Dự báo mới nhất về tăng trưởng GDP năm nay

Tuyết Trang
Kinh tế Việt Nam nửa đầu năm nay tiếp tục ghi nhận nhiều điểm sáng, tạo tiền đề cho mục tiêu tăng trưởng cả năm ở mức 6-6,5%. Dự báo mới nhất của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho hay, nhiều tổ chức trong nước, quốc tế ủng hộ cho mục tiêu này.

Cơ hội "cán đích"

Đoàn công tác của IMF vừa kết thúc chuyến chương trình làm việc tại Việt Nam, đã có cuộc gặp với Thủ tướng, trao đổi cùng nhiều cơ quan Chính phủ.

Đánh giá sau đợt tham vấn định kỳ, ông Paulo Medas - Trưởng nhóm phụ trách Việt Nam của IMF - dự báo, tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay đạt gần 6%, được hỗ trợ bởi cầu bên ngoài tiếp tục mạnh mẽ, đầu tư trực tiếp nước ngoài ổn định và các chính sách nới lỏng. Lạm phát dự kiến dao động quanh mức mục tiêu 4 - 4,5%.

Việt Nam được đánh giá có nhiều bước tiến quan trọng, giải quyết nút thắt pháp lý, hỗ trợ kinh tế phục hồi, như sửa đổi Luật đất đai và các luật liên quan đến bất động sản, Luật các tổ chức tín dụng.

“Một khuôn khổ pháp lý mạnh hơn để xử lý những trường hợp mất khả năng thanh toán, cưỡng chế nợ sẽ đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp, làm hệ thống tài chính ổn định hơn. Việt Nam cũng cần nỗ lực hơn để tái cơ cấu các doanh nghiệp bất động sản yếu kém, thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh”, ông Paulo Medas nhấn mạnh.

Dự báo mới của IMF về tăng trưởng GDP Việt Nam cũng tương đồng với kịch bản gần nhất mà tổ chức này đưa ra. Theo IMF, Việt Nam dự kiến đứng thứ 20 thế giới với mức tăng trưởng năm nay đạt 5,8%. Mức này tiệm cận mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ là 6-6,5%.

Dự báo mới nhất về tăng trưởng GDP năm nay- Ảnh 1.

Dự báo của một số tổ chức trong nước, quốc tế về tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay.

Dự báo của nhiều tổ chức trong nước, quốc tế cũng ủng hộ cho mục tiêu này. Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Ratings, chính sách tài chính và tiền tệ trong nước của Việt Nam đã hỗ trợ nhiều cho nền kinh tế. Theo đó, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,3% năm nay.

Ngân hàng Standard Chartered dự báo GDP Việt Nam tăng 6%, thấp hơn mức 6,7% đưa ra trước đó. Ngân hàng UOB (Singapore) dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Việt Nam đạt 6%.

Nghiên cứu kéo dài chính sách hỗ trợ

Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6% năm 2024.

Ông Nguyễn Bá Hùng - chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam - nhận định, đây là mức tăng cao hơn mặt bằng chung khu vực. Sự hồi phục của nền kinh tế phụ thuộc vào các chính sách đồng bộ như kích cầu nội địa, đầu tư công , thể chế.

Dự báo mới nhất về tăng trưởng GDP năm nay- Ảnh 2.

Theo chuyên gia ADB, Việt Nam cần có biện pháp cải cách chi phí kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

“Việt Nam có nền kinh tế rất mở, xuất khẩu và nhập khẩu nhiều. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cao gần gấp đôi GDP, do đó, cần tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế. Sức cầu nội địa đang phục hồi nhưng tốc độ còn chậm. Sức cầu tiêu dùng nội địa phụ thuộc nhiều vào đầu tư trong nước, đầu tư công , chính sách tài khoá”, ông Hùng phân tích và khuyến nghị Việt Nam cần có biện pháp cải cách chi phí kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Đây là yêu cầu chính sách trong 1-2 năm tới, tạo động lực để nền kinh tế cân đối lại, gia tăng sức cầu.

Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm nay của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) dự báo 2 kịch bản tăng trưởng lần lượt ở mức 5,85% và 6,01%.

“Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,01% với điều kiện có chính sách giảm chênh lệch lãi suất VNĐ trong nước và các ngoại tệ mạnh trên thị trường quốc tế, giảm chênh lệch lãi suất huy động giữa VNĐ và USD, tăng cấu phần xuất khẩu ròng đạt mức 24 tỷ USD. Tăng trưởng đầu tư công và tư tốt hơn nhờ cải thiện môi trường đầu tư, kiểm soát tốt lạm phát ở mức 5%”, VEPR phân tích.

TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng VEPR - cho rằng, trong ngắn hạn cần tiếp tục ưu tiên trọng tâm chính sách tài khóa với sự hỗ trợ của chính sách tiền tệ, tập trung đẩy mạnh hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công các tháng còn lại của năm. Đồng thời, một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thời kỳ COVID-19 cho giai đoạn 2024-2025 cũng cần được nghiên cứu gia hạn; thúc đẩy tổng cầu trong nền kinh tế, tăng trưởng tín dụng.

Viện phó VEPR cho rằng, nên xem xét tăng mức giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân; xem xét kéo dài chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% hiện hành đến hết năm. Thậm chí, nếu tăng trưởng GDP năm 2024 không đạt mục tiêu, tổng cầu tiếp tục yếu hơn kỳ vọng, có thể nghiên cứu kéo chính sách giảm VAT đến tháng 6/2025 và tăng mức giảm thuế VAT lên 3-4%.