Doanh nghiệp Việt cần chuẩn hóa sản phẩm bằng công nghệ theo tiêu chuẩn châu Âu

Kỳ Văn
Theo bà Nguyễn Nga - Cố vấn thị trường Pháp, chuẩn hóa sản phẩm bằng phương pháp công nghệ và đưa vào thị trường Châu Âu theo tiêu chuẩn của họ là con đường đúng đắn nhất mà các doanh nghiệp Việt Nam (DN) cần lưu tâm. Nếu làm tốt việc chuẩn hóa sản phẩm, DN sẽ thắng lợi lớn tại thị trường tiềm năng này.
Kết nối doanh nghiệp Việt với Châu Âu
Tại hội thảo Nhịp cầu giao thương Á - Âu do Hội doanh nhân Quốc tế Việt - Âu (Hội) tổ chức chiều 26/11, bà Thanh Vermeulen - Chủ tịch Hội Doanh nhân quốc tế Việt - Âu cho biết, dù mới ra đời cách đây hơn 1 năm, nhưng Hiệp hội đã hoàn thành nhiều mục tiêu thông qua việc triển khai liên tục các hoạt động cả online và offline nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam kết nối xuất khẩu sang thị trường Châu Âu.
Với đội cố vấn tâm huyết ở các nước Châu Âu, Hội đã hỗ trợ doanh nghiệp Việt kết nối, xúc tiến thương mại và đầu tư đến nhiều đầu cầu ở nước ngoài.
Trong năm 2021, cùng với Bộ Ngoại giao Việt Nam và một số đơn vị khác, Hội đã tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại, giao thương cả online và offline. Nhiều chương trình hợp tác cùng đối tác, ra mắt sản phẩm của DN, tổ chức B2B chuyên sâu cho các gói xúc tiến. Đồng thời tổ chức chuyên gia đào tạo phát triển hệ thống online.
Hội thảo Nhịp cầu giao thương Á - Âu do Hội doanh nhân Quốc tế Việt -Âu kết nối với nhiều điểm cầu ở Châu Âu.
Đặc biệt, Hội đã hỗ trợ các doanh nghiệp trưng bày, giới thiệu sản phẩm tiêu biểu tại sự kiện trưng bày, giới thiệu sản phẩm của DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong 3 ngày từ ngày 25 đến 27/11 tại Hà Nội. Sự kiện do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Tự động hóa Việt Nam, Trung tâm Ứng dụng khoa học, công nghệ và Khởi nghiệp, Hội Doanh nhân quốc tế Việt – Âu tổ chức.
"Tuần tới, chúng tôi sẽ làm việc với một số tỉnh để mở rộng chuỗi xúc tiến, hỗ trợ các tỉnh và DN tiêu biểu của tỉnh để xúc tiến xuất khẩu sang thị trường Á - Âu", bà Thanh Vermeulen chia sẻ.
Theo bà Thanh Vermeulen, với nhiệm kỳ mới trong năm 2022, Hội cam kết tiếp tục nỗ lực, hỗ trợ sâu hơn và tổ chức được những chương trình hiệu quả với những đơn hàng thực tế cho các doanh nghiệp Việt Nam. Hội mong nhận được sự hỗ trợ từ các bộ, ban, ngành và các đầu cầu các nước để hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Chuẩn hóa sản phẩm theo tiêu chuẩn Châu Âu
Ông Đức Nguyễn - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao cho biết, với gần 40 năm làm việc ở nước ngoài, ông Đức Nguyễn nhận thấy thực phẩm Việt Nam ngày càng được người nước ngoài ưa chuộng, sản phẩm Việt Nam có cơ hội tốt để mở rộng thị phần ở nhiều nước.
"Tôi có thể hỗ trợ DN trong nước kết nối với các đối tác và nhà phân phối ở nước ngoài, hỗ trợ xúc tiến thương mại, chuyển giao công nghệ cũng như đầu tư công nghệ mới của nước ngoài về Việt Nam. Tôi sẵn lòng hỗ trợ kết nối người Việt Nam với nước ngoài để thương mại hai bên ngày càng phát triển. Tôi cũng có đầu mối tốt ở Bắc Mỹ, qua đó có thể hỗ trợ DN Việt Nam hợp tác với đối tác tại đây", ông Đức Nguyễn nói.
Chia sẻ về cơ hội thâm nhập thị trường Châu Âu, bà Nguyễn Nga - cố vấn thị trường Pháp, người được nhiều người biết tới về dự án bảo tồn và cải tạo cầu Long Biên nhấn mạnh việc chuẩn hóa sản phẩm sẽ giúp sản phẩm Việt Nam vươn ra thị trường Châu Âu.
"Tôi nhận thấy nam dược Việt Nam là tài sản vô cùng quý giá nhưng chưa có hoạt động xúc tiến quảng bá ra nước ngoài đúng đắn nhất. Chúng tôi muốn giới thiệu tất cả những sản phẩm nam dược hay sản phẩm bảo vệ sức khỏe tại Pháp nói riêng và Châu Âu nói chung", bà Nga cho biết.
Các sản phẩm an toàn cho sức khỏe của Công ty cổ phần Khoa học và Công nghệ Tảo Việt Nam trưng bày tại Showroom sản phẩm khoa học và công nghệ ở Hà Nội hôm 25/11.
Theo bà Nga, Việt Nam chưa chuẩn hóa được các sản phẩm để được nước ngoài chấp nhận. Hiện Việt Nam có một số công nghệ nano hóa, chiết xuất thành tinh dầu, đã có một số sản phẩm tương đối tốt.
"Với các sản phẩm dưới dạng tinh dầu và nano, chúng ta có thể chuẩn hóa dần. Nếu chuẩn hóa được thì chúng ta sẽ có thị trường rất lớn. Chúng tôi có quyết tâm để đưa sản phẩm này ra nước ngoài. Muốn bán được sản phẩm ra nước ngoài, không chỉ là vấn đề công nghệ, mà cần phải nghiên cứu bao bì, tiêu chuẩn phù hợp với Pháp cũng như các thị trường khác ở Châu Âu", bà Nga nói.
Theo bà Nga, Việt Nam cần tập trung chuyên sâu vào nam dược và đưa nó lên một tầm cao mới, tức là dùng khoa học của phương Tây để chuẩn hóa, từ đó sản phẩm mới có chỗ đứng ở thị trường lớn. Chuẩn hóa sản phẩm bằng phương pháp công nghệ và đưa vào thị trường Châu Âu theo tiêu chuẩn của họ là con đường đúng đắn nhất và sẽ có những thắng lợi lớn. Rất nhiều DN trong nước đang làm ra những sản phẩm rất tốt nhưng lại chưa được Châu Âu chấp nhận bởi không theo tiêu chuẩn của họ. Chúng tôi có thể cố vấn và giúp các DN Việt Nam chuẩn hóa các sản phẩm để sản phẩm dễ dàng chinh phục được thị trường Châu Âu ", bà Nga nhấn mạnh.
Tại đầu cầu Vương quốc Anh, bà Anh Carick - Chủ tịch Sento đánh giá, Việt Nam có cơ hội hợp tác với thị trường Anh quốc - nền kinh tế lớn thứ 2 Châu Âu.
"Vương quốc này nhập khẩu số lượng thực phẩm khổng lồ trị giá khoảng 48 tỷ bảng Anh mỗi năm. Do đó, đây là cơ hội rất lớn cho các DN Việt Nam. Thị trường thực phẩm ở đây rất cạnh tranh và được quản lý chặt chẽ bởi cơ quan quản lý thực phẩm. Kỳ vọng của DN nhập khẩu cũng như người tiêu dùng Anh là chất lượng sản phẩm phải phù hợp với yêu cầu thị trường, giá trị sản phẩm mới là điều tối ưu nhất", Chủ tịch Sento thông tin.
Bà Anh Carick nhấn mạnh, với kiến thức và kinh nghiệm sâu rộng về thị trường Anh và quốc tế, bà có thể hỗ trợ các DN Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này thông qua việc tạo kết nối cá nhân và kết hợp nhu cầu của người mua và nhu cầu người bán.
Từ đầu cầu Nga, ông Lê Trường Sơn - Chủ tịch Hiệp hội các nhà DN Việt Nam tại LB Nga cũng khẳng định sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm để DN sản xuất và xuất khẩu Việt Nam mở rộng thị trường, tận dụng các cơ hội không chỉ tại Nga mà còn tại Liên minh Kinh tế Á Âu - nơi có gần 190 triệu dân.