Gần 50.000 tấn thép xuất khẩu qua cảng quốc tế Long An

Admin
Chiều ngày 28/6, sau thời gian trầm lắng vì đại dịch COVID-19, chuyến tàu quốc tế An Shun 5 đã cập cảng quốc tế Long An để bắt đầu xếp dỡ, chuẩn bị cho chuyến hàng xuất khẩu gần 50.000 tấn tôn mạ và ống thép của Công ty Cổ phần Thép TVP (Long An) đến Thái Lan.

Ảnh: Minh Thi

Nằm trên luồng sông Soài Rạp mé phải thượng nguồn sông Đồng Nai, cách cửa biển 19 km, cách phao số 0 khoảng 40 km, cảng quốc tế Long An là một dự án nằm trong quần thể gồm 4 khu dự án với tổng quy mô 1.935 ha, bao gồm: Cảng quốc tế Long An, KCN Đông Nam Á Long An, Khu dịch vụ Công nghiệp Đông Nam Á Long An, Khu đô thị Đông Nam Á Long An.

Trong đó, cảng Long An là 147 ha, được đầu tư xây dựng thành 3 giai đoạn với tổng số vốn gần 10.000 tỷ đồng bao gồm: 7 cầu cảng có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng lên đến 70.000 DWT với tổng chiều dài từ đầu cầu cảng số 1 đến cuối cầu cảng số 7 là 1.670 m; gồm 7 bến sà lan; hệ thống nhà kho, kho ngoại quan; hệ thống bãi container và các công trình phụ trợ khác.

Tất cả hạng mục cũng như hệ thống các trung tâm điều hành đang được khẩn trương triển khai xây dựng đúng theo tiến độ hoàn thành vào năm 2023. Riêng diện tích kho phục vụ lưu trữ tại cảng là 400.000 m2, phục vụ nhu cầu vận chuyển, lưu kho hàng nông thủy sản của khu vực ĐBSCL và là cửa ngõ để các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong khu vực Đông Nam Bộ, tập kết đóng hàng và phân phối bằng đường bộ, đường biển hoặc thủy nội địa.

Tỉnh Long An cũng đã đầu tư xây dựng trục tỉnh lộ 830 kết nối QL50 và QL1 từ cảng quốc tế Long An đến các huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Bến Lức, Đức Hòa, Đức Huệ và hầu hết các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; thêm vào đó là dự án cao tốc Bến Lức Long Thành (thuộc cao tốc Bắc - Nam) thông xe vào cuối năm 2020, nối 4,89 km đường cao tốc đi qua tỉnh Long An ở 2 huyện Bến Lức và Cần Giuộc giúp giao thông liên vùng miền Tây và vùng Đông Nam Bộ không cần quá cảnh qua TPHCM.

Tuyến đường sẽ nối trực tiếp với mạng lưới cao tốc - quốc lộ, hệ thống cảng biển với sân bay quốc tế Long Thành, đồng thời, góp phần làm giảm áp lực giao thông trên QL1, QL51, rút ngắn thời gian đi từ tỉnh Long An đến TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu.

Để tăng cường khả năng đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng, đối tác, cảng quốc tế Long An còn mở rộng các khu liên hợp bao gồm đô thị, dịch vụ cảng biển, nhà hàng, lưu trú... Đến nay, đã xây dựng hoàn thành 3 cầu cảng với chiều dài 630 m.

Năm 2020, cảng quốc tế Long An tiếp tục xây dựng cầu cảng thứ 4, thứ 5 và số 6 đón được tàu có trọng tải lên đến 70,000 DWT sớm đưa vào khai thác vào năm 2021. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng đang xúc tiến hoàn tất các thủ tục pháp lý nhằm mở rộng quy mô, để các cầu cảng số 8, 9 có công suất thiết kế xây dựng đón được tàu có trọng tải lên đến 100.000 DWT; nâng tổng chiều dài liên tục của hệ thống cầu cảng lên đến 2.368m, trở thành một trong những cầu cảng quốc tế có chiều dài bờ cảng lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Cho đến cuối năm 2019, trong quá trình vừa xây dựng vừa khai thác, cảng quốc tế Long An đã đón gần 1.000 chuyến tàu trong và ngoài nước ra vào cảng, đạt gần 1 triệu tấn hàng hóa xuất nhập thông qua cảng, đáng chú ý nhất là cảng đã tiếp nhận và bốc dỡ hàng hóa thành công nhiều tàu tải trọng trên 50.000 DWT.

Có thể nói, sự phát triển của cảng quốc tế Long An chính là tiền đề thúc đẩy phát triển các khu/cụm công nghiệp, góp phần phát triển kinh tế khu vực ĐBSCL, đồng thời giảm ách tắc giao thông đường bộ, giảm chi phí vận tải, logistics cho các doanh nghiệp đầu tư, được các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Long An nói riêng và ĐBSCL nói chung đánh giá rất cao.

Ngoài ra, Cảng cũng là nút giao thương quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía nam, hướng đến tầm nhìn hợp tác phát triển đến năm 2030 với các quốc gia thuộc Tiểu vùng sông Mekong đầy tiềm lực mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh.