốn thực của thị trường. Lãi suất giảm cho thấy thanh khoản của ngân hàng đang rất dồi dào, không có dấu hiệu căng thẳng như mọi năm. Việc ngân hàng dư thừa vốn được cho là do đại dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực tới việc duy trì, mở rộng hoạt động của doanh nghiệp trong năm 2020.
Dự báo của đa số các chuyên gia tài chính đều cho rằng, lãi suất sẽ tiếp tục được duy trì ổn định trong những tháng đầu năm 2021. Về phía cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong năm 2021 sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, theo hướng giảm lãi suất cho vay.