Giá vàng hôm nay 13/10/2023: Giá vàng thế giới 'nổi sóng', giá vàng SJC đắt nhất trong năm, kim loại quý đang được 'trợ lực'

Admin
Giá vàng hôm nay 13/10/2023 đạt được mức tăng vững chắc nhờ tình trạng bất ổn địa chính trị, đồng USD giảm giá và biên bản kỳ họp chính sách ôn hòa của Fed. Giá vàng miếng SJC trong nước tiếp tục tăng mạnh, vượt qua ngưỡng 70 triệu đồng/lượng.

Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 13/10/2023

Giá vàng trong nước cuốn theo đà tăng mạnh của thị trường thế giới. Giá vàng SJC tiếp tục tăng từ 250.000 - 450.000 đồng/lượng ở cả chiều mua và bán trong ngày 12/10, chính thức vượt ngưỡng 70 triệu đồng/lượng.

Giá vàng miếng SJC được Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết ở mức 69,55 - 70,25 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra). Như vậy so với khoảng một tuần trước, giá bán vàng miếng SJC đã tăng thêm gần 1,2 triệu đồng/lượng.

Giá vàng 9999 cũng tăng thêm 200.000 đồng/lượng so với ngày hôm trước, lên giao dịch ở mức 56,55 - 57,55 triệu đồng/lượng.

Tại Công ty Bảo tín Minh Châu, cuối ngày 12/10 doanh nghiệp này chốt giao dịch giá vàng miếng SJC tại 69,68 - 70,33 triệu đồng/lượng. Giá vàng miếng thương hiệu Rồng Thăng Long từ 56,72 - 57,62 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 110.000 đồng/lượng. Trong 2 phiên gần đây, thương hiệu này cũng tăng khoảng 350.000 đồng/lượng.

Tập đoàn VBĐQ DOJI cũng nâng giá mua - bán vàng SJC lên 69,45 - 70,35 triệu đồng mỗi lượng, tăng 350.000đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra so với phiên mở cửa.

Vậy, trong khoảng 3 tháng gần đây giá vàng miếng SJC đã tăng khoảng 3 triệu đồng/lượng và đang cao hơn giá vàng thế giới quy đổi đến 14,43 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng 9999 là 12,7 triệu đồng/lượng.

Việc giá vàng miếng SJC tăng quá mạnh được giới phân tích lý giải, nguồn cung vàng miếng SJC khá khan vì từ lâu không được sản xuất thêm. Do nguồn cung không dồi dào nên chỉ cần lực mua nhỏ là giá vàng miếng SJC lập tức bị đẩy lên. Trong khi đó, nhu cầu mua vàng 9999, vàng nhẫn nhiều hơn nhưng do nguồn cung khá dồi dào nên giá vàng 9999, giá vàng trang sức không tăng mạnh.

Giá vàng thế giới giao dịch lúc 21h00 ngày 12/10 (giờ Việt Nam) tại 1.873,70 USD/ounce giảm 0,3 USD so với phiên liền trước, ghi nhận của Báo Thế giới & Việt Nam. Giá vàng giao tháng 12 đã tăng 8,40 USD giao dịch ở mức 1.895,70 USD.

Giá vàng hôm nay 13/10/2023: Giá vàng. (Nguồn: Kitco)
Giá vàng hôm nay 13/10/2023: Giá vàng thế giới tăng ồ ạt, giá vàng SJC đắt nhất trong năm, kim loại quý đang được 'trợ lực'. (Nguồn: Kitco)

Tổng hợp giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên 12/10:

Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 69,60 – 70,32 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 69,45 – 70,35 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 69,65 – 70,35 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại 69,68 – 70,33 triệu đồng/lượng; thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 56,72 – 57,62 triệu đồng/lượng; giá vàng trang sức giao dịch tại 56,30 – 57,40 triệu đồng/lượng.

Giá vàng và dầu chắc chắn tăng?

Giá vàng đang được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố. Chỉ số USD Index và lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ dao động ở thấp nhất trong hai tuần, khiến vàng - vốn là tài sản không mang lãi suất - trở nên hấp dẫn hơn.

Các chỉ số chứng khoán Mỹ trong tuần này đang "khá mong manh" khi tình hình bất ổn ở Trung Đông đang là mối lo ngại hàng đầu trên thị trường.

Giá vàng hôm nay tiếp tục tăng mạnh trong ngày thứ tư liên tiếp do kết quả trực tiếp của việc mua nơi trú ẩn an toàn, sau khi thế giới lại chứng kiến thêm một cuộc xung đột đẫm máu vào cuối tuần trước.

Cuộc tấn công của Hamas đã dẫn đến việc Israel tuyên chiến và tiến hành các hoạt động quân sự, bao gồm các cuộc tấn công quân sự ồ ạt ở Gaza. Cuộc xung đột này được dự báo "còn lâu mới kết thúc" và tiếp tục có những tác động và ảnh hưởng lớn trên khắp thị trường tài chính. Chắc chắn nhất là cuộc chiến này sẽ tiếp tục tác động tới cả giá dầu thô và giá vàng khiến cả hai mặt hàng đều tăng giá.

Bạo lực leo thang giữa Israel và Hamas có thể khiến nhiều nước đối mặt với những xu hướng lạm phát mới. Nền kinh tế thế giới vốn đang hồi phục rất chậm từ tác động của đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga-Ukraine có thể sẽ trở nên yếu hơn. Trong khi, khu vực Trung Đông hiện xuất khẩu khoảng 34% dầu khí toàn cầu, dự kiến sẽ có tác động rất lớn đến chi phí sản xuất kinh doanh trên toàn thế giới.

Trước đó, Biên bản cuộc họp tháng 9 của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho thấy sự bất ổn ngày càng tăng xung quanh đường đi của nền kinh tế Mỹ đã đẩy các nhà hoạch định chính sách vào một lập trường thận trọng mới vào tháng trước, một quan điểm đã được các quan chức hàng đầu của Fed tái khẳng định trong một loạt tuyên bố trong tuần này. Những tín hiệu về khả năng Fed tạm ngưng tăng lãi suất cũng góp phần đẩy giá vàng đi lên.

Nhà phân tích Giovanni Staunovo của Ngân hàng Đầu tư Thụy Sỹ UBS nhận định, với việc các nhà đầu tư đang tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn, vàng đã được hưởng lợi ngắn hạn từ sự gia tăng căng thẳng địa chính trị. Trước đây, khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra, giá vàng cũng xô đổ mọi kỷ lục khi vươn lên mức 2.000 USD/ounce. Dù vậy, theo chuyên gia này, lãi suất của Mỹ sẽ vẫn là lực cản đối với vàng. Để vàng tăng một cách vững chắc, thị trường cần phải thấy Fed đưa ra quan điểm ôn hòa hơn trong suốt năm 2024.