Dự báo thận trọng cho chứng khoán tuần 23-28/8

Kỳ Văn
Hầu hết công ty chứng khoán dự báo thị trường đầu tuần sẽ tiếp tục chịu áp lực bán nhưng có cơ hội hồi phục nhanh, nhà đầu tư nên ưu tiên quản lý rủi ro danh mục.
du-bao-chung-khoan-1629675537.jpg
Hỉnh minh họa

Chứng khoán cuối tuần qua biến động mạnh khi nhà đầu tư bán tháo do lo ngại về các biện pháp thắt chặt giãn cách xã hội. VN-Index mất 45 điểm phiên gần nhất với thanh khoản cao kỷ lục 38.350 tỷ đồng trên sàn HoSE. Thanh khoản trên cả 3 sàn cũng ghi nhận con số cao nhất đến 48.620 tỷ đồng (2,1 tỷ USD).

Tính chung một tuần, VN-Index bị mất gần 28 điểm (-2,04%) xuống 1.329 điểm, mức thấp nhất nửa tháng qua. Trong khi đó chỉ số đại diện sàn HNX lại giữ được đà tăng hơn 1 điểm (0,33%) lên 338 điểm và UPCoM-Index tăng 0,6 điểm (0,53%) lên gần 93 điểm.

Giá trị thanh khoản thị trường tăng mạnh hơn 20% so với tuần trước đó, tăng lên mức trung bình hơn 35.300 tỷ đồng/phiên, trong đó giá trị khớp lệnh bình quân tương tự tăng 20% lên 33.035 tỷ đồng.

Đa phần các nhóm ngành cổ phiếu chính đều đi xuống trong tuần qua. Trong nhóm vốn hóa lớn VN30 thì có đến 19 mã giảm giá; trong đó mã VHM giảm sâu nhất gần 10% và là lực cản lớn nhất làm giảm điểm VN-Index.

Lực bán mạnh tại VHM xuất hiện sau thông tin Vingroup đăng ký bán 100 triệu cổ phiếu VHM, tương đương 3% vốn điều lệ và sau đó Viking Asia Holdings II Pte.Ltd (quỹ thuộc KKR) cũng đăng ký bán gần 32 triệu cổ phiếu VHM cùng từ ngày 19/8.

Nhóm ngân hàng có một tuần giao dịch không tốt khi 25/27 mã thuộc nhóm ngành đều giảm giá và có hơn 1 tỷ cổ phiếu nhóm này được trao tay, giá trị giao dịch tương ứng tăng 26% lên 37.412 tỷ đồng. Trong đó MSB là mã giảm sâu nhất 7,3% và tiếp đến là NVB giảm 7,2% trong một tuần.

Ở chiều tăng giá trên HoSE đáng chú ý có Chứng khoán APG (APG) và Y Dược phẩm Vimedimex (VMD) cùng tăng trần 5 phiên liên tiếp, tương ứng tăng gần 40% tuần qua. Trên sàn HNX, cổ phiếu CAG của Cảng An Giang tăng mạnh nhất gần 60% và trên sàn UPCoM có MGC của công ty Địa chất mỏ tăng mạnh nhất hơn 74%.

Điểm tiêu cực của tuần qua là khối ngoại đẩy mạnh bán ròng và tác động tiêu cực đến thị trường. Cụ thể, nhóm này mua vào tổng cộng gần 162 triệu cổ phiếu, trị giá 8.129 tỷ đồng, trong khi bán ra 267 triệu cổ phiếu, trị giá 13.535 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 105 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị hơn là 5.400 tỷ đồng.

Sau diễn biến bất ngờ phiên cuối tuần, Chứng khoán Asean dự báo VN-Index có thể chịu áp lực giảm điểm trong phiên sáng để kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.320 – 1.325 điểm và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.310 – 1.315 điểm.

Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.

Nhóm phân tích Yuanta Việt Nam cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh và VN-Index có thể sẽ kiểm định lại mức 1.300 điểm trong phiên giao dịch đầu tuần, nhưng thị trường có thể nhanh chóng hồi phục trở lại.

Đơn vị này tin rằng xu hướng ngắn hạn của thị trường chung bị hạ từ mức tăng xuống trung tính. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể cơ cấu lại danh mục và đưa tỷ trọng cổ phiếu về mức 55 – 60% danh mục. Các nhà đầu tư ngắn hạn cần hạn chế bán ra tại các nhịp giảm, ưu tiên hạ tỷ trọng cổ phiếu trong các nhịp tăng.

Chứng khoán MB nhận thấy điểm tích cực là thị trường đã lôi kéo được dòng tiền vào bắt đáy để giúp hãm đà rơi của chỉ số. Điều cần làm lúc này là ưu tiên quản lý rủi ro, cắt giảm margin, không bình quân giá, đưa tỷ trọng về mức cân bằng hoặc thấp.

Trong khi đó Chứng khoán Rồng Việt dự báo thị trường sẽ tiếp tục được hỗ trợ tại vùng 1.320 điểm và hồi phục trong phiên giao dịch tiếp theo để kiểm tra lại áp lực bán. Mặc dù có thể hồi phục nhưng thị trường đang mất thăng bằng nên nhà đầu tư tạm thời vẫn nên thận trọng và cân đối danh mục hợp lý, tránh dùng margin và ưu tiên những mã cổ phiếu đang có diễn biến tích cực.