Giá cà phê trong nước giảm tiếp 400 đồng/kg tại một số địa phương trọng điểm trong ngày hôm qua 10/9. (Nguồn: Broadcastcoffee) |
Cập nhật giá cà phê hôm nay 11/9
Giá cà phê hai sàn tiếp tục sụt giảm phiên thứ 3 liên tiếp, được cho là sự điều chỉnh kỹ thuật cần thiết. Cấu trúc giá nghịch đảo vẫn được duy trì, đây là hiện tượng nhà đầu cơ nâng giá bán ở tháng gần cao hơn tháng xa nhằm hút hàng về kho, thể hiện sự lo ngại việc thiếu hàng cục bộ.
Giới đầu cơ cũng tỏ ra thận trọng khi dự báo thời tiết Brazil sắp xuất hiện những cơn mưa góp phần giải hạn cho vụ mùa mới và sẽ kích cây cà phê ra hoa đúng thời vụ. Cooxupé - hợp tác xã cà phê lớn nhất ở Brazil và cả thế giới, cho rằng cần có mưa đến sớm và liên tục mới giúp giảm bớt thiệt hại cho vụ mùa 2022 mà theo họ, có thể lên tới 50%.
Ghi nhận của TG&VN tại thời điểm đóng cửa phiên giao dịch gần nhất (8/9), giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 11/2021 giảm mạnh 28 USD (1,35%), giao dịch tại 2.050 USD/tấn; Trong khi, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 1/2022 cũng giảm 11 USD (0,54%), xuống 2.038 USD/tấn. Khối lượng giao dịch tăng nhẹ so với hôm trước.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York cũng quay đầu giảm mạnh. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 12/2021 giảm 2,75 Cent (1,45%), giao dịch tại 187,45 Cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2022 cũng giảm 2,7 Cent (1,4%), xuống 190,2 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng mạnh ở kỳ hạn tháng 12.
Thông tin thị trường cà phê
Giá cà phê trong nước giảm tiếp 400 đồng/kg tại một số địa phương trọng điểm trong ngày hôm qua 10/9.
Đơn vị tính: VND/kg | FOB: USD/tấn FOB một thuật ngữ viết tắt trong tiếng Anh của cụm từ Free On Board, nghĩa là Miễn trách nhiệm Trên Boong tàu nơi đi còn gọi là "Giao lên tàu". Trừ lùi là mức giá mà bên mua trừ vào giá của bên bán. Thường là do vấn đề về chất lượng và thương hiệu. (Nguồn: Giacaphe.com) |
Giá cà phê thế giới đạt mức cao mới trong tháng 8 do lo ngại nguồn cung sụt giảm và chi phí vận chuyển ngày càng tăng.
Theo Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO), trong tháng 8 giá cà phê thế giới ghi nhận tháng tăng thứ 10 liên tiếp do lo ngại nguồn cung trong bối cảnh điều kiện khí hậu bất lợi ở các nước sản xuất lớn và chi phí vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng cao.
Bên cạnh đó, các biện pháp phong tỏa do dịch Covid-19 tại châu Á đang làm gián đoạn dòng chảy thương mại.
Chỉ số giá cà phê tổng hợp trung bình hàng tháng của ICO trong tháng 8 theo đó tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2014 với 160,14 US Cent/lb, tăng 5,2% so với tháng 7 và tăng 51,3% so với đầu niên vụ cà phê hiện tại (tháng 10/2020).
ICO cho rằng, mức tăng ổn định quan sát được kể từ đầu niên vụ cà phê 2020-2021 cho thấy sự phục hồi của giá cà phê thế giới sau ba năm duy trì ở mức thấp. Trong đó, giá cà phê arabica ghi nhận mức tăng đáng kể trong khi cà phê robusta chỉ tăng vừa phải.
Trong tháng 8, nhóm cà phê tự nhiên Brazil ghi nhận mức tăng giá cao nhất khi tăng tới 8,9% so với tháng trước lên 175 US Cent/lb, mức cao nhất kể từ tháng 11/2014.
Tương tự, giá cà phê arabica Colombia tăng 3% so với tháng trước lên 225,4 US cent/pound, đánh dấu mức cao nhất kể từ tháng 2/2012. Từ đầu niên vụ đến nay giá cà phê arabica Colombia đã tăng tới 46%. Ngoài ra, giá của nhóm cà phê arabica khác cũng tăng 6% lên 216,2 US Cent/lb.
Tuy nhiên, đà tăng giá của cà phê robusta có phần chậm hơn khi chỉ tăng 0,9% so với tháng trước, đạt 95,18 US cent/pound trong tháng 8/2021. Do đó, sự chênh lệch giá giữa cà phê arabica và cà phê robusta trên thị trường kỳ hạn New York và London tăng 11,2% lên mức 97,20 US Cent/lb vào tháng 8 so với 87,4 US Cent/lb của tháng 7.