Giá vàng hôm nay 15/6: Giá vàng bị nhấn chìm, USD thăng hoa, có dấu hiệu suy thoái kinh tế; Yêu cầu thanh tra doanh nghiệp vàng trong nước

Kỳ Văn
Giá vàng thế giới hôm nay 15/6 giảm một mạch 50 USD trong ngày, thị trường trở nên hỗn loạn. Các thị trường trên diện rộng đang quay cuồng khi giá biến động dữ dội chi phối từ cổ phiếu, tiền điện tử và vàng. Giá vàng SJC có phiên đảo chiều vào cuối phiên. Chính phủ yêu cầu tăng cường thanh kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức kinh doanh vàng.
Giá vàng hôm nay 15/6: dúhfdsk
Giá vàng hôm nay 15/6 bị nhấn chìm, USD thăng hoa, Fed ‘nhả phanh’ phải làm gì? (Nguồn: Kitco)

Cập nhật giá vàng hôm nay 15/6

Giá vàng thế giới dù trải qua những phiên hỗn loạn vẫn neo quanh đáy 4 tuần, vì đà tăng của đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ chững lại, trước giờ Fed công bố chính sách lãi suất. Thị trường vàng tiếp tục chịu áp lực khi lo ngại lạm phát tiếp tục quét qua các thị trường tài chính.

Trên sàn Kitco, giá vàng giao dịch tại 1.820,4 USD/ounce, hồi phục nhẹ 0,7 USD, G&VN ghi nhận vào 20h45 ngày 14/6 (giờ Việt Nam). Giá vàng kỳ hạn tháng 8 giao dịch lần cuối ở 1.821,50 USD/ounce, giảm 0,56% trong ngày.

Các nhà phân tích cảnh báo về tình trạng bán tháo hoảng loạn khi thị trường định giá lại kỳ vọng về một động thái tích cực hơn từ Fed. Các nhà đầu tư đang phản ứng trước quyết định lãi suất của Fed dự kiến vào ngày thứ Tư (15/6, giờ Mỹ) sau khi dữ liệu lạm phát nóng đáng chú ý ở Mỹ.

Lạm phát hiện đang ở mức 8,6%/năm, chuyên gia Mohamed El-Erian, cố vấn kinh tế trưởng tại Allianz, nói rằng, lạm phát đang lên tới đỉnh điểm, Fed sẽ cần phải quyết liệt hơn.

Đồng USD đã phản ứng tích cực với tin tức, với chỉ số USDX đã lập tức "thăng hoa", giao dịch gần mức cao nhất trong 20 năm - 104,97. Lợi tức Kho bạc Mỹ cũng tăng, gây thêm áp lực lên các tài sản như vàng. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn hai năm tăng lên mức cao nhất trong 15 năm, chạm mức 3,25%, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng lên 3,3% - cao nhất kể từ năm 2011. Thậm chí, thời hạn 2 năm và 10 năm còn bị đảo ngược trong thời gian ngắn vào đầu tuần này - đây được coi là dấu hiệu báo trước của suy thoái kinh tế.

Giá vàng tiếp tục chịu áp lực sau khi giá sản xuất tại Mỹ tăng 10,8%. Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho rằng, giá năng lượng tiếp tục thúc đẩy lạm phát. Báo cáo cho thấy, chỉ số xăng dầu đã tăng 8,4% trong tháng trước. Giá nhiên liệu tăng tiếp tục là mối lo ngại lớn của các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Chủ nhật vừa qua, giá xăng trung bình trên toàn quốc đạt mức cao kỷ lục, đẩy lên trên 5 USD/gallon.

Vàng đang gặp khó khăn khi các nhà đầu tư vẫn đang xem xét các con số lạm phát và gia tăng lo ngại về một đợt suy thoái khác ở Trung Quốc do đợt bùng phát dịch Covid-19 mới nhất ở Bắc Kinh và Thượng Hải. Nhà phân tích thị trường cao cấp của OANDA Edward Moya cho biết: "Chúng tôi đang chứng kiến sự suy yếu đáng kể đối với vàng. Tình trạng dịch bệnh của Trung Quốc có thể bị kéo dài các vấn đề đã hiện hữu như đứt gãy chuỗi cung ứng, dẫn đến thị trường lo sợ lạm phát.

Tuy nhiên, Đối tác quản lý của SPI Asset Management Stephen Innes, lại cho rằng, vàng đang nhận được một số hỗ trợ từ việc thị trường đã đặt cược trước vào các đợt tăng lãi suất. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng, không có ai muốn bán đồng USD trước cuộc họp của Fed và điều này kìm hãm sự phục hồi của kim loại quý.

Trong nước, giá vàng hôm nay bao nhiêu?

Giá vàng trong nước hôm nay đã có pha quay đầu ấn tượng, sau khi đồng loạt giảm mạnh ở đầu phiên đã điều chỉnh tăng trở lại khoảng 50.000 - 260.000 đồng/lượng tại các hệ thống kinh doanh trên toàn quốc.

Điều chỉnh mạnh nhất được ghi nhận tại Bảo Tín Minh Châu, khi giá vàng SJC điều chỉnh mức tăng là 50.000 đồng/lượng cho chiều bán ra, nhưng chiều mua vào lại tăng nhiều hơn 260.000 đồng/lượng và đây cũng là mức tăng cao nhất cuối phiên hôm nay. Hệ thống PNJ điều chỉnh giá tăng 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Công tyVBĐQ Sài Gòn tăng 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra so với giá đầu phiên.

Trong khi, tại Tập đoàn Doji, giá vàng trong nước tạm chững lại ở cuối phiên sau khi giảm mạnh tới 600.000 đồng/lượng vào đầu phiên. Tập đoàn Phú Quý tiếp tục giảm giá vàng SJC thêm 50.000 đồng/lượng cho cả hai chiều mua và bán.

Chốt phiên hôm qua (ngày 14/6), bảng giá vàng SJC niêm yết tại một số đơn vị kinh doanh lớn trên toàn quốc như sau:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 67,60 – 68,42 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 66,90 – 67,80 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 67,45 – 68,25 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 67,50 – 68,40 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 67,47 – 68,23 triệu đồng/lượng; thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 53,10 – 54,50 triệu đồng/lượng; giá vàng trang sức giao dịch tại 53,91 – 54,61 triệu đồng/lượng.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 77 yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tiếp tục triển khai các giải pháp quản lý chặt chẽ thị trường vàng theo Nghị định số 24; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức kinh doanh vàng, bảo đảm không ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế vĩ mô; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đồng thời, nghiên cứu, rà soát các quy định liên quan để sửa đổi, bổ sung (nếu cần thiết), báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, Chính phủ yêu cầu NHNN linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Fed sẽ "nhả phanh"?

Đây sẽ là tuần quan trọng đối với các ngân hàng trung ương khi Fed dự kiến sẽ tăng thêm 50 điểm. Các nhà đầu tư sẽ theo dõi chặt chẽ xem Chủ tịch Fed Jerome Powell nói gì về các đợt tăng lãi suất trong tương lai sau dữ liệu lạm phát mới nhất đang cực nóng. Các nhà phân tích tại Capital Economics nhận định, áp lực lạm phát tại Mỹ chưa có dấu hiệu suy giảm, nên nghi ngờ khả năng Fed sẽ sớm "nhả phanh". Do đó, thị trường Mỹ sẽ còn trải qua nhiều "đau đớn" khi lợi suất trái phiếu tăng mạnh và thị trường chứng khoán tiếp tục chịu áp lực.

Ông Jerome Powell đang phải cân nhắc thiệt hơn sau khi lạm phát tiêu dùng tháng 5 năm nay tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái và xác lập đỉnh mới. Có thể ông Powell phải đẩy nền kinh tế vào suy thoái để giành lại quyền kiểm soát giá cả. Cho đến nay, đương kim Chủ tịch Fed vẫn chưa ủng hộ một biện pháp tiền tệ cứng rắn, dù rằng sau dữ liệu lạm phát mới nhất, Phố Wall ngày càng tin tưởng Fed sẽ nâng lãi suất đến 75 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 6.

Ngày càng có nhiều nhà kinh tế nhận định, các nhà hoạch định chính sách cần phải chấp nhận để kinh tế thu hẹp và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao hơn để đưa lạm phát về ngưỡng có thể chấp nhận được.

Ở một nghiên cứu mới, Nhà kinh tế trưởng Anna Wong của Bloomberg Economics và các đồng nghiệp nói khả năng xảy ra suy thoái trong năm nay là khoảng 25% và trong năm sau là 75%. Trong bối cảnh cuộc xung đột Nga-Ukraine còn tiếp diễn và chính sách Zero COVID ở Trung Quốc chưa biết đến khi nào chấm dứt, áp lực giá cả nhất định sẽ còn phình to hơn. Ông Powell có thể phải noi gương người tiền nhiệm Paul Volcker, chấp nhận để nền kinh tế chịu đau một chút.