Giá vàng hôm nay 15/10: Lạm phát cao ngất ngưởng, vàng có bảo vệ được tài sản của bạn?

Kỳ Văn
Giá vàng hôm nay 15/10 tiếp tục tiến sát ngưỡng 1.800 USD/ounce, trên thị trường quốc tế. Lạm phát trở lại mức cao nhất trong 13 năm, cổ phiếu sụt giảm khá đáng kể... đang là những yếu tố tích cực đối với giá vàng.
Giá vàng hôm nay 15/10, Lạm phát cao ngất ngưởng, vàng sẽ bảo vệ tài sản của bạn?
Giá vàng hôm nay 15/10 đầu phiên ghi nhận mức giá 1.796,1 USD/ounce, thị trường vẫn đang trong xu hướng tăng, dù chỉ tăng nhẹ (3,3 USD) so với phiên liền trước. (Nguồn: Vectorstock)

Biến động giá vàng hôm nay 15/10

Những phiên tăng nhanh gần đây đã đẩy giá vàng vượt kỳ vọng của giới phân tích. Cuối tuần trước, phần lớn các chuyên gia trên phố Wall dự báo giá vàng có thể vượt ngưỡng kháng cự 1.780 USD ngay trong tuần này. Hôm nay, giá vàng hôm nay đang ghi nhận mức giá 1.796,1 USD/ounce, thị trường vẫn đang trong xu hướng tăng, dù chỉ tăng nhẹ (3,3 USD) so với phiên liền trước và 6,1 USD so với đầu phiên giao dịch ngày 14/10, ghi nhận của TG&VN vào sáng sớm ngày 15/10 (giờ Việt Nam).

Phiên giao dịch hôm qua, có lúc giá vàng đã chinh phục trở lại ngưỡng 1.800 USD/ounce, tuy nhiên, để bền vững rồi sau đó bứt phá hơn thì vẫn cần thêm thời gian.

Giá vàng thế giới đã lên mức cao nhất một tháng khi USD và lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ giảm... Chỉ số giá tiêu dùng đang cho thấy áp lực lạm phát vẫn tiếp tục tăng lên, nhiều nhà đầu tư vì vậy coi vàng như công cụ quan trọng ngừa lạm phát quan trọng hàng đầu.

Giá vàng trong nước hôm nay được dự báo tăng nhiều hơn giảm, khi vấn đề lạm phát đang ảnh hưởng trực tiếp đến tư duy giữ tài sản của nhà đầu tư. Giá vàng SJC trong nước bất ngờ quay đầu giảm từ 50.000 - 200.000 đồng/lượng vào cuối phiên giao dịch hôm qua, tại các hệ thống giao dịch trên toàn quốc. Công ty VBĐQ Sài Gòn và Tập đoàn Doji điều chỉnh giảm đồng loạt 50.000 đồng/lượng ở chiều mua, riêng Doji giảm 100.000 đồng/lượng ở chiều bán.

Tại Tập đoàn Phú Quý, giá vàng SJC giảm trở lại 100.000 đồng/lượng cho cả chiều mua - bán. Trong khi, giá vàng SJC được điều chỉnh mạnh, giảm tới 150.000 đồng/lượng ở chiều mua và 200.000 đồng/lượng ở chiều bán tại hệ thống PNJ. Bảo tín Minh Châu điều chỉnh giá vàng SJC giao dịch ở chiều mua vào và bán ra giảm đồng thời 60.000 đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên giao dịch ngày 14/10:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 57,30 - 58,02 triệu đồng/lượng ở chi nhánh Hà Nội và 57,30 - 58,00 ở chi nhánh TP. Hồ chí Minh.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 57,20 - 57,95 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 57,50 - 58,00 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 57,35 - 58,00 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 57,51 - 57,97 triệu đồng/lượng. Các sản phẩm khác của thương hiệu này đồng loạt tăng. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 51,16- 51,81 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 50,55 - 51,65 triệu đồng/lượng.

Diễn biến trái chiều giúp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới được thu hẹp còn 8,4 triệu đồng, giảm đáng kể so với mức 9 - 10 triệu hồi đầu tuần.

Nhân tố nào thay đổi cuộc chơi? nên đầu tư như thế nào?

Theo dữ liệu được công bố hôm thứ Tư, lạm phát Mỹ (CPI) tháng 9 hiện đã quay trở lại mức 5,4%, tăng từ mức 5,3% trong tháng 8, nhiều hơn so với kỳ vọng của thị trường. Công bố này dường như đã kích hoạt một "chuyến tàu lượn siêu tốc bằng vàng", với động thái mới nhất đưa kim loại quý cao hơn gần 40 USD trong một ngày.

Thị trường dự đoán, lạm phát cao hơn sẽ buộc các nhà tạo lập chính sách phải tính tới phương án thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chắc chắn cũng sẽ xem xét kỹ dữ liệu CPI tháng 9, khi cân nhắc thời điểm giảm lượng mua trái phiếu chính phủ hàng tháng. Đồng thời, một tin tốt cho vàng là đường cong lợi suất đi ngang.

"Chúng ta sẽ thấy nhiều dòng vốn trú ẩn an toàn hơn vào vàng. Đây là một sự đảo ngược xu hướng chính và rất tích cực đối với vàng", nhà phân tích thị trường cao cấp của OANDA, Edward Moya nhận định.

Tuy nhiên, theo quan điểm của chuyên gia Han Tan của Exinity, thị trường đã quá quen thuộc với câu chuyện giảm thu mua tài sản của Fed nên nó khó có thể trở thành yếu tố ảnh hưởng lớn tới đà tăng đột phá của giá vàng. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 của Mỹ tăng ổn định và có thể tiếp tục tăng trong bối cảnh giá năng lượng leo thang. Điều này có thể gây áp lực khiến ngân hàng trung ương Mỹ tiến hành bình thường hóa chính sách tiền tệ sớm hơn.

Trong khi đó, biên bản họp tháng 9 của Fed cho thấy Mỹ có thể bắt đầu giảm hỗ trợ kinh tế vào giữa tháng 11. Mặc dù ngày càng nhiều nhà hoạch định chính sách lo ngại lạm phát cao có thể kéo dài hơn dự kiến, họ vẫn chưa thống nhất được thời điểm cần thiết để nâng lãi suất.

Việc giảm hỗ trợ kinh tế và nâng lãi suất thường kéo lợi suất trái phiếu chính phủ tăng, theo đó làm gia tăng chi phí cơ hội sở hữu tài sản không sinh lời như vàng.

Tuy nhiên, theo Edward Moya, lạm phát dai dẳng hơn có thể có nghĩa là Fed sẽ quyết liệt hơn khi thắt chặt chính sách tiền tệ. “Về khả năng, vàng sẽ không còn suy yếu đáng kể bất cứ khi nào chúng ta chịu thêm áp lực lạm phát bởi vì bây giờ áp lực lạm phát sẽ đồng nghĩa với những lo ngại về tăng trưởng”. Và một môi trường lạm phát cao hơn và tăng trưởng thấp hơn, được gọi là lạm phát đình trệ, đó là khi vàng sẽ phát triển mạnh, Chiến lược gia thị trường trưởng Phillip Streible của Blue Line Futures nhận định.

Vàng cũng đang được hưởng lợi khi Quỹ tiền tệ thế giới IMF hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021 xuống 5,9% so với mức ước tính 6% của tháng 7 trước đó. Dự báo cho năm 2022 giữ nguyên ở mức 4,9%. Vàng cũng được hỗ trợ bởi những bất ổn về năng lượng và bất ổn tài chính tại Trung Quốc.

Triển vọng đối với nhóm các nước đang phát triển có thu nhập thấp đã xấu đi đáng kể do đại dịch Covid-19 vẫn rất xấu. Việc hạ mức kì vọng tăng trưởng kinh tế cũng phản ánh triển vọng khó khăn hơn trong ngắn hạn đối với nhóm các nền kinh tế tiên tiến, một phần do gián đoạn nguồn cung, chẳng hạn tăng trưởng của kinh tế Mỹ giảm từ 7% xuống 6% năm 2021.

Vậy cuối cùng chúng ta nên làm gì? Chuyên gia đầu tư lão luyện Ted Oakley, cũng là người sáng lập và là đối tác của Oxbow Advisors, chia sẻ, lúc này cần có sự đa dạng của các loại tài sản cứng để tăng tính bảo vệ thích hợp trước "cơn bão" giá tiêu dùng.

“Chúng tôi nghĩ rằng, bạn nên có sự kết hợp giữa nông nghiệp, thực phẩm, năng lượng, bất cứ thứ gì gắn liền với việc làm ra những thứ đó không dễ dàng. Bất động sản cũng là một hàng rào tốt nhưng thật không may, nó đang ở một mức giá thực sự cao”, Ted Oakley nói.