Giá vàng hôm nay 14/12, Giá vàng tăng, nhiều áp lực dồn dập, vàng suy yếu? Hướng đi nào cho SJC?

Kỳ Văn
Giá vàng hôm nay 14/12 nối dài đà tăng, nhưng có rất nhiều yếu tố ngăn chặn đà đi lên. Góc nhìn “diều hâu” của Fed sẽ làm suy yếu giá vàng. Các thị trường khác đang sôi động cũng khiến kim loại quý kém hấp dẫn.
Giá vàng hôm nay 14/12: abc
Giá vàng hôm nay 14/12 tăng, nhưng có nhiều yếu tố ngăn chặn đà đi lên. Góc nhìn 'diều hâu' của Fed sẽ làm suy yếu giá vàng. (Nguồn: Forbes)

Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 14/12

Mở cửa giao dịch sáng 13/12, tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn điều chỉnh tăng 150 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 50 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên cuối tuần, niêm yết ở mức 60,8 - 61,52 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC tăng 150 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 250 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên cuối tuần qua, ở mức 60,85 - 61,45 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trong khi đó, Giá vàng châu Á cũng đi lên trong phiên giao dịch chiều 13/12 do lạm phát của Mỹ tăng nóng làm tăng sức hấp dẫn của kim loại quý, khuyến khích giới đầu tư tìm đến vàng như một nơi trú ẩn an toàn.

Các nhà đầu tư cũng đang chờ đợi cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố về kế hoạch thu hẹp quy mô chương trình mua trái phiếu.

Giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.785,20 USD/ounce vào lúc 14h57’ (giờ Việt Nam) sau khi tăng 0,8% vào hôm 10/12. Giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ cũng tăng 0,1% lên 1.785,70 USD/ounce.

Theo ghi nhận của TG&VN, đến 21h20’ ngày 13/12, giá vàng thế giới tại sàn giao dịch điện tử Kitco ở mức 1.786,5 - 1.787,5 USD/ounce, tăng 3,6 USD/ounce so với phiên trước đó.

Tổng hợp giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên ngày 6/12:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 60,85 – 61,55 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 60,7 – 61,4 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 60,9 – 61,45 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 60,8 – 61,5 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 60,91 – 61,42 triệu đồng/lượng. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 51,89 – 52,54 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 51,3 – 52,4 triệu đồng/lượng.

Nhà đầu tư chờ đợi động thái của Fed

Trước diễn biến của giá vàng thế giới bị giới hạn bởi tâm lý thận trọng khi thị trường chờ đợi số liệu lạm phát của Mỹ, giá vàng trong nước cũng chỉ dao động trong phạm vi hẹp. Trong ngắn hạn, giá vàng được các chuyên gia dự báo có thể tiếp tục xu hướng này.

Trên thị trường thế giới, mở cửa phiên giao dịch thứ Hai đầu tuần, giá vàng có xu hướng ổn định khi thị trường tập trung vào cuộc họp của Fed trong tuần này để tìm hiểu xem liệu ngân hàng trung ương Mỹ có kế hoạch đẩy nhanh tốc độ giảm mua sắm trái phiếu từ mức 15 tỷ USD mỗi tháng hiện tại để có nền tảng nâng lãi suất sớm hơn vào nửa cuối 2022, rút ngắn các biện pháp hỗ trợ kinh tế để đối phó với đại dịch Covid-19.

Vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.787,61 USD/ounce vào lúc 12h55 GMT. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,2% lên 1.788,50 USD/ounce.

Vào cuối tuần trước, giá vàng đã tăng tới 0,8% sau khi dữ liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tăng mạnh trong tháng 11, ở mức 6,8%, cao nhất trong vòng 39 năm.

Số liệu lạm phát Mỹ lên cao nhất từ 1982 đã hỗ trợ vàng theo hướng vàng là tài sản phòng ngừa lạm phát. Tuy vậy, theo các nhà phân tích, có rất nhiều yếu tố ngăn chặn đà đi lên của kim loại quý.

Các thành phần tham gia thị trường đa phần có niềm tin rằng Fed sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ với tốc độ nhanh hơn nhằm ngăn ngừa lạm phát quá nóng.

Góc nhìn “diều hâu” của Fed ủng hộ đồng USD và làm suy yếu giá vàng. Thêm nữa, thị trường chứng khoán tăng điểm cho thấy vàng không được nhà đầu tư hướng tới.

Michael Hewson, Trưởng nhóm phân tích thị trường tại CMC Markets UK cho biết: "Trong ngắn hạn và trung hạn, giá vàng sẽ ổn định cho đến khi thị trường nhìn thấy quyết định của Fed về các biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ và liệu họ có đặc biệt ‘diều hâu’ trong tuyên bố của mình hay không, điều này có thể gây áp lực lên vàng".

Mặc dù vàng được coi là biện pháp phòng ngừa lạm phát, việc giảm kích thích và tăng lãi suất có xu hướng đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ lên, làm tăng chi phí cơ hội của vàng, vốn không sinh lời.

Nhưng với việc định giá thị trường của Fed đang chuyển sang chu kỳ tăng lãi suất, thì hiện tại, vàng được coi là tài sản phòng ngừa rủi ro, Stephen Innes, đối tác quản lý của SPI Asset Management, cho biết.

"Và đó là lý do tại sao nó tiếp tục giữ giá ổn định", ông nói.

Theo vị chuyên gia này, Fed có khả năng sẽ thông báo tăng tốc độ việc giảm mua trái phiếu nhưng những lo ngại rõ ràng hơn về lạm phát có thể gây xáo trộn thị trường.

Đồng thời, việc này cũng ngăn chặn sự bứt phá của vàng từ mức 1.760 – 1.795 USD/ounce, đây cũng là mức giá được dự đoán trong hầu hết tháng 12 này.

Các chuyên gia cho biết, Fed đang hướng tới chu kỳ tăng lãi suất khiến vàng trở nên hấp dẫn đối với giới đầu tư vì được coi là công cụ bảo toàn tài sản.

Wang Tao, nhà phân tích kỹ thuật của hãng tin Reuters (Anh) nhận định, giá vàng giao ngay đã sẵn sàng phá vỡ ngưỡng kháng cự 1.789 USD/ounce và hướng tới ngưỡng 1.805 USD/ounce tiếp theo.

Các chuyên gia nhận định giá vàng sẽ dao động trong phạm vi 1.770 - 1.810 USD/ounce do các nhà đầu tư lo lắng về chính sách của Fed, những bất ổn xung quanh sự xuất hiện của biến thể Omicron có thể làm hoãn chu kỳ tăng lãi suất.

Hiện tại, giới thương nhân có vẻ muốn chờ xem rốt cuộc các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đang có tính toán gì.

Theo kế hoạch, ngoài chính sách tiền tệ của Fed được công bố trong hôm nay (14/12), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Anh và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cũng sẽ đưa ra các quyết định chính sách của mình vào cuối tuần này.