Doanh nghiệp nhỏ và vừa gian nan tiếp cận vốn vay
Kỳ Văn
07:42 21/06/2022
Các sản phẩm hay dịch vụ tài chính đổi mới sáng tạo hiện có dành cho nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV) chưa hình thành một cách hệ thống và rõ nét. Khoảng trống về dịch vụ tài chính đổi mới sáng tạo cho khối doanh nghiệp này cần được nghiên cứu, thảo luận và tìm ra giải pháp hiệu quả.
Khó tiếp cận vốn
Tại hội thảo “Tương lai của fintech vì sự phát doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam” diễn ra mới đây, Tiến sĩ Lương Thái Bảo - Trưởng ban điều hành Chương trình Cử nhân Công nghệ Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: Việt Nam có lượng DNNVV lớn, là quốc gia có chỉ số ứng dụng CNTT tương đối cao trong khu vực so với mặt bằng về thu nhập. Đây là cơ sở để chúng ta đặt vấn đề khám phá mối quan hệ giữa fintech và DNNVV.
Trên thực tế, DNNVV gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính truyền thống. Cụ thể, DN thiếu sự tiếp cận tài chính để thuê mua, thiếu tiếp cận tài chính để xuất khẩu. Họ cần sự liên kết đặc biệt với các ngân hàng. DNNVV phải chịu lãi suất cao, gặp nhiều khó khăn trong về các thủ tục hành chính của ngân hàng cũng như các trở ngại về tài chính nói chung.
Theo Tiến sĩ Lương Thái Bảo - Trưởng ban điều hành Chương trình Cử nhân Công nghệ Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân, DNNVV đối mặt với nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn.
Trong khi đó, các công ty có quy mô lớn thường dễ có khả năng tiếp cận tài chính ngân hàng để đầu tư mới hơn nhiều. Liên quan đến dịch vụ ngân hàng, các DNNVV thua các DN lớn trong việc tiếp cận vốn là 150%.
Phân tích sâu góc nhìn từ phía cung trong mối quan hệ giữa các DNNVV với dịch vụ tài chính, ông Bảo cho rằng, vấn đề nổi bật nhất là thông tin bất đối xứng. Các DNNVV do thiếu kinh nghiệm, tuổi đời và nguồn lực nên họ không đủ khả năng cung cấp thông tin về mặt tín dụng đầy đủ cho ngân hàng và các dịch vụ tài chính.
DN thiếu tài sản đảm bảo. Đây là vấn đề tương đối đặc thù ở những quốc gia có nền tài chính kém phát triển. Ở đây 100% cho vay phải có tài sản đảm bảo.
"Trong khi đó, khu vực cung cấp dịch vụ tài chính nhận thấy DNNVV thiếu thông tin tín dụng, kiến thức, kỹ năng, hệ thống về tài chính. Ngoài ra, các DN này luôn gặp khó khăn trong vấn đề đăng ký và xác thực. Toàn bộ những vấn đề này là khoảng trống mà các startup fintech nên suy nghĩ và tìm hiểu để phát triển", ông Bảo nói.
Về chi phí tìm kiếm và phục vụ khách hàng cao so với doanh thu, ngân hàng phải tự động hóa dịch vụ nhằm giảm chi phí kết nối giữa người cho vay và người đi vay. Sử dung dịch vụ trên thiết bị mobile, và dữ liệu thay thế. Cùng với đó là số hòa tài liệu, sử dụng công nghệ cao cấp ML/AI để phân tích khách hàng và ra quyết định cho vay. Khi đã có bài toán phân tích, có thể phân hạng khách hàng để thiết kế sản phẩm với khách hàng, đảm bảo ngân hàng có lợi, khách hàng tiếp cận được dịch vụ tài chính.
Khoảng trống về dịch vụ tài chính đổi mới sáng tạo
PGS.TS Bùi Huy Nhượng, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: Trong vòng 5 năm trở lại đây, công nghệ tài chính (fintech) đã trở thành một xu thế phát triển tất yếu trong khu vực tài chính của Việt Nam, bắt đầu bằng sự ra đời của các startup fintech, mở rộng cung cấp dịch vụ tài chính số của các định chế tài chính truyền thống và xâm nhập vào lĩnh vực dịch vụ tài chính của các công ty công nghệ.
Hệ sinh thái fintech tại Việt Nam do đó đã hình thành và tiếp tục phát triển nhanh, dự kiến năm 2022 sẽ là sân chơi của 200 công ty fintech. Các công ty fintech này, kết hợp với các định chế tài chính truyền thống và các công ty công nghệ, đã tạo ra một thị trường về dịch vụ tài chính đổi mới sáng tạo phục vụ nền kinh tế.
PGS.TS Bùi Huy Nhượng, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, dịch vụ tài chính đổi mới sáng tạo dành cho DNNVV chưa rõ nét.
Hiện tại các công ty fintech Việt Nam đang được phân loại theo mảng tính năng của dịch vụ và mang tính chất vừa thay thế vừa bổ sung cho các dịch vụ tài chính truyền thống, với cấu trúc chủ yếu tập trung vào mảng thanh toán.
Tuy nhiên, các sản phẩm hay dịch vụ tài chính đổi mới sáng tạo hiện có dành cho nhóm DNNVV chưa hình thành một cách hệ thống và rõ nét. Trong khi đó các DN này luôn cần các dịch vụ tài chính ngày càng dễ tiếp cận hơn với sự linh hoạt trong phương thức tiêu dùng, chi phí thấp, loại hình sản phẩm, dịch vụ đa dạng. Khoảng trống về dịch vụ tài chính đổi mới sáng tạo cho các DNNVV do đó cần được nghiên cứu, thảo luận để tìm ra hướng đi bổ sung cho không chỉ các công ty startup fintech mà còn cho các định chế tài chính truyền thống và các công ty công nghệ.
Cần tạo điều kiện cho DNNNV
Theo đánh giá của TS Lương Thái Bảo, với triển vọng của những công nghệ mới thì những những khó khăn trong mối quan hệ cung cấp dịch vụ giữa tài chính truyền thống và các DNNVV hoàn toàn có thể giải quyết được. Vấn đề đặt ra ở đây ai sẽ là người làm và làm như thế nào?
Từ kinh nghiệm của G20 và các nước OECD về tài trợ cho DNNVV, xử lý mối quan hệ tài chính giữa DNNVV và người cho vay, ông Bảo cho rằng, hệ thống tài chính của chúng ta cần xác định nhu cầu và khoảng cách về tài trợ cho DNNVV. Tăng cường năng lực tiếp cận dịch vụ tài trợ truyền thống từ ngân hàng. Tạo điều kiện cho DNNVV tiếp cận các kênh và công cụ tài trợ đa dụng phi truyền thống.
Thúc đẩy tài chính toàn diện cho DNNVV, bao gồm các công ty phi chính thức, và tạo điều kiện dễ dàng trong việc tiếp cận dịch vụ tài chính chính thức. Thiết kế quy định để hỗ trợ một loạt các công cụ tài trợ cho DNNVV, cùng lúc đảm bảo ổn định tài chính và bảo vệ nhà đầu tư.
Thêm vào đó, cần cải thiện tính minh bạch trên thị trường tài chính cho DNNVV. Tăng cường kỹ năng tài chính và tầm nhìn chiến lược cho DNNVV.
Đối với sinh viên, ông Bảo khuyến nghị sinh viên cần có tinh thần đổi mới sáng tạo để tạo ra sự khác biệt. Ông kỳ vọng sự khác biệt mang tính tích cực thông qua việc tham gia vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và mong muốn sinh viên tham gia vào Cuộc thi cấp quốc gia Finnovation 2022.
Cuộc thi này do Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển sinh viên Việt Nam; Đoàn Thanh niên Bộ KH&CN, Đoàn Thanh niên ĐHQG Hà Nội, Ban cán sự Đoàn ĐHQG TP Hồ Chí Minh tổ chức.