Đưa dịch vụ ngân hàng đến người dân vùng xa

Admin
Cách đây vài năm, nhắc đến đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều người sẽ nghĩ đây là những khách hàng không tiềm năng…

Thực tế hiện nay, giáo dục đã phổ cập đến mọi bản làng, các trang thông tin, mạng xã hội cũng đều được các thanh niên trẻ biết đến. Tuy nhiên, họ lại gần như chưa bao giờ được giới thiệu về khái niệm về ngân hàng. Khi ABBANK đem đến sản phẩm thẻ của mình, họ như được khám phá một cách thức mới, sử dụng tiền theo hướng hiện đại và không còn giữ tiền mặt như truyền thống. Những số tiền tích góp được sau những năm tháng làm việc trước kia được cất kỹ tại nhà, nay đã được gửi tại ngân hàng để sinh lời hay tham gia các sản phẩm đầu tư cho tương lai…

ABBANK Sốp Cộp: Lợi thế của người tiên phong

Năm 2012, ABBANK là Ngân hàng thương mại đầu tiên có mặt tại Sốp Cộp – một thị trấn vùng biên giới xa xôi. Ngoài việc được đánh giá là một quyết định mạo hiểm tại thời điểm đó thì ABBANK Sốp Cộp còn mang ý nghĩa là một bước ngoặt trong định hướng của ABBANK: mở rộng phạm vi hoạt động, không chỉ đa dạng hóa đối tượng phục vụ, mà còn đưa sản phẩm dịch vụ ngân hàng tới gần hơn với đồng bào vùng sâu vùng xa.

Với lợi thế tiên phong, ABBANK Sốp Cộp đã tận dụng cơ hội để kết nối với các đơn vị hành chính sự nghiệp công, các doanh nghiệp để phổ biến về dịch vụ tài chính ngân hàng cho người dân như: dịch vụ chuyển lương qua tài khoản, chi trả bảo hiểm xã hội, chi trả ngân sách, thẻ, thu hộ tiền điện, tiền nước... Không chỉ vậy, việc ưu tiên tuyển dụng CBNV là người bản địa nhằm tạo điều kiện phát triển cán bộ cho vùng miền cũng giúp Ngân hàng có cơ sở tiếp xúc tốt hơn với người dân, doanh nghiệp bản địa.

Từ việc tất cả các giao dịch thanh toán như gửi tiền cho con ăn học trên tỉnh, đến việc ngân sách thanh toán cho CBNV thuộc huyện đều phải ra huyện Sông Mã cách Sốp Cộp 30km để thực hiện, đến nay, không chỉ người dân mà con số 80% cán bộ viên chức trên địa bàn huyện Sốp Cộp sử dụng dịch vụ của ABBANK cho thấy việc tiên phong đặt điểm giao dịch tại thị trấn vùng biên này là một quyết định sáng suốt và có tính tương lai bền vững, không chỉ cho sự phát triển của Ngân hàng mà còn cho sự phát triển đời sống kinh tế xã hội của nhân dân Sốp Cộp.

ABBANK Chư Sê: "Trong cái khó ló cái khôn"

ABBANK Chư Sê tọa lạc ngay trung tâm chợ Chư Sê (thị trấn Chư Sê, Gia Lai), tách biệt hoàn toàn so với khu vực các ngân hàng khác tại địa bàn. Khách hàng tại đây đặc biệt thích sử dụng dịch vụ chuyển tiền qua điện thoại với ứng dụng ABBANK Mobile để có thể chuyển khoản liên ngân hàng một cách nhanh chóng, tiện lợi và với mức phí rẻ hơn so với chuyển tại quầy.

Mấy năm gần đây địa bàn tỉnh Gia Lai nói chung và địa bàn huyện Chư Sê nói riêng bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, tiêu và cà phê cũng chết hàng loạt, gây thiệt hại nhiều, người dân rời quê hương để đến các thành phố lớn làm việc. Thế nhưng "trong cái khó ló cái khôn", ABBANK Chư Sê đã đi đến từng làng, tư vấn cho người dân mở thẻ ABBANK để được doanh nghiệp trả lương qua tài khoản khi đi làm ăn xa, mở tài khoản để người thân đi làm xa có thể chuyển tiền chu cấp hàng tháng về, giúp họ giữ và quản lý tiền của mình thật an toàn ở một nơi đáng tin cậy…

Đưa dịch vụ ngân hàng đến người dân vùng xa - Ảnh 1.

ABBANK Chư Sê là một đơn vị có thành tích nổi bật về phát triển khách hàng mới trong hệ thống ABBANK

Bên cạnh đó, thực hiện thông tư của Chính phủ về việc đẩy mạnh các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt, và với thế mạnh về triển khai các dịch vụ thu hộ, ABBANK Chư Sê đã phối hợp cùng điện lực Chư Sê để bố trí CBNV Ngân hàng tại các điểm thu hộ tiền điện để tư vấn khách hàng các hình thức nộp tiền điện thông minh thông qua tài khoản ngân hàng, bởi với các hộ dân nơi đây, "ăn có thể ăn ít lại, đồ có thể không mua nữa, nhưng tiền điện thì nhất định phải đóng". Sự kết hợp này được đánh giá "một công ba việc": người dân có một kênh thanh toán tiền điện tiện ích kèm theo nhiều ưu đãi, phía Điện lực sẽ đạt được chỉ tiêu thanh toán không tiền mặt theo thông tư của Chính phủ, còn ABBANK có cơ hội phát triển khách hàng mới, phát hành thẻ, bán chéo sản phẩm...

Câu chuyện về việc mang dịch vụ tài chính ngân hàng đến với người dân vùng sâu vùng xa nghe qua có thể dễ, có thể khó. Tuy nhiên, trong thời đại 4.0, khi công nghệ xuất hiện ở đâu, ở đó có những khoảng trống thị trường đang cần được khai mở. Và ABBANK vẫn đang tiếp tục sứ mệnh đưa sản phẩm dịch vụ ngân hàng tới gần hơn với đồng bào vùng sâu vùng xa, có mặt tại địa phương và am hiểu, đáp ứng, chăm sóc tốt nhất nhu cầu của người dân và tổ chức, doanh nghiệp.