Doanh nghiệp phía Nam đề xuất '2 tại chỗ' để duy trì sản xuất

Kỳ Văn
Việc đáp ứng yêu cầu "3 tại chỗ" dẫn tới rủi ro dịch bệnh. Các doanh nghiệp phía Nam đề xuất được tiêm vaccine, linh hoạt phương án "3 tại chỗ" để giữ chân lao động.
doanh nghiep kien nghi 2 tai cho anh 1

Cách ly tại nhà gần một tháng nay vì khu nhà trọ có ca nhiễm mới, chị Như - công nhân của một nhà máy sản xuất bánh kẹo tại Bình Dương - mới được công ty gọi đi làm trở lại. Nhưng chị Như đang phân vân.

"Nhiều bạn bè của tôi đã bỏ việc về quê, một số vẫn cố bám trụ lại. Bây giờ nếu đi làm phải ăn, ngủ, sinh hoạt trong nhà máy với hàng trăm, nghìn công nhân sẽ rất nguy hiểm. Tôi đang tính sẽ nghỉ việc về quê vì gia đình ở nhà cũng rất lo lắng", chị nói.

Không chỉ chị Như, hiện nhiều công nhân tại các nhà máy ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương có tâm lý lo sợ dịch bệnh nên muốn về quê. Số khác sau khi nghe tin nhiều ca nhiễm trong công ty "3 tại chỗ" cũng hoang mang, muốn nghỉ việc.

Thời gian qua, các doanh nghiệp cho biết hoạt động sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” hay “1 cung đường - 2 điểm đến” có nhiều rủi ro. Ổ dịch bùng lên tại một số nhà máy lớn, nguồn lây từ bên ngoài và cả bên trong khu vực sản xuất như giao nhận lương thực, thực phẩm, vật tư, nguyên liệu, thành phẩm, hồ sơ, F1 chuyển thành F0 trong khu sản xuất.

doanh nghiep kien nghi 2 tai cho anh 2

Sau hơn một tuần, đã có hơn 18.500 người quê Nghệ An ở TP.HCM và các tỉnh phía nam đăng ký về quê. Ảnh: Phạm Trường.

Lao động và doanh nghiệp đều lo

Chị N.T - công nhân của một công ty sản xuất phụ tùng ôtô ở TP Biên Hòa - Đồng Nai cũng rất lo lắng vì 5 ngày trước nhận được thông tin có đồng nghiệp của công ty nhiễm Covid-19.

"Công ty vừa có thông báo 3 ngày nữa triển khai hoạt động sản xuất '3 tại chỗ'. Nhưng với thông tin có ca nhiễm như vậy, tôi không dám đăng ký đi làm", chị nói. Chị N.Tcho biết nếu không đăng ký vẫn được hỗ trợ 170.000 đồng/ngày trong nửa tháng.

Không chỉ người lao động, doanh nghiệp cũng đang ở thế tiến thoái lưỡng nan vì "3 tại chỗ". Ngoài việc phải gồng gánh quá nhiều chi phí như xét nghiệm hàng tuần, trang bị cho công nhân ăn ngủ, trả thêm lương và nguyên vật liệu, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với nỗi lo phát sinh ca nhiễm và chăm sóc sức khỏe tinh thần của người lao động.

Vissan là một điển hình. Ngày 28/6, công ty bắt đầu áp dụng cho công nhân ăn, nghỉ và làm việc tại nhà máy. Công ty này thường xuyên tiến hành xét nghiệm Covid-19 cho công nhân, cán bộ nhân viên. Nhưng 23/7, tức gần 1 tháng sau, họ phát hiện 34 ca F0.

Ông Phạm Văn Việt - Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean - cho biết trên thực tế một vấn đề khiến cả người lao động và doanh nghiệp rất lo lắng là thông tin dịch bệnh đang bị nhiễu loạn, cộng với việc nhiều địa phương bắt đầu thực hiện đưa người lao dộng trở về quê tránh dịch.

"Một số công nhân đang sản xuất trong nhà máy, nhưng có tâm lý muốn về quê vì sợ dịch kéo dài, trong khi doanh nghiệp đứng trước tình trạng thiếu hụt lao động trong dịch và sau khi dịch được kiểm soát", ông Việt nói.

Tương tự, ông Nguyễn Hoàng Ngân - Tổng giám đốc Công ty CP nhựa Bình Minh - cũng cho rằng trong quá trình thực hiện "3 tại chỗ", vấn đề lớn nhất mà doanh nghiệp ông gặp khó là sức khỏe thể chất và tinh thần của người lao động.

Theo ông Ngân, hiện nay bên cạnh virus SARS-CoV-2 thì còn có virus thông tin. "Chúng tôi chỉ có gần 300/1.400 lao động đang thực hiện '3 tại chỗ' ở 2 nhà máy Long An và Bình Dương. Tuy nhiên nhiều thông tin giả trên mạng xã hội tạo ra tâm lý rất bất ổn, hoang mang cho người lao động. Nếu kéo dài, tôi lo rằng sẽ xảy ra tình trạng vỡ trận tại các doanh nghiệp", ông nói.

doanh nghiep kien nghi 2 tai cho anh 3

Nhiều công nhân đang có tâm lý muốn về quê vì sợ dịch kéo dài, trong khi doanh nghiệp đứng trước tình trạng thiếu hụt lao động. Ảnh: Phạm Ngôn.

Song song với đó, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - cũng cho rằng điều quan trọng nhất lúc này để ổn định lao động và doanh nghiệp là tiêm vaccine.

Về phương án "3 tại chỗ", ông Hòe cho rằng chủ yếu để doanh nghiệp tự chủ động phù hợp với hoàn cảnh. Bởi các nhà máy của doanh nghiệp sản xuất thủy sản không có không gian khô ráo nên rất khó để cải tạo chỗ ăn ngủ, sinh hoạt cho công nhân.

"Các nhà máy chỉ có thể cố gắng duy trì '3 tại chỗ' trong 2-3 tuần là tối đa. Còn trong thời gian dài, cả doanh nghiệp lẫn lao động sẽ không thể yên tâm sản xuất", ông Hòe nhấn mạnh.

Đề xuất 2 tại chỗ

Theo ông Hòe, khi lao động đã tiêm vaccine đầy đủ có thể nghĩ đến tổ chức theo hướng kiểm soát chặt việc đi - đến nhà máy của người lao động theo một cung đường trên cơ sở đảm bảo tuyệt đối an toàn dịch bệnh. "Rõ ràng, nếu kéo dài '3 tại chỗ' không chỉ doanh nghiệp khó về chi phí mà còn vấn đề làm sao để phòng chống dịch an toàn", ông nói.

Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng vừa có kiến nghị thực hiện bộ quy tắc, hướng dẫn thực hiện “y tế tại chỗ”.

Cụ thể, các doanh nghiệp sẽ chủ động sử dụng tổ y tế, trạm y tế của nhà máy, công ty tự tổ chức xét nghiệm cho người lao động 2 lần/tháng, mẫu xét nghiệm sẽ gửi cho cơ quan y tế và kết quả tự xét nghiệm của doanh nghiệp được áp dụng trong lưu thông và giao dịch.

Tương tự, ông Đoàn Võ Khang Duy, Phó chủ tịch Hội doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP.HCM, cũng đề xuất có thể cân nhắc cho phép lao động đã tiêm vaccine đi về nhà, giúp nhẹ gánh chi phí 3 tại chỗ. "Không thể biến doanh nghiệp thành khu dân cư mãi được. Tâm lý lao động ở doanh nghiệp lâu dài sẽ bức bối khi bị kiểm soát khắt khe", ông nói.

Bên cạnh đó cũng cần có cơ chế để cho doanh nghiệp thay đổi người lao động bằng quy trình nghiêm ngặt. Thực tế, ông cho biết trong quá trình hoạt động có những sự cố khiến người lao động muốn về nhưng cơ chế như hiện nay lại rất khó khăn để giải quyết những trường hợp này.

"Có những địa phương đã ban hành văn bản sẽ hình sự hóa nếu doanh nghiệp cho người lao động rời khỏi công ty. Tuy nhiên trong trường hợp người lao động đã quyết tâm thì doanh nghiệp cũng không thể ép buộc được, mà nếu giữ họ ở lại thì năng xuất làm việc cũng không cao", ông chia sẻ.

Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch tập đoàn Hưng Thịnh, cho rằng với tình trạng người công nhân bỏ việc về quê, TP.HCM nên kiến nghị với Chính phủ để có cách đảm bảo nguồn lao động cho các doanh nghiệp tránh tình trạng thiếu nhân lực, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, sản xuất mặt hàng thiết yếu trong và sau thời điểm dịch bệnh.

doanh nghiep kien nghi 2 tai cho anh 4

Theo nhiều lãnh đạo hiệp hội, mô hình "3 tại chỗ" áp dụng thành công ở Bắc Giang, Bắc Ninh nhưng ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam có đặc thù khác nhau, không thể áp dụng rập khuôn. Ảnh: Thạch Thảo.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội lương thực thực phẩm TP.HCM, cũng đề xuất thành lập “tổ phản ứng nhanh” hỗ trợ doanh nghiệp sàng lọc, cách ly các diện nguy cơ cao ra khỏi nhà máy và bóc tách, đánh giá đưa vào các khu riêng biệt theo từng dây chuyền hoặc phân xưởng để có thể đảm bảo tiếp tục duy trì sản xuất.

Theo bà, nếu khi xảy ra F0 đối với đơn vị "3 tại chỗ" cơ quan y tế địa phương phải phối hợp với doanh nghiệp một cách nhanh nhất đưa F0 đi cách ly điều trị để doanh nghiệp ổn định F1, F2 còn lại, tránh rối loạn trong sản xuất.

"Việc này càng xử lý nhanh càng giảm nguy cơ dịch lan rộng do số lượng nhân công đông và khép kín", bà nói. Bà Chi cho biết thực tế đã có doanh nghiệp phải chờ 3-4 ngày ca F0 mới được chuyển đi.

Giao trách nhiệm cho doanh nghiệp

Bên cạnh đó, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM, cho rằng nên giao trách nhiệm và hướng dẫn cho doanh nghiệp trong việc sản xuất an toàn phòng chống dịch bệnh chứ không nên dùng cơ chế áp đặt.

"Bởi doanh nghiệp trước hết phải tự biết cách bảo vệ nguồn lực của mình, đảm bảo an toàn mới có thể sản xuất. Bản thân doanh nghiệp hơn ai hết phải cố gắng giữ nguồn lực của họ. Nên không cần nói họ cũng phải tự mình làm tốt phần việc đó", ông chia sẻ.

Theo chủ tịch hiệp hội, trách nhiệm của cơ quan chức năng là hướng dẫn, góp ý và hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện thay vì áp đặt, rập khuôn. Và mới đây hiệp hội cũng đã gửi văn bản kiến nghị đến UBND TP đề xuất hàng loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Trong đó, ông nhấn mạnh ngành y tế cần ban hành quy trình hướng dẫn cụ thể khi doanh nghiệp có ca nhiễm, nghi nhiễm. Bởi hiện nay ở một số đơn vị khi có người lao động thành F0 nhưng rất lúng túng khi xử lý liên hệ nhiều nơi không được hỗ trợ.

Ông đề xuất khi doanh nghiệp có F0 không nên yêu cầu dừng sản xuất mà nhanh chóng đưa F0 đi điều trị, cách ly F1 để bảo vệ "vùng xanh" và tiếp tục sản xuất.

Về vấn đề test nhanh Covid-19 cho lao động trong doanh nghiệp "3 tại chỗ", trong cuộc họp ngày 3/8, bà Phan Thị Thắng - Phó chủ tịch UBND TP.HCM - khẳng định doanh nghiệp hoàn toàn có thể chủ động tự tìm mua test nhanh Covid-19 theo danh mục quy định và xét nghiệm cho lao động bằng đội ngũ y tế của doanh nghiệp.

"Tới thời điểm này TP và Sở Y tế đã chủ trương cho phép nhưng chưa doanh nghiệp nào đứng ra làm được. Trong thời gian nhanh nhất tôi sẽ có văn bản hướng dẫn chi tiết gửi doanh nghiệp trong vấn đề này", bà Thắng nhấn mạnh.