Đương sự kêu cứu trong vụ án đã có 8 bản án, 3 quyết định giám đốc thẩm

Admin
Theo phản ánh, vụ án tranh chấp của ông Minh và bà Lạc đã có 8 bản án, 3 quyết định giám đốc thẩm nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Xét xử kéo dài, liên tục hủy án

Theo phản ánh của ông Ngô Văn Minh (sinh năm 1961 – ngụ tại KP Tân Lập, phường Đông Hòa, Dĩ An, Bình Dương) thì ông là bị đơn trong vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất và tài tài sản gắn liền với đất”, nguyên đơn là bà Trần Thị Lạc (sinh năm 1954, ngụ tại TP HCM). Bà Lạc là chị ruột bà Trần Thị Thủy vợ ông Minh (hiện đã ly hôn). Đối tượng tranh chấp là phần đất có diện tích 1.924,8m2, trong đó 900m2 thuộc thửa 99a + 100 đã được cấp GCNQSDĐ và 1.024,8m2 thuộc thửa 99 + 101 chưa có GCNQSDĐ thuộc tờ bản đồ số 6 tọa lạc ấp Tân Lập, xã Đông Hòa, Dĩ An.

Khu đất ông Minh đang quản lý sử dụng.

Theo nội trình bày của ông Minh tại bản án phúc thẩm số 205/2015/DS-PT có nội dung nêu rõ: Diện tích đất trên do ông gửi tiền bà Lạc nhận chuyển nhượng của ông Lê Hồng Châu, bà Nguyễn Thị Em. Thời điểm đó ông không có hộ khẩu ở Bình Dương nên không trực tiếp đứng tên hợp đồng được. Đến khoảng cuối năm 1993 ông Minh thuê người xây dựng kho để chứa nguyên liệu làm cơ sở kinh doanh rồi sinh sống tại địa chỉ đất này. Trong quá trình quản lý sử dụng, ông tiếp tục khai phá mở rộng các diện tích xung quanh, xây dựng nhà, xưởng… nên hiện nay khu đất có tổng diện tích 1.924,8m2.

Cũng theo nội trình bày của ông Minh tại bản án phúc thẩm số 205/2015/DS-PT thì sau đó ông có nhiều lần yêu cầu bà Lạc sang tên lại phần đất cho ông nhưng bà Lạc không thực hiện. Đến năm 2004 ông biết thông tin bà Lạc làm thủ tục hợp thức hóa phần đất trên nên đã làm đơn ngăn chặn gửi UBND phường Đông Hòa. Tuy nhiên, do không được chấp nhận nên sau đó bà Lạc đã được cấp GCN QSDĐ cho phần đất trên.

Đến năm 2008, bà Lạc làm đơn khởi kiện ông Minh ra TAND huyện Dĩ An, yêu cầu Tòa tuyên buộc ông Minh trả lại toàn bộ diện tích đang quản lý, sử dụng bởi bà Lạc cho rằng phần diện tích đất trên là do bà mua của ông Châu chứ không phải mua hộ ông Minh như ông Minh đã trình bày.

Đến ngày 19/3/2010, TAND huyện Dĩ An ban hành bản án dân sự sơ thẩm số 13/2010/DS-ST, nội dung chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Lạc, buộc ông Minh trả lại cho bà Lạc toàn bộ diện tích 1.913,1m2. Ngay sau đó, ông Minh đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Theo đó, kể từ năm 2010 đến năm 2020, vụ án trải qua hàng chục phiên xét xử, qua các cấp tòa từ huyện, đến tỉnh, đến cấp cao và tối cao. Kết quả, TAND huyện Dĩ An và TAND tỉnh Bình Dương đã ban hành 8 bản án sơ thẩm - phúc thẩm, 1 quyết định sửa chữa bổ sung bản án phúc thẩm; TAND tối cao ban hành 2 quyết định giám đốc thẩm; TAND cấp cao ban hành 1 quyết định giám đốc thẩm... nhưng ông Minh cho rằng, nội dung bản án, quyết định cuối cùng của Tòa chưa chính xác chưa phản ánh đúng thực tế vụ việc.

Nhiều trang án phải chỉnh, sửa

Cụ thể: Theo bản án dân sự phúc thẩm số 205/2015/DS-PT ngày 4/12/2015 của TAND tỉnh Bình Dương, có nội dung cơ bản sau: Buộc ông Minh và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trả 900m2 đất cho bà Lạc. Buộc ông Minh tháo dỡ các công trình xây dựng trên đất. Tạm giao 1.024,8m2 cho bà Lạc quản lý, sử dụng. Đồng thời bà Lạc được quyền sở hữu các tài sản trên đất.

Ông Minh sau đó có đơn đề nghị kháng nghị bản án theo thủ tục giám đốc thẩm. Ngày 20/1/2017, Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại TP HCM ban hành Quyết định giám đốc thẩm số 10/2017/DS-GĐT. Nội dung cơ bản, buộc ông Minh trả lại 900m2 đất đã có GCNQSDĐ cho bà Lạc; Tạm giao 1024,8m2 đất chưa được cấp GCNQSDĐ cho ông Minh quản lý sử dụng.

Sau đó, bà Lạc lại có đơn đề nghị xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm lên VKSND tối cao đối với Quyết định trên. Ngày 10/1/2019, TAND tối cao ban hành Quyết định giám đốc thẩm số 01/2019/DS-GĐT, nội dung hủy Quyết định giám đốc thẩm số 10/2017/DS-GĐT của TAND cấp cao tại TP HCM. Giữ nguyên bản án dân sự phúc thẩm số 205/2015/DS-PT ngày 4/12/2015 của TAND tỉnh Bình Dương.

Quyết định sửa chữa, bổ sung bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Dương.

Thế nhưng, theo ông Minh do nội dung bản án 205/2015/DS-PT ngày 4/12/2015 có nhiều điểm chưa chính xác nên thực tế đương sự và cơ quan thi hành án không thể thi hành. Do đó, đến ngày 10/1/2020 TAND tỉnh Bình Dương mới ban hành Quyết định số 01/QĐ-SCBSBA quyết định sửa chữa, bổ sung bản án phúc thẩm.

Cụ thể, theo nội dung Quyết định số 01/QĐ-SCBSBA thì bản án 205/2015/DS-PT có 4 trang án có nội dung phải sửa chữa, trong đó trang 19 phải sửa đến 3 lỗi, trang 23 được sửa từ “được cấp giấy” từ thành “chưa được cấp giấy”…

Được biết, hiện tại ông Minh tiếp tục làm đơn kêu cứ cơ quan các cấp để xem xét lại toàn bộ nội dung vụ án theo đúng quy định pháp luật.

Theo quy định tại điều 268 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 về sửa chữa, bổ sung bản án cụ thể như sau:

1. Sau khi tuyên án xong thì không được sửa chữa, bổ sung bản án, trừ trường hợp phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai.

2. Trường hợp cần sửa chữa, bổ sung bản án theo quy định tại khoản 1 Điều này thì Thẩm phán phối hợp với các Hội thẩm nhân dân là thành viên Hội đồng xét xử đã tuyên bản án đó phải ra quyết định sửa chữa, bổ sung bản án và gửi ngay cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện, Viện kiểm sát cùng cấp và cơ quan thi hành án dân sự nếu bản án đã được gửi cho cơ quan thi hành án dân sự.

Trường hợp Thẩm phán đã xét xử vụ án đó không còn đảm nhiệm chức vụ Thẩm phán tại Tòa án đã ra bản án đó thì Chánh án Tòa án thực hiện việc sửa chữa, bổ sung bản án.