Doanh nghiệp cần thêm nhiều trợ lực để vượt thách thức, chớp cơ hội tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu

Admin
Theo Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp (DN) Việt Nam rất cần sự quan tâm tiếp tục từ phía Chính phủ để chế ngự được những thách thức mới từ lạm phát, tỷ giá thay đổi trên toàn cầu, từ đó chớp cơ hội chen chân vào những vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Trước thềm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI đã có cuộc trao đổi với báo chí về một số vấn đề liên quan đến nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam trong tiến trình phục hồi sau đại dịch cũng như những vướng mắc cần tháo gỡ. Từ đó đề xuất giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế nước nhà.
Là cơ quan đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông đánh giá như thế nào về việc tiếp thu, giải trình, tiến bộ của cơ quan quản lý Nhà nước đối với kiến nghị do VCCI trình lên nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN? Phản hồi từ phía cơ quan Nhà nước có làm hài lòng nguyện vọng của VCCI?
Ông Phạm Tấn Công: Vừa rồi Đại hội VII của VCCI đưa ra 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược. Đó là xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho sự phát triển của DN; xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh để tạo sức mạnh và sự phát triển bền vững của cộng đồng DN và chuyển đổi số.
Ba nhiệm vụ này vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính chiến lược. Trong đó, môi trường kinh doanh được VCCI xác định là nhiệm vụ chiến lược hàng đầu và luôn là nhiệm vụ cấp bách. Chúng tôi vẫn ví môi trường kinh doanh là nước, DN là cá. Nước có tốt thì cá mới lớn nhanh và nhiều được. Nước không tốt thì cá bỏ đi và thậm chí là không sống được.
Rất mừng là trong thời gian gần đây, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã liên tục được cải thiện.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công.
Từ thực tiễn kinh doanh, chúng tôi tổng hợp và báo cáo lên cơ quan quản lý Nhà nước. Định kỳ hàng tháng VCCI có báo cáo trực tiếp lên Thủ tướng. Thủ tướng rất quan tâm đến các ý kiến đóng góp của VCCI. Từ đấy các kiến nghị của DN đã đến được với các cơ quan quản lý.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về việc chuyển sang trạng thái bình thường mới là một bước đi quan trọng và kịp thời trong việc gỡ khó, giải thoát cho doanh nghiệp.
Có thể nói Chính phủ rất kịp thời lắng nghe tiếng nói từ cộng đồng DN. Với dự thảo Nghị quyết thay Nghị quyết 35 về phát triển DN, trong đó có rất nhiều ý kiến của VCCI đã được tiếp thu và đưa vào dự thảo này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường kinh doanh thực chất cho DN. Theo đó, chúng tôi tin tưởng rằng môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ ngày càng tốt hơn trong thời gian tới.
Đến nay đã tròn 1 năm Nghị quyết 128 được triển khai và áp dụng trong thực tế, còn có những khó khăn nào cần tháo gỡ cho cộng đồng doanh nhân, DN hay không, thưa ông?
Ông Phạm Tấn Công: Nghị quyết 128 của Chính phủ được ban hành để cả quốc gia chuyển sang một giai đoạn mới với việc thay đổi chiến lược phòng, chống dịch, từ zero COVID sang thích ứng linh hoạt và chung sống với COVID. Nghị quyết được ban hành sau rất nhiều cuộc họp, và đặc biệt sau cuộc gặp giữa Thủ tướng với cộng đồng DN của 63 tỉnh, thành trên toàn quốc.
Việc ban hành quyết định này được coi là quyết định giải vây ngoạn mục cho các DN trong khi đang bị dịch COVID-19 bao vây, cô lập và đẩy nhiều DN đến bờ vực sụp đổ. Nếu Chính phủ không ban hành sớm Nghị quyết 128 thì thiệt hại kinh tế sẽ rất lớn.
Những chủ trương lớn của nghị quyết đã có hiệu quả tức thời không chỉ trong việc giải vây cho DN mà còn giải thoát cho nền kinh tế Việt Nam, tạo đà cho những thành công của tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế Việt Nam.
Nếu chậm ban hành nghị quyết sẽ làm cho hạ tầng kinh tế, đơn vị DN thiết yếu cung cấp cho chuỗi sản xuất kinh doanh sụp đổ sẽ rất khó để phục hồi. Hiện nhiều nước gặp khó khăn để phục hồi các DN đã "ra đi" vì COVID-19.
Có một số chính sách đã triển khai rất nhanh và rất tốt như trợ giúp người lao động, chính sách giãn thuế, nợ thuế, hỗ trợ cho vay không lãi suất để DN trả lương cho người lao động... Đây là những chính sách thiết thực, đi vào cuộc sống ngay. Các DN cảm nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ Nhà nước để từ đó giúp họ bớt khó khăn.
Với Nghị quyết 128, Việt Nam đã giữ được những nguồn lực quý báu của kinh tế quốc gia, đảm bảo chuỗi sản xuất - cung ứng không bị thiệt hại quá lớn và có khả năng phục hồi nhanh.
Dù vậy, nhìn lại việc triển khai nghị quyết chúng tôi thấy rằng còn một số giải pháp chưa thực hiện được do nhiều lý do khác nhau. Cộng đồng doanh nhân, DN vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn. Những quyết định và triển khai dự án chậm trễ sẽ nảy sinh nguy cơ tiềm tàng cho sự phát triển trong tương lai.
Cộng đồng doanh nhân, DN còn đối mặt với nhiều khó khăn.
Thêm vào đó là lạm phát, tăng lãi suất là những nguy cơ rất lớn sắp tới đe dọa sự phát triển của các DN, đặc biệt là DN vay vốn nước ngoài khi lãi suất các đồng ngoại tệ tăng. Đây là nguy cơ kép với các DN. Dù không phải là vay của Chính phủ nhưng DN phải chịu áp lực lạm phát và lãi suất tăng vì thường là vay theo lãi suất thả nổi cộng với tỷ lệ phần trăm cao hơn đối với DN Việt Nam.
Những thách thức này rất lớn với DN Việt Nam trong thời gian tới và cần có sự quan tâm tiếp tục của Chính phủ để DN có thể tiếp tục chớp cơ hội chen chân vào những vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời phải chế ngự được những thách thức mới từ lạm phát, tỷ giá thay đổi trên toàn cầu.
Trong bối cảnh thách thức như vậy, ông đánh giá như thế nào về nỗ lực vượt khó của đội ngũ doanh nhân nước ta?
Ông Phạm Tấn Công: Dưới tác động to lớn bởi đại dịch COVID-19, rất may các DN Việt Nam rất năng động, chủ động, không ngồi trông chờ chính sách mà tự bươn chải, khắc phục và vươn lên. Vốn vay ưu đãi chưa vay được, DN tìm cách khác như huy động người thân, họ hàng. Gói vay lãi suất 2% hiện doanh nghiệp tiếp cận vẫn còn khó khăn. Hay gói hỗ trợ về đào tạo lại cho người lao động trong DN với những điều kiện rất khó triển khai.
Trong bối cảnh đó, vì lợi ích của công nhân, vì tương lai của chính DN mình, DN đã vươn lên khắc phục. Đây là điểm đáng ghi nhận.
Trong khi Nhà nước cần hỗ trợ, huy động nguồn lực của DN để mua vaccine chống dịch, các DN lăn xả thực hiện ngay.
Chúng ta đã trải qua 2 năm COVID-19 vô cùng khó khăn. Hiện giờ trong giai đoạn hội nhập và phục hồi sau đại dịch, các DN cũng đang vươn lên rất mạnh mẽ. Việc tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu vốn bị đứt gãy trong đại dịch là cơ hội cho chúng ta. Chúng ta cũng thấy sự tăng trưởng vượt bậc của xuất khẩu trong thời gian qua. Cùng với đó GDP quý III ghi nhận mức tăng vô cùng ấn tượng 13,67%. Khó có nước nào trên thế giới đạt được kết quả cao như vậy.
Kết quả tăng trưởng GDP vừa qua vừa là thành tựu gặt hái được từ đường lối, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Đồng thời là sự nỗ lực và năng động tuyệt vời của đội ngũ doanh nhân, DN Việt Nam và các DN FDI để đảm bảo Việt Nam không chỉ phục hồi mà còn biến thách thức, nguy cơ thành cơ hội. Các DN đã biết chớp cơ hội khi có những chỗ trống trên thị trường quốc tế, nhanh chóng tạo chỗ đứng của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, xuất khẩu ghi nhận mức tăng trưởng tốt.
Dưới góc nhìn của VCCI, cộng đồng doanh nhân, DN Việt Nam hiện nay cần những chính sách hỗ trợ nào từ phía Nhà nước để phục hồi và phát triển bền vững trong thời gian tới?
Ông Phạm Tấn Công: Giai đoạn sắp tới cơ hội và thách thức rất nhiều. Mục tiêu của nhiệm kỳ này là đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia phát triển có thu nhập trung bình và đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển thu nhập cao. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực lớn từ phía DN và Nhà nước cũng phải quan tâm, tạo điều kiện cho DN phát triển, thúc đẩy sự lớn mạnh của đội ngũ doanh nhân, DN Việt Nam.
Nhà nước phải tạo điều kiện đảm bảo về vốn kinh doanh. Vừa rồi chúng ta có triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất vay cho DN nhưng triển khai rất chậm, do đó cần phải khắc phục. Việc khống chế lạm phát, đảm bảo tỷ giá cho đồng tiền cũng là điều đáng lưu tâm. Việc đưa ra các quyết sách và phê duyệt các dự án cần ý kiến của các cơ quan Nhà nước cũng cần phải đảm bảo có tốc độ tương ứng để DN nắm bắt cơ hội.
Ngoài ra, việc hỗ trợ về nguồn nhân lực sau COVID-19 đang là vấn đề rất lớn với các DN, là lực cản cho sự phục hồi và phát triển của DN. Bởi vì DN cần tuyển dụng đội ngũ lao động đã bị thất tán trong cuộc chiến đại dịch. Phải thêm nguồn nhân lực để đáp ứng những đơn hàng mới khi chúng ta chiếm được vị trí trong chuỗi toàn cầu. Những vị trí mới cần nhân lực cao hơn khi muốn gia tăng giá trị trong chuỗi giá trị thì phải đáp ứng nhu cầu về nhân lực có trình độ cao hơn. Điều này cần sự quan tâm và hỗ trợ ngay của Nhà nước để đảm bảo nhân lực cho sự phát triển.