Giá vàng hôm nay 11/1, Giá vàng tăng, căng thẳng địa chính trị và lạm phát, nhà đầu tư nín thở, SJC ‘nối gót’?

Kỳ Văn
Giá vàng hôm nay 11/1 tăng vượt ngưỡng nhạy cảm 1.800 USD. Lợi suất trái phiếu, chỉ số lạm phát của Mỹ, căng thẳng địa chính trị đang là những yếu tố tác động mạnh tới thị trường vàng. Nhà đầu tư vẫn đang nín thở chờ đợi.
Giá vàng hôm nay 11/1
Giá vàng hôm nay 11/1, Giá vàng lao dốc, SJC nối gót? (Nguồn: Forbes)

Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 11/1

Mở cửa phiên giao dịch sáng 10/1, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn giảm 50 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 100 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối phiên hôm trước, niêm yết ở mức 60,95 - 61,67 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý, giá vàng SJC giảm 100 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 30 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm trước, niêm yết ở mức 60,9 - 61,55 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Chiều 10/1, giá vàng châu Á giảm trong khi giới đầu tư chờ đợi số liệu lạm phát của Mỹ trong tháng 12/2021, vốn có thể tạo ra áp lực khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất sớm hơn dự kiến.

Theo đó, vào lúc 15h20’, giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống mức 1.792,40 USD/ounce, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 16/12 là 1.782,10 USD/ounce vào ngày 7/1.

Giá vàng kỳ hạn của Mỹ cũng giảm 0,3% xuống mức 1.792,30 USD/ounce.

Theo ghi nhận của TG&VN, đến 6h06 ngày 11/1, giá vàng thế giới tại sàn giao dịch điện tử Kitco chốt phiên mức 1.801,6 - 1.802,6 USD/ounce, tăng 6,8 USD/ounce so với thời điểm mở cửa phiên sáng qua.

Tổng hợp giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên ngày 10/1:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 60,9 - 61,5 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 60,85 - 61,5 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 60,95 – 61,45 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 60,8 – 61,5 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 60,96 – 61,44 triệu đồng/lượng. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 52,31 – 52,96 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 51,57 – 52,85 triệu đồng/lượng.

Vàng lình xình, nhà đầu tư loay hoay

Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, giá vàng thế giới tăng nhẹ, bất chấp lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ chạm mức cao nhất trong 2 năm. Các nhà đầu tư bảo vệ đồng vốn của họ trước lạm phát và rủi ro địa chính trị đang diễn ra.

Theo đó, vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.800,76 USD/ounce vào lúc 11h48 GMT, phục hồi nhẹ từ thứ Sáu tuần trước khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 16/12. Giá vàng giao sau của Mỹ tăng 0,2% lên 1.800,30 USD.

Nhà phân tích Ole Hansen của Saxo Bank cho biết, vàng đang giữ quanh khu vực 1.800 USD bất chấp lợi suất tăng, cho thấy thị trường đang xem xét các yếu tố khác như môi trường lạm phát và căng thẳng địa chính trị.

Chuyên gia Hansen cho biết thêm: “Sự suy yếu trong kho dự trữ cũng có khả năng tạo thêm một số hỗ trợ cho thị trường kim loại quý. Trong tuần này, trọng tâm mà nhà đầu tư cần để ý là lợi suất trái phiếu và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ”.

CPI lõi tháng 12/2021 của Mỹ dự kiến được công bố vào cuối tuần, với mức dự đoán tăng 5,4% sau khi tăng 4,9% trong tháng 11/2021.

Lợi tức trái phiếu Mỹ tăng mạnh trong tuần vừa qua sau khi biên bản cuộc họp của Fed ngụ ý khả năng cơ quan này có thể tăng lãi suất sớm hơn dự kiến và có khả năng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ giảm bảng cân đối kế toán sớm hơn.

Các quỹ tương lai của Fed nhận định, có tới gần 90% khả năng ngân hàng này sẽ tăng lãi suất lần 1 vào tháng 3/2022 và hơn 90% cơ hội tăng lãi suất lần nữa vào tháng 6 năm nay.

Vàng được coi là hàng rào chống lại lạm phát, là nơi ‘trú ẩn’ an toàn, nhưng lãi suất tăng làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng thỏi không sinh lời.

Cũng theo chuyên gia của Saxo Bank, căng thẳng Nga-Mỹ về vấn đề Ukraine và bất ổn ở Kazakhstan cũng đang gây ra những lo ngại về địa chính trị, sẽ có tác động tới thị trường kim loại quý.

Trong khi đó, chuyên gia phân tích Wang Tao của hãng tin Reuters nhận định, giá vàng giao ngay có thể kiểm tra ngưỡng kháng cự 1.801 USD/ounce, và việc bứt phá vượt ngưỡng trên có thể dẫn đến khả năng tăng giá trong khoảng 1.815-1.830 USD/ounce.

Tổng giám đốc toàn cầu của ABC Bullion Nicholas Frappell cho biết, các nhà đầu tư sẵn sàng mua vào một chút khi vàng đang giảm. Tuy nhiên, giá vàng đã chịu áp lực vì lợi suất trái phiếu neo ở mức cao xác lập vào tuần trước.

Lợi suất trái phiếu Mỹ đã tăng trong tuần trước sau biên bản cuộc họp chính sách của Fed cho thấy cơ quan này dự kiến tăng lãi suất sớm hơn dự kiến và có khả năng Fed có thể giảm bảng cân đối kế toán sớm hơn.

Như vậy có thể thấy, sau phiên đầu tuần, giá vàng đang có xu hướng củng cố đà phục hồi nhưng vẫn chưa vượt mốc nhạy cảm 1.800 USD/ounce vì nhà đầu tư lo sợ Fed sớm nâng lãi suất.

Ngoài ra, đà tăng lợi suất ngừng lại nhưng đồng USD phục hồi cho thấy nhà đầu tư vàng chưa có căn cứ nào để xác định hướng đi của giá kim loại quý.

Các thị trường sẽ vẫn thận trọng chờ đợi phiên điều trần của Chủ tịch Fed Jerome Powell và dữ liệu lạm phát của Mỹ.

Giá vàng SJC trong nước có phiên đầu tuần giao dịch giảm so với phiên chốt cuối tuần trước. Tuy nhiên, theo đà tăng của giá vàng thế giới, giới phân tích cho rằng SJC có thể đảo chiều tăng trong phiên tiếp theo.