Giá gạo trong nước đã tăng 27% - 30%
Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính tới ngày 10/8, giá gạo trong nước tiếp tục đà tăng mạnh so với đầu tháng 8, mức tăng dao động từ 10%. Trong đó, giá gạo 5% tấm tăng 983 đồng/kg so với hồi đầu tháng, mức giá hiện nay dao động trong khoảng 14.633 - 14.850 đồng/kg. Gạo 15% tấm tăng 1.000 đồng/kg, hiện được niêm yết 14.350 - 14.550 đồng/kg. Tương tự, gạo 25% tấm tăng 958 đồng, lên 14.033 - 14.250 đồng/kg. Gạo tấm 1/2 tăng 986 đồng lên 11.350 - 11.600 đồng/kg.
Điều đáng nói, nếu so với 1 tháng trước, giá gạo trong nước đã tăng 27% - 30%. Đây là mức tăng rất cao.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này trên Báo Nhà báo và Công luận, đại diện một doanh nghiệp phân phối gạo trong nước nhìn nhận: Mức giá hiện nay chưa đạt “đỉnh” và vẫn có thể tăng trong thời gian tới.
“Giá gạo thế giới tăng mạnh đã khiến giá gạo trong nước tăng theo. Mặc dù Việt Nam là nước xuất khẩu gạo, tuy nhiên giá thu mua hiện nay đã tăng 20% so với đầu tháng trước. Vì vậy, thu mua để xuất khẩu hay để phân phối trong nước đều phải tăng giá”, vị này cho biết.
Vào đầu tháng 8, ông Trần Duy Đông, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết: Ngay khi có thông tin về lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, giá thóc gạo trong nước tăng nhanh theo từng ngày (trung bình mỗi ngày tăng từ 50 - 100 đồng/kg).
Giá gạo nguyên liệu tại một số địa phương đã tăng từ 400 - 500 đồng/kg so với thời điểm ngày 20/7/2023. Giá một số chủng loại ghi nhận ngày 27/7/2023 như: Giá gạo IR50404 đạt 10.750 đồng/kg, tăng 5% so với ngày 20/7 (tương đương tăng 500 đồng/kg).
Giá gạo OM5451 đạt 11.000 đồng/kg, tăng 5% (tương đương tăng 550 đồng/kg); giá gạo Đài Thơm 8 đạt 11.300 đồng/kg, tăng 6% (tương đương tăng 650 đồng/kg)…
Giá cả ngày càng leo thang, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan có những định hướng điều hành xuất khẩu gạo từ nay đến hết năm 2023.
Gạo là lương thực đặc biệt quan trọng của hàng tỉ người trên thế giới
Gạo là lương thực đặc biệt quan trọng của hàng tỉ người châu Á và châu Phi, chiếm tới 60% tổng lượng calo trong bữa ăn ở Đông Nam Á và châu Phi, thậm chí lên tới 70% ở một số nước, như Bangladesh. Đợt tăng giá mới làm gia tăng căng thẳng đối với thị trường thực phẩm toàn cầu vốn đã chao đảo vì thời tiết khắc nghiệt và xung đột leo thang ở Ukraine, theo Bloomberg.
Chia sẻ xoay quang vấn đề lương thực thời gian gần đây, ông Peter Timmer - giáo sư danh dự tại Trường ĐH Havard, chuyên gia về an ninh lương thực dự báo giá gạo có thể tăng thêm 100 USD/tấn trong vòng 6-12 tháng tới. Để giảm bớt áp lực giá, nhà kinh tế cấp cao Chua Hak Bin từ Tập đoàn Ngân hàng Đầu tư Maybank (Singapore) cho rằng cần sự phối hợp từ các biện pháp kiểm soát giá cả nghiêm ngặt của chính phủ và chính sách trợ cấp lương thực ở những quốc gia tiêu thụ nhiều gạo.
Ngoài ra, các nhà phân tích đang cảnh báo về một kỷ nguyên biến động mới của giá lương thực toàn cầu.
Theo tờ The New York Times, giá cả leo thang và sự gián đoạn trong hệ thống lương thực chủ yếu tấn công nông dân và người dân các nước thu nhập thấp, đồng thời khiến thế giới dễ bị tổn thương trước biến động tương lai. Theo Liên Hiệp Quốc, năm ngoái có hơn 700 triệu người đối mặt với nạn đói và 2,4 tỉ người không được tiếp cận thực phẩm đầy đủ và bổ dưỡng quanh năm.
Cần tận dụng thời cơ lúa gạo
Tổng lượng tiêu thụ trên toàn cầu năm 2023/2024 dự kiết đạt mức kỷ lục 523,9 triệu tấn, cao hơn 2,5 triệu tấn so với năm 2022, vượt sản lượng gạo dự kiến 3,1 triệu tấn. Thương mại toàn cầu năm 2024 dự kiến đạt 56,3 triệu tấn, tăng hơn 1% so với năm trước.
Cầu lúa gạo toàn cầu tăng, nhưng lượng gạo tồn kho năm 2023/2024 được USDA dự báo đạt 170,4 triệu tấn, thấp hơn 1,8% so với năm trước và là mức tồn cuối vụ thấp nhất kể từ niên vụ 2017/2018 do nhiều quốc gia tăng xuất khẩu đặc biệt tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương như: Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Malaysia…
Đặc biệt, ngay khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo, các quốc gia như Indonesia, Philippines..., vốn phụ thuộc đáng kể vào nguồn gạo nhập khẩu cho biết sẽ tăng cường tìm kiếm nguồn cung gạo từ Việt Nam để bổ sung cho nguồn hàng dự trữ trong nước.
Theo báo Đầu Tư, Việt Nam, một trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn đang có cơ hội tận dụng được thời điểm giá tăng để thúc đẫy xuất khẩu, bên cạnh đảm bảo sản xuất, đảm bảo dự trữ quốc gia, đáp ứng an ninh lương thực cho thị trường trong nước.
Thời gian vừa qua, ngay khi có thông tin về lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, giá thóc gạo trong nước tăng nhanh theo từng ngày (trung bình mỗi ngày tăng từ 50 - 100 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu tại một số địa phương đã tăng từ 400 - 500 đồng/kg so với thời điểm ngày 20/7/2023 (Lệnh cấm có hiệu lực).
Đặc biệt, quy mô sản xuất lúa gạo của nước ta năm 2023 ở mức 43 triệu tấn thóc, trong đó 29,5 triệu tấn lúa dùng cho đảm bảo an ninh lương thực của 100 triệu dân và các nhu cầu tiêu thụ nội địa khác (chế biến, thức ăn chăn nuôi, dự trữ trong dân, dự trữ quốc gia, làm giống...), phần còn lại, tương đương khoảng 13,5 triệu tấn thóc (7,5-8 triệu tấn gạo) dùng cho xuất khẩu.