Doanh nghiệp đề xuất sớm mua vắc-xin để cứu xuất khẩu

Kỳ Văn
Bốn hiệp hội ngành hàng chuyên sản xuất hàng xuất khẩu vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp khẩn trương mua vắc-xin để tiêm cho người lao động. Đó là Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam (LEFASO), Hiệp hội Dệt may (VITAS), Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử (VEIA) và Hội Mỹ nghệ & Chế biến gỗ TPHCM (HAWA).
de-xuat-1627697923.jpg

Bốn hiệp hội cho biết đã chủ động tìm nguồn cung vắc xin từ Tập đoàn Royal Strategic Partners (UAE). Ngày 13/7, Đại sứ quán Việt Nam tại UAE làm việc với tập đoàn này để xác minh về khả năng cung ứng vắc-xin của họ. “Chúng tôi kính đề nghị Chính phủ và Bộ Y tế chủ trì đàm phán với Tập đoàn Royal Strategic Partners của UAE hoặc chỉ định đơn vị nhập khẩu Việt Nam có đủ điều kiện triển khai thủ tục nhập khẩu, ưu tiên hỗ trợ các hiệp hội thực hiện việc tiêm chủng cho người lao động tại các nhà máy”, văn bản nêu.

Bốn hiệp hội cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan tạo điều kiện nhanh nhất và nhiều nhất (trong cuối tháng 7, đầu tháng 8) lượng vắc-xin để tiêm cho người lao động tại các nhà máy, khu công nghiệp của 4 ngành hàng xuất khẩu để tiếp tục vừa duy trì sản xuất vừa chống dịch. Đồng thời đề nghị Chính phủ hỗ trợ các hiệp hội được mua vắc-xin từ nguồn cung tự tìm kiếm để tiêm miễn phí cho người lao động. Mọi chi phí để triển khai các hoạt động trên sẽ do các doanh nghiệp của các hiệp hội tự lo liệu.

Các doanh nghiệp thuộc 4 ngành hàng thường có quy mô lớn, sử dụng từ hàng nghìn đến vài chục nghìn lao động nên không đủ khả năng triển khai “3 tại chỗ”. Do vậy, trên 90% các doanh nghiệp chấp nhận dừng sản xuất, ảnh hưởng phần cung toàn cầu cho các nhãn hàng đã tin tưởng đặt hàng sản xuất tại Việt Nam.

Chiều 30/7, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng thư ký HAWA, cho biết, các thành viên HAWA trước đây có nhu cầu 200 nghìn liều vắc-xin, nhưng do thực hiện “3 tại chỗ”, nhiều DN phải tạm đóng cửa hoặc giảm quy mô sản xuất, nên nhu cầu hiện nay là 60 nghìn liều. “Hàng loạt doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ phá sản và thách thức rất lớn nên cần có vắc-xin để tiêm cho người lao động trong thời gian sớm nhất có thể nhằm cứu vãn chuỗi sản xuất bị đứt gãy”, ông Phương nói.

Chủ tịch Hội Dệt may-Thêu đan TPHCM, ông Phạm Xuân Hồng, cho biết, khoảng 90% doanh nghiệp thành viên đã tạm ngừng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất. Những doanh nghiệp đang sản xuất “3 tại chỗ” chỉ còn khoảng 30% năng lực sản xuất.