Doanh nghiệp Việt Nam muốn hợp tác với Châu Âu không thể đứng ngoài xu hướng nông sản xanh

Admin
Người tiêu dùng Châu Âu ngày càng đề cao các giá trị bền vững như bảo đảm sức khỏe con người, môi trường, giảm khí carbon... Trước đây, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm xanh, sạch là yêu cầu của nhóm mua, người mua hàng, nay đã trở thành quy định. Do vậy, doanh nghiệp Việt muốn hợp tác với Châu Âu không thể đứng ngoài xu hướng này.
Nông sản khởi sắc nhờ EVFTA
Tại hội thảo trực tuyến “Xúc tiến thương mại hàng nông sản Việt Nam sang thị trường Châu Âu” do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 25/11, bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại) đánh giá, Châu Âu là thị trường xuất khẩu nông sản lớn và hết sức quan trọng đối với Việt Nam. Thời gian qua, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang khu vực Châu Âu đã có nhiều khởi sắc, với một số nhóm mặt hàng như gạo, rau củ quả… ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng và bứt phá.
Kết quả này có được một phần là nhờ các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ 1/8/2020 và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) có hiệu lực từ 1/5/2022. Các FTA này đã tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại nông sản Việt Nam sang Châu Âu, đặc biệt là các nhóm nông sản có giá trị xuất khẩu cao như cà phê, điều, rau quả, thủy sản…
Theo các diễn giả, xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Châu Âu đã có nhiều khởi sắc, một phần nhờ tác động tích cực của EVFTA.
Nói rõ hơn về tác động tích cực của EVFTA đối với nông sản nói riêng và thương mại Việt Nam nói chung, ông Đinh Sỹ Minh Lăng –Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ (Bộ Công thương) cho biết, sau 2 năm thực thi EVFTA, tổng kim ngạch thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và EU (gồm 27 thành viên) ghi nhận sự tăng trưởng liên tục ở cả góc độ xuất khẩu và nhập khẩu. Phần lớn các dữ liệu này thể hiện các tín hiệu lạc quan cho thấy EVFTA đã có tác động tích cực với thương mại hai chiều. Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh làm tăng trưởng kim ngạch giảm nhẹ -1.82% năm 2020 (35,14 tỷ USD) nhưng con số này năm 2021 đã tăng lên 14,1% (40,2 tỷ USD).
Lượng tiêu thụ nông sản trồng (tính theo 11 mã HS) quy ra kim ngạch nhập khẩu riêng thị trường EU gồm 27 quốc gia trên 2,6 tỷ USD, chiếm khoảng 12% tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này của Việt nam đi thế giới (trên dưới 16 tỷ USD). Còn số này còn khiêm tốn ở thị trường đầy tiềm năng này.
Tuy nhiên, sau 2 năm Việt Nam ký EVFTA, theo khảo sát của VCCI công bố mới đây, có nhiều lý do khiến DN Việt Nam chưa tận dụng được ưu đãi thuế quan EVFTA. Trong đó, 33,3% DN cho biết hàng XK của DN không đáp ứng được quy tắc xuất xứ, hơn 31% DN nói rằng thuế MFN đã tốt bằng hoặc hơn EVFTA. Gần 19,5% DN nói đối tác EU không cung cấp chứng từ công nhận xuất xứ cho hàng nhập khẩu, gần 18% DN thông tin đã hưởng ưu đãi theo GSP. Trong khi đó, hơn 15% DN nói không biết có ưu đãi EVFTA, gần 12% cho biết không đáp ứng các điều kiện khác để hưởng ưu đãi dù có chứng nhận xuất xứ.
EU chú trọng tiêu chuẩn xanh
Về xu hướng tiêu dùng, theo ông Đinh Sỹ Minh Lăng, người tiêu dùng Châu Âu ngày càng đề cao các giá trị bền vững như bảo đảm sức khỏe con người, môi trường, giảm khí carbon...
Người tiêu dùng tại thị trường EU rất chú trọng đến các khía cạnh môi trường và xã hội liên quan đến sản xuất hàng hóa. Bao bì có khả năng tái sinh và những sản phẩm thân thiện với môi trường luôn dành được sự ưu ái của người tiêu dùng.
Ngoài ra, khắt khe trong việc lựa chọn hàng hóa xuất phát từ quan điểm đạo đức. Hàng hóa có được sản xuất với sự phân chia thu nhập công bằng cho người lao động thực sự, trong những điều kiện lao động tốt.
Do người châu Âu có mức thu nhập khá cao, do vậy người tiêu dùng cần những sản phẩm thương hiệu gắn với chất lượng chứ không quan tâm đến giá cả. Sản phẩm bảo đảm vệ sinh và tính chất dinh dưỡng lành mạnh (hữu cơ), nhu cầu sử dụng những sản phẩm xanh và sạch ngày càng gia tăng ở Châu Âu. Họ cho rằng những sản phẩm mang nhãn hiệu nổi tiếng sẽ an toàn về chất lượng và yên tâm sử dụng.
Ông Trần Ngọc Quân - Tham tán thương mại tại Bỉ và EU chia sẻ về xu hướng tiêu dùng Châu Âu.
Nhấn mạnh đến xu hướng nông sản, thực phẩm xanh tại Châu Âu, ông Trần Ngọc Quân - Tham tán thương mại tại Bỉ và EU chia sẻ, hiện EU có khoảng 10 triệu trang trại tham gia sản xuất nông nghiệp, sản xuất ra 300 triệu tấn ngũ cốc các loại, khoảng 23 triệu tấn thịt lợn, 7,8 triệu tấn thịt bò, trên 15 triệu tấn thịt gà, khoảng 1 triệu tấn thịt cừu và dê, 140 triệu tấn sữa, gần 7 triệu tấn thủy sản các loại.
"Tất cả các cơ sở nông nghiệp này của EU phải chuyển đổi. Vì vậy, không có lý do doanh nghiệp của Việt Nam đứng ngoài do trước đây, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm xanh, sạch là yêu cầu của nhóm mua, người mua hàng, nay, nó trở thành quy định. Do vậy, đây là xu thế tất yếu trong tương lai", ông Trần Ngọc Quân nhìn nhận.
Với mặt hàng nông sản thực phẩm, theo Tham tán Thương mại tại Bỉ và Châu Âu, doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý đến hai khía cạnh. Thứ nhất, theo Luật Thực phẩm Chung, tất cả thực phẩm được bán trên thị trường Liên minh Châu Âu phải an toàn. Thứ hai, quy định luật hạn chế các chất, hóa chất và chất gây ô nhiễm, tồn dư.
Đặc biệt, các DN khi hợp tác với Châu Âu cần lưu ý đến chính sách Green Deal trong nông nghiệp và chính sách từ nông trại đến bàn ăn (Farm to Fork). Năm 2019, Ủy ban Châu Âu đã khởi động Thỏa thuận Xanh Châu Âu (EGD). Đây là một gói các hành động nhằm giảm phát thải khí nhà kính và giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên trong khi vẫn đạt được tăng trưởng kinh tế. Điều này có nghĩa là các sản phẩm được bán tại thị trường EU sẽ cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững cao hơn.
"Để bảo đảm công bằng, EU sẽ tiến đến yêu cầu các nước khác tương tự nếu không sẽ đánh thuế môi trường. Đây là vấn đề cần nghiêm túc nghiên cứu khi muốn tiếp cận thị trường EU lâu dài", Tham tán thương mại tại Bỉ và EU nói.
Ngoài ra, về quy tắc ghi nhãn, ông Trần Ngọc Quân khuyến nghị, các quy tắc về ghi nhãn trong quy định mới của tổ chức hữu cơ sẽ không chỉ bao gồm nhãn trên sản phẩm mà còn áp dụng cho tất cả các tuyên bố, chỉ dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, hình ảnh hoặc dấu hiệu liên quan đến một sản phẩm trên bao bì, tài liệu, dấu hiệu, nhãn, vòng hoặc các dải đi kèm hoặc đề cập đến sản phẩm đó. Chỉ cho phép sử dụng các thuật ngữ như hữu cơ và sinh thái (hoặc các thuật ngữ ngắn hơn như "sinh học" và "sinh thái" nếu sản phẩm được chứng nhận hữu cơ.