FTA lớn nhất thế giới, tham vọng nhất do ASEAN khởi xướng

Admin
(Chinhphu.vn) - RCEP, thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới, cũng là FTA thế hệ mới tham vọng nhất do ASEAN khởi xướng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc-Chủ tịch ASEAN 2020 và các nhà lãnh đạo ASEAN, lãnh đạo 5 nước đối tác cùng chứng kiến sự kiện quan trọng này tại các đầu cầu. - Ảnh: VGP

Trong năm 2020 rất khó khăn, Việt Nam đã phát huy rất tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Chủ tọa luân phiên của RCEP, phát huy vai trò trung tâm, dẫn dắt của ASEAN để đạt được thành quả là việc ký kết Hiệp định.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định như trên khi trả lời phỏng vấn Báo điện tử Chính phủ, ngay sau khi Hiệp định RCEP được ký kết ngày 15/11, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị liên quan, do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc ASEAN và các Đối tác kết thúc đàm phán và ký chính thức Hiệp định RCEP thể hiện cam kết và quyết tâm mạnh mẽ của các nước trong khu vực thúc đẩy tự do hóa và liên kết kinh tế, rất đáng khích lệ.

Sau 8 năm đàm phán, ASEAN và các nước đối tác đã hoàn thành thắng lợi việc đàm phán Hiệp định RCEP với khối lượng công việc đồ sộ, mở ra một giai đoạn hợp tác kinh tế thương mại mới đầy hứa hẹn tốt đẹp.

Theo Thủ tướng, khuôn khổ hợp tác mới của Hiệp định RCEP sẽ góp phần đẩy mạnh tiến trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025. Từ đó, ASEAN sẽ trở thành đối tác năng động, mạnh mẽ, hợp tác vì sự thịnh vượng chung.

“Lễ ký kết Hiệp định RCEP hôm nay là niềm tự hào, là thành quả to lớn của việc các nước ASEAN với vai trò trung tâm của mình đã cùng với các nước đối tác đặt nền móng cho một giai đoạn hợp tác mới mang tính toàn diện, lâu dài, hướng đến tương lai, phù hợp với trình độ phát triển và mang lại lợi ích cho tất cả các nước trong khu vực”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Trong khi đó, trong tuyên bố chung về Hiệp định RCEP, những người đứng đầu Nhà nước/Chính phủ các nước thuộc ASEAN và các đối tác Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand, bày tỏ vui mừng chứng kiến việc ký Hiệp định RCEP, trong bối cảnh toàn cầu đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có do đại dịch COVID-19 gây ra.

Trước tác động tiêu cực của đại dịch đối với nền kinh tế cũng như đối với cuộc sống và sự an toàn của người dân, việc ký Hiệp định RCEP thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của các nước trong việc hỗ trợ phục hồi kinh tế, phát triển toàn diện, tạo việc làm và tăng cường chuỗi cung ứng khu vực cũng như ủng hộ một thỏa thuận thương mại và đầu tư tự do, toàn diện, dựa trên luật lệ.

Các nhà lãnh đạo nhận thấy Hiệp định RCEP là giải pháp cấp bách để ứng phó với đại dịch COVID-19 của khu vực và trong việc xây dựng khả năng tự cường thông qua quá trình phục hồi kinh tế bền vững hậu đại dịch.

“Chúng tôi ghi nhận Hiệp định RCEP là một thỏa thuận thương mại khu vực lớn chưa từng có với sự giao hòa đa dạng của các nền kinh tế phát triển, đang phát triển và kém phát triển.

Là một hiệp định với thị trường 2,2 tỷ người dân chiếm 30% dân số thế giới, tổng GDP 26,2 nghìn tỷ USD tương đương 30% GDP toàn cầu và chiếm gần 28% thương mại toàn cầu (dựa trên số liệu năm 2019), chúng tôi tin rằng Hiệp định RCEP là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới, thể hiện một bước tiến quan trọng hướng tới một khuôn khổ luật lệ lý tưởng cho thương mại và đầu tư toàn cầu.

Chúng tôi cũng ghi nhận rằng Hiệp định RCEP là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tham vọng nhất do ASEAN khởi xướng, góp phần nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN trong khuôn khổ khu vực và tăng cường hợp tác giữa ASEAN và các nước đối tác”, Tuyên bố chung nêu rõ.

Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh, Hiệp định RCEP, là một hiệp định hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và mang lại lợi ích cho tất cả các bên, với 20 chương bao gồm các lĩnh vực và nguyên tắc chưa từng có trong các hiệp định thương mại tư do trước đây giữa ASEAN và các nước Đối tác.

Bên cạnh các điều khoản cụ thể về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư, Hiệp định RCEP còn bao gồm các Chương về Sở hữu trí tuệ, Thương mại điện tử, Cạnh tranh, Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), Hợp tác kinh tế và kỹ thuật và Mua sắm của chính phủ.

Tuyên bố chung khẳng định, các nhà lãnh đạo tin tưởng rằng Hiệp định RCEP, với mức độ cam kết tự do hóa thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, chắn chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong khu vực đặc biệt về khả năng tiếp cận thị trường.

Thành tựu ấn tượng của ASEAN trong Năm Chủ tịch của Việt Nam

Ký kết Hiệp định RCEP là một trong những thành tựu ấn tượng của ASEAN trong năm 2020, khi Việt Nam đảm nhiệm cương vị Chủ tịch của Hiệp hội. Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu ASEAN của Viện các vấn đề quốc tế Singapore (SIIA) - bà Jessica Wa’u đã nhận định như vậy.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Singapore, bà Jessica Wa’u cho rằng việc ký kết RCEP là đặc biệt ấn tượng sau 8 năm đàm phán. RCEP là dấu mốc quan trọng đối với ASEAN khi dẫn đầu hiệp định thương mại lớn nhất thế giới này, đồng thời đưa khu vực xích lại gần nhau hơn về thương mại. RCEP là một báo hiệu rằng ASEAN muốn làm việc với các quốc gia khác và tăng cường hội nhập kinh tế, kể cả sau năm 2020 đầy biến động.

Đánh giá về những nỗ lực của Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ASEAN trong việc linh hoạt tổ chức các hội nghị dưới hình thức trực tuyến do tác động của đại dịch COVID-19, bà Jessica Wa’u nhận định các cuộc họp trực tuyến đã rất hữu ích và cần thiết trong một năm mà các nhà lãnh đạo và các nhà hoạch định chính sách của ASEAN không thể gặp nhau trực tiếp.

Việt Nam đã thể hiện vai trò dẫn dắt với tư cách Chủ tịch ASEAN trong việc triệu tập các hội nghị cấp cao trực tuyến trong năm qua. Theo bà Jessica Wa'u, trong tương lai, ASEAN có thể chuyển một số cuộc họp của khối sang hình thức trực tuyến hoặc có thể kết hợp giữa các cuộc họp trực tuyến và trực tiếp.

Trong khi đó, bình luận về RCEP, nhật báo Nikkei của Nhật Bản cho rằng hiệp định này sẽ tạo ra một khuôn khổ thương mại tự do khổng lồ, giúp thúc đẩy tăng trưởng của các nước thành viên sau đại dịch COVID-19. Thỏa thuận này gồm 20 chương về các quy tắc bao trùm, từ thương mại hàng hóa, đầu tư và thương mại điện tử tới sở hữu trí tuệ và mua sắm công. Mục tiêu của RCEP là tăng sự tương tác kinh tế dựa trên các quy tắc giữa các nước thành viên.

Tầm quan trọng chiến lược của RCEP

Ngay sau lễ ký kết RCEP, Phủ Tổng thống Hàn Quốc đã mô tả sự kiện này là "kết quả quan trọng nhất" của Chính sách hướng Nam mới của chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, nhằm cải thiện mối quan hệ chiến lược với các quốc gia Đông Nam Á và cũng là cơ hội để Hàn Quốc trở thành một cường quốc kinh tế "đi đầu". Theo Phủ Tổng thống Hàn Quốc, đây là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới với sự tham gia của 15 quốc gia chiếm 1/3 GDP của thế giới.

Cùng ngày, phát biểu khi tham dự Hội nghị cấp cao RCEP lần thứ tư theo hình thức trực tuyến, do Việt Nam tổ chức, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói rằng việc ký kết RCEP không chỉ là một thành tựu quan trọng mang tính bước ngoặt trong hợp tác khu vực Đông Á, mà còn là một thắng lợi của chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do.

Phát biểu sau lễ ký, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hiroshi Kajiyama cho biết RCEP sẽ tạo ra các cơ hội mới cho các nhà sản xuất và người nông dân Nhật Bản, đồng thời “sẽ đóng góp lớn cho sự gia tăng kim ngạch xuất khẩu (của Nhật Bản) sang châu Á”. Ông Hiroshi Kajiyama khẳng định Chính phủ Nhật Bản sẽ nỗ lực để nhanh chóng đưa RCEP đi vào hiệu lực.

Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 15/11 tuyên bố việc 15 quốc gia khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có Australia, ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) thể hiện cam kết chung về mở cửa thương mại và đầu tư, bất chấp những thách thức do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra.

Nhà lãnh đạo Australia nhấn mạnh: “Với 1/5 số việc làm của Australia phụ thuộc vào thương mại, Hiệp định RCEP rất quan trọng khi Australia và khu vực bắt đầu quá trình tái thiết sau đại dịch COVID 19. Hiệp định bao trùm khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới và khi các nền kinh tế RCEP tiếp tục phát triển, tầng lớp trung lưu của các nước gia tăng, điều này sẽ mở ra cánh cửa mới cho nông dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư Australia”.

Trong khi đó, phát biểu với truyền thông địa phương, Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham đánh giá cao ý nghĩa của RCEP, nêu rõ "đây là một thỏa thuận có ý nghĩa cực kỳ to lớn về mặt biểu tượng vào thời điểm bất ổn thương mại toàn cầu".

Cùng ngày, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cũng có bài phát biểu khẳng định RCEP có giá trị chiến lược quan trọng đối với quốc gia này thông qua việc tăng cường và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ trong khu vực.

Để mở cho sự gia nhập của Ấn Độ

Cũng trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo các nước thành viên RCEP cam kết đảm bảo rằng Hiệp định RCEP là một hiệp định mở và toàn diện. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo đánh giá cao vai trò của Ấn Độ đối với Hiệp định RCEP và khẳng định lại rằng Hiệp định RCEP vẫn mở cửa cho Ấn Độ tham gia.

Việc tham gia của Ấn Độ vào Hiệp định RCEP sẽ được hoan nghênh, với tư cách là một trong 16 quốc gia ban đầu tham gia đàm phán Hiệp định RCEP từ năm 2012 và có tầm quan trọng chiến lược trong việc tăng cường và mở rộng chuỗi giá trị khu vực.

Bộ trưởng các nước thành viên RCEP cũng khẳng định, Hiệp định RCEP để mở cho sự gia nhập của Ấn Độ kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực như quy định tại Điều 20.9 (Gia nhập) của Hiệp định RCEP.

Cùng với các quốc gia ký RCEP, sau khi Hiệp định RCEP được ký sẽ tiến hành đàm phán với Ấn Độ bất cứ khi nào Ấn Độ gửi yêu cầu bằng văn bản bày tỏ ý định gia nhập Hiệp định RCEP tới Cơ quan lưu chiểu theo Hiệp định RCEP, trên cơ sở xem xét đến tình trạng tham gia đàm phán RCEP của Ấn Độ ở thời điểm gần nhất và bất kỳ diễn biến mới nào sau đó.

Đáng lưu ý, bất kỳ lúc nào trước khi gia nhập Hiệp định, Ấn Độ có thể tham gia các cuộc họp của RCEP với tư cách là quan sát viên và trong các hoạt động hợp tác kinh tế do các quốc gia ký RCEP thực hiện theo hiệp định RCEP và các điều khoản và điều kiện do các quốc gia ký RCEP cùng quyết định.