Cùng với việc giảm lệ phí trước bạ, ôtô lắp ráp trong nước tiếp tục hưởng thêm ưu đãi qua việc các hãng xe được gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt. Dù vậy, khó để kỳ vọng giá xe lắp ráp trong nước giảm.
Làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần hai bùng phát tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường ôtô Việt Nam. Cùng với đó, thị trường bước vào tháng Ngâu cũng khiến lượng mua ôtô giảm mạnh trong tháng 8/2020, đồng thời đối mặt với nguy cơ xe tồn kho ngày càng tăng.
Theo số liệu bán hàng từ Hiệp Hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), trong tháng 8/2020, tổng doanh số bán hàng của các thành viên thuộc VAMA chỉ đạt 20.655 xe, tăng 14% tương đương 3.410 xe so với tháng 7.2020. Cộng dồn số liệu bán hàng của các thành viên VAMA, VinFast và TC-Motor… Tổng lượng ôtô các loại tiêu thụ tại Việt Nam trong tháng 8.2020 đạt 27.516 xe, giảm 6.369 xe tương đương 19% so với tháng 7/2020.
Ôtô nội tiếp tục được hưởng lợi từ chính sách
Theo đó, Nghị định 109/2020 nêu rõ gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 3, tháng 4, tháng 5, tháng 6, tháng 7, tháng 8, tháng 9 và tháng 10/2020 với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.
Thời gian gia hạn tính từ sau ngày kết thúc thời hạn nộp thuế TTĐB theo quy định pháp luật về quản lý thuế. Theo đó, thời gian nộp thuế tiêu thụ đặc biệt tại kỳ tính thuế tháng 3 phát sinh chậm nhất vào ngày 20/9/2020. Những kỳ tính thuế tháng sau đó sẽ lùi tương ứng 1 tháng. Riêng với kỳ tính thuế từ tháng 6 - 10/2020, thời gian nộp muộn nhất là ngày 20/12/2020.
|
Hiện tại, mức thuế TTĐB đánh vào ô tô khoảng 10% - 150%, tuỳ vào dung tích xi lanh (10L - 6.0L). |
Trước tác động nặng nề của đại dịch, việc tái sản xuất và nối lại các chuỗi cung ứng sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ôtô trong nước do lượng xe tồn kho cao nên công suất sản xuất, lắp ráp hiện ở mức thấp.
Chính vì vậy, chính sách gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ tháo gỡ phần nào khó khăn cho doanh nghiệp trong gian đoạn dịch Covid-19 có diễn biến hết sức phức tạp, tác động tiêu cực đến thị trường ôtô.
Giá ôtô khó có thể giảm sâu
Như vậy, cùng với Nghị định 70/2020 về việc giảm 50% lệ phí trước bạ có hiệu lực từ ngày 28/6/2020, Nghị định 109/2020/NĐ-CP ban hành ngày 15/9/2020 sẽ tiếp tục góp phần giúp các DN lắp ráp, sản xuất ôtô trong nước tiếp tục được hưởng lợi.
Trong bối cảnh đó, không ít người tiêu dùng thắc mắc liệu mặt bằng giá bán ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước có giảm so với trước đây? Câu hỏi này cũng được khá nhiều người quan tâm khi có những thây đổi chính sách liên quan đến hoạt động san xuất kinh doanh ôtô tại Việt Nam.
|
Theo kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2020 của Công ty ôtô VinFast cho thấy lỗ ròng lên tới 6.591 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2019. |
Trên thực tế, hai chính sách ưu đãi trên đều hướng đến mục tiêu là tăng cường năng lực cạnh tranh, khuyến khích ngành công nghiệp phụ trợ ô tô phát triển. Đồng thời, tạo động lực cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Ngoài ra, bản chất của gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt là cho phép doanh nghiệp ôtô trong nước lùi thời hạn nộp vào chu kỳ sau, chứ không được miễn và vẫn phải nộp đầy đủ thì giá xe không thể giảm và giá xe ôtô chỉ có thể giảm khi thuế giảm.
Trước đó, Nghị quyết 48/NQ-CP, Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan chức năng, nghiên cứu sửa đổi quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt để hỗ trợ phát triển sản xuất trong nước. Nhưng đến nay vẫn chưa thấy đâu. Nếu thuế tiêu thụ đặc biệt được sửa đổi theo hướng giảm thì giá ôtô trong nước sẽ giảm, tăng khả năng cạnh tranh.
Theo số liệu của VAMA, hiện tồn kho ôtô vẫn cao hơn 120% so với cùng kỳ 2019. Tồn kho lớn, nên nhiều doanh nghiệp đã phải đại hạ giá, chấp nhận thua lỗ. Điển hình như VinFast, từ khi ra mắt đến nay, các mẫu xe của VinFast đều bán lỗ từ hàng chục cho tới hàng trăm triệu đồng mỗi chiếc xe. Theo kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2020 của Công ty ôtô VinFast cho thấy lỗ ròng lên tới 6.591 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2019.