Tổng cục Thống kê phân tích, CPI bình quân 6 tháng đầu năm nay bị tác động mạnh bởi nhiều yếu tố trái chiều.
Cụ thể, CPI tăng do một số nguyên nhân chủ yếu sau như: Giá các mặt hàng lương thực tăng 3,38% so với cùng kỳ năm trước (làm CPI chung tăng 0,15%); giá các mặt hàng thực phẩm tăng 14,28% so với cùng kỳ năm trước (làm CPI chung tăng 3,23%), trong đó riêng giá thịt lợn tăng 68,2% (làm CPI chung tăng 2,86%).
Giá các mặt hàng đồ uống, thuốc lá và các loại quần áo may sẵn tăng cao, lần lượt tăng 1,7% và 0,93% so với cùng kỳ năm 2019.
Ở chiều ngược lại, có một số yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI 6 tháng đầu năm, giá các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu giảm 19,49% (tác động làm CPI chung giảm 0,81%); giá gas trong nước giảm 3,63%; ảnh hưởng của dịch COVID-19 và nhu cầu đi lại, du lịch của người dân sau Tết Nguyên đán giảm làm giá của nhóm du lịch trọn gói giảm 1,49% so với cùng kỳ năm trước; giá cước vận tải của các loại phương tiện như tàu hỏa, giá vé máy bay giảm 29,8% so với cùng kỳ năm trước.
Chính phủ triển khai hàng loạt các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch COVID-19 như gói hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) triển khai giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng nên giá điện tháng 5 và tháng 6 năm nay giảm lần lượt là 0,28% và 2,72% so với tháng trước…
Lạm phát cơ bản tháng 6/2020 tăng 0,07% so với tháng trước và tăng 2,45% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2020 tăng 2,81% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.
Nếu tính riêng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2020 tăng 0,66% so với tháng trước, đây là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.
Nếu so sánh tốc độ tăng/giảm CPI tháng 6 so với tháng trước của các năm giai đoạn 2016-2020 lần lượt là: tăng 0,46%; giảm 0,17%; tăng 0,61%; giảm 0,09%; tăng 0,66%
Có 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chủ yếu có CPI tháng 6 tăng so với tháng trước, trong đó nhóm giao thông tăng cao nhất với 6,05% do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 28/5 và 12/6 làm giá xăng, dầu tăng 14,24% (tác động CPI chung tăng 0,59%). Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,44%, trong đó lương thực giảm 0,4% do giá gạo giảm 0,45%; thực phẩm tăng 0,72%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,15%. Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,09% do nhu cầu tiêu dùng đồ uống giải khát trong mùa hè tăng cao; nhóm thiết bị, đồ dùng gia đình tăng 0,07%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế và nhóm giáo dục cùng tăng 0,01%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,19%.
Các hàng hóa và dịch vụ còn lại có chỉ số giá giảm như: nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,42% chủ yếu do giá điện trong tháng giảm 2,72% và giá thuê nhà ở giảm 0,09%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,04%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,01%. Riêng nhóm may mặc, mũ nón, giày dép không thay đổi.
Tính chung quý II/2020, CPI giảm 1,87% so với quý trước và tăng 2,83% so với cùng kỳ năm 2019.
Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho biết, về giá thịt lợn, cơ quan điều hành đã có các biện pháp hành chính và kinh tế để kéo giá xuống. Nhưng giá vẫn còn cao do có sự thiếu hụt nguồn cung so với cầu, một phần do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, việc tái đàn, duy trì sản lượng gặp khó khăn.
Gần đây, Việt Nam đã chính thức nhập lợn sống với kỳ vọng giá thịt lợn giảm. Việc nhập cả lợn sống từ Thái Lan về giết mổ, ít nhiều làm giá lợn hơi giảm, nhưng giá thịt lợn ở nhiều chợ thậm chí còn nhích lên. Tuy nhiên, với việc nhập lợn với giá cả hợp lý hơn, cùng với các sự xuất hiện các điểm bán hàng bình ổn giá, người dân vẫn kỳ vọng giá thịt lợn có thể giảm trong thời gian tới.
Bà Đỗ Thị Ngọc cho rằng, với các biện pháp điều hành hiệu quả, mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% có thể đạt được.
Anh Minh