Doanh nghiệp lớn “đau đầu” vì hụt thu

Admin
Trong Sách trắng doanh nghiệp 2020 vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, có gần 50% doanh nghiệp thua lỗ.

Theo số liệu được công bố, tính đến ngày 31/12/2019, cả nước có 758.610 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 6,1% so với cùng thời điểm năm 2018 và là lực lượng đóng góp hơn 60% vào GDP. Bình quân cả nước có 7,9 doanh nghiệp đang hoạt động/1.000 dân.

VNA) cho biết, trong quý I/2020, hãng lỗ 2.383 tỷ đồng do việc phải tạm dừng phần lớn các đường bay.

Về tình hình sản xuất, kinh doanh, tính đến ngày 31/12/2018, tổng nguồn vốn sử dụng cho sản xuất, kinh doanh của toàn bộ doanh nghiệp đang hoạt động đạt 38,93 triệu tỷ đồng, tăng 18% so cùng kỳ năm 2017. Cả nước có 44,1% doanh nghiệp kinh doanh có lãi, 7,5% doanh nghiệp kinh doanh hòa vốn, 48,4% doanh nghiệp thua lỗ.

Tuy nhiên, bước sang năm 2020, tình hình còn khó khăn hơn rất nhiều do tác động từ dịch COVID-19, đặc biệt với những doanh nghiệp lớn. Cụ thể, theo báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), tập đoàn này đang trong giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử. Nhiều đơn vị trong Tập đoàn đang có nguy cơ mất cân đối, thậm chí là thua lỗ nếu như giá dầu không được cải thiện. Chuỗi giá trị của PVN cũng theo đó sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong văn bản gửi lên Bộ Tài chính xem xét phương án giảm thuế xuất khẩu phân bón, xăng dầu, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có đưa ra số liệu ước tính về kết quả kinh doanh quý 1 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Theo đó, lợi nhuận sau thuế của PVN trong quý 1 ước đạt 4.440 tỷ đồng, giảm 49% so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo của PVN cho biết, trường hợp giá dầu thô giảm xuống 55 USD/thùng đến 30 USD/thùng sẽ làm doanh thu bán dầu thô năm nay giảm tương ứng từ 9.200 tỷ đồng đến 55.100 tỷ đồng. Điều này khiến tổng doanh thu ước giảm 23.000 tỷ đồng đến 141.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, do tình hình dịch bệnh COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp và nghiêm trọng trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam, người dân hạn chế đi lại, tiếp xúc dẫn đến nhiều hoạt động sản xuất, du lịch, dịch vụ phải tạm dừng; đồng thời do tác động của cuộc chiến tranh thương mại, giảm giá dầu lửa giữa một số quốc gia trên thế giới, dẫn đến một số doanh nghiệp đang phải chịu tác động kép.

Dự kiến cả năm 2020, nếu dịch bệnh kéo dài, giá dầu không hồi phục, doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty sẽ giảm khoảng 279.767 tỷ đồng so với kế hoạch, nộp ngân sách Nhà nước giảm khoảng 32.836 tỷ đồng so với kế hoạch.

Còn trong báo cáo mới nhất gửi Bộ GTVT, Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines (VNA) cho biết, trong quý I/2020, hãng lỗ 2.383 tỷ đồng do việc phải tạm dừng phần lớn các đường bay. Dự kiến, nếu dịch bệnh kéo dài, doanh nghiệp này sẽ lỗ gần 20.000 tỷ đồng trong năm nay, chưa tính các khoản vay đến hạn không thanh toán được. VNA có hơn 100 máy bay đang dừng hoạt động và hơn 10.000 lao động đang tạm nghỉ không lương.

Việc dừng bay cũng ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp cảng hàng không. Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), cho biết tổng sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không đầu năm 2020 sụt giảm mạnh so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế giảm đến 70%.

Với tình hình hiện nay, lợi nhuận năm 2020 của ACV có thể giảm hơn 10.000 tỷ đồng so với 2019. Tương tự, sản lượng điều hành bay của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cũng sụt giảm nghiêm trọng, doanh thu 2020 dự kiến giảm 50% so với năm trước.

Để tự cứu mình trong cơn hoạn nạn, các hãng hàng không đang phải rất nỗ lực xoay sở. Ông Lê Hồng Hà, Phó Tổng giám đốc VNA cho biết, trong tháng 4 VNA đã tăng cường khai thác các chuyến bay chở hàng trong nước và quốc tế, đạt doanh thu từ mảng hàng hóa khoảng 300 tỷ đồng.Đây sẽ là hướng đi của hãng trong thời gian tới, khi vận chuyển hành khách chưa thể phục hồi.

Tuy nhiên, việc chuyển hướng này cũng chỉ bù đắp được phần nào sự hụt thu của vận chuyển hành khách. Nếu không được hỗ trợ kịp thời, các doanh nghiệp hàng không sẽ rất khó gượng dậy, thậm chí phá sản, hệ lụy với nền kinh tế sẽ không nhỏ.

Hiện nay, việc giảm giá các dịch vụ tại sân bay ACV đang áp dụng đã giúp các hãng giảm bớt chi phí, nhưng nếu muốn có tác động tích cực hơn, chính sách giảm giá này cần kéo dài thêm cả sau khi các đường bay đã được khôi phục. Tương tự, việc miễn giảm hoặc giãn thời gian nộp thuế, phí; cho vay lãi suất ưu đãi, cơ cấu nợ… cũng cần đủ mạnh và ít nhất kéo dài 1 năm sau khi hết dịch.

Khả năng phục hồi của ngành hàng không phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có “sức khỏe” của nền kinh tế, thị trường du lịch và chính sách của các quốc gia. Hiện các doanh nghiệp đều đang “đau đầu” bởi con số hụt thu ngày càng lớn, trong khi các chi phí bắt buộc vẫn phải gánh. Trong bối cảnh đó, việc hỗ trợ doanh nghiệp hàng không cần kịp thời và đủ mạnh.

Theo Enternews