Giá vàng hôm nay 16/11, Giá vàng giảm, khó tới mốc 1.900 USD, sẽ có diễn biến khiến nhà đầu tư thất vọng?

Kỳ Văn
Giá vàng hôm nay giảm, ngày càng xa ngưỡng 1.900 USD/ounce. Theo chuyên gia, nếu vàng không giữ vững được ở mốc 1.870 USD/ounce, sẽ có rủi ro đẩy kim loại quý trở lại khu vực 1.830 - 1.835 USD, điều đó có thể khiến một số nhà đầu tư thất vọng.
Giá vàng hôm nay 16/11
Giá vàng hôm nay 6/3: Vàng đã xuống đáy, còn gặp thêm khắc tinh, chạy là thượng sách?

Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay

Mở cửa phiên giao dịch sáng 15/11, các doanh nghiệp niêm yết giá vàng SJC giảm 200 nghìn đồng/lượng so với cuối tuần qua.

Cụ thể, Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở thị trường Hà Nội mức 59,8 – 60,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 100 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với cuối tuần qua.

Còn tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý, giá vàng SJC giảm 100 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với cuối tuần qua, niêm yết ở mức 60 – 60,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Giá vàng châu Á giảm trong phiên chiều 15/11, trượt từ mức cao nhất của hơn 5 tháng qua đạt được trong phiên trước đó giữa bối cảnh giới đầu tư tỏ ra thận trọng trong việc đánh giá khả năng lạm phát tăng sẽ thúc đẩy các ngân hàng trung ương có những phản ứng mạnh mẽ hơn.

Trong phiên chiều 15/11, vào lúc 13h50’ (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay giảm 0,3% xuống 1.857,71 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ giảm 0,5% xuống 1.859,8 USD/ounce.

Theo ghi nhận của TG&VN, đến 21h17’ ngày 15/11, giá vàng thế giới tại sàn giao dịch điện tử Kitco ở mức 1.863,2 - 1.864,2 USD/ounce, giảm 2 USD/ounce so với phiên trước đó.

Tổng hợp giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên ngày 15/11:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 60,05 – 60,77 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 59,8 – 60,5 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 60,0 – 60,6 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 60,0 – 60,7 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 60,01– 60,58 triệu đồng/lượng. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 53,02- 53,67 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 52,45 – 53,55 triệu đồng/lượng.

Nhà đầu tư sẽ thất vọng?

Chuyên gia Stephen Innes phụ trách mảng quản lý đối tác của công ty dịch vụ tài chính SPI Asset Management (Thụy Sỹ), cho biết: “Cho đến khi giá vàng vượt mức 1.875-1.880 USD/ounce, vàng sẽ gặp phải hạn chế do đồng USD mạnh, lợi suất trái phiếu ngắn hạn Mỹ tăng và khả năng lợi tức trái phiếu dài hạn tăng cao nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu ngụ ý rằng họ sẽ sớm tăng lãi suất”.

Chỉ số đồng USD giảm 0,1% nhưng vẫn gần mức cao của 16 tháng đạt được trong phiên cuối tuần qua. Đồng USD mạnh khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn cho những người nắm giữ đồng tiền khác.

Giới đầu tư đang chờ đợi số liệu về doanh số bán lẻ của Mỹ, dự kiến được công bố vào ngày hôm nay (16/11), sau khi niềm tin của người tiêu dùng nước này giảm xuống mức thấp nhất trong một thập niên qua.

Theo các chuyên gia, “cuộc biểu tình” kéo dài 7 ngày của vàng đã tạm dừng. Ngày 15/11, giá vàng giao dịch trong một biên độ hẹp sau một đợt tăng mạnh do lo ngại tình trạng lạm phát, với đồng USD yếu hơn và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm đã hạn chế thiệt hại đối với người giữ vàng thỏi.

Giá vàng giao ngay ít thay đổi khi được giao dịch ở mức 1.864,85 USD/ounce vào lúc 13h08’ GMT, trong khi giá vàng giao tương lai của Mỹ giảm 0,1% xuống 1.866,20 USD/ounce.

Vàng thỏi, theo truyền thống được coi là hàng rào chống lạm phát, đã tăng lên mức cao nhất gần 5 tháng vào tuần trước khi chỉ số giá tiêu dùng hằng năm của Mỹ tăng mạnh nhất trong 31 năm.

Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA, cho biết: “Vàng có nhiều hỗ trợ và chỉ đang chốt lời”, sau chuỗi 7 ngày tăng giá liên tục.

“Trong khi đồng USD mạnh hơn gần đây không phải là một cơn gió lớn đối với vàng, thực tế là USD giảm giá hôm 15/11 có thể hỗ trợ một chút cho giá kim loại quý”, ông Erlam nói thêm.

Hạn chế tổn thất đối với vàng, đồng USD giảm nhẹ khi các nhà giao dịch chờ đợi manh mối mới về kế hoạch tăng lãi suất của Fed do lạm phát tăng cao.

Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm chuẩn của Mỹ cũng giảm, làm giảm chi phí cơ hội của vàng thỏi không sinh lợi.

Trong khi đó, nhà phân tích Ole Hansen của Ngân hàng Saxo cho biết, “nếu vàng không vượt qua mức 1.870 USD ngày hôm nay(15/11), thì sẽ có rủi ro đẩy nó trở lại khu vực 1.830 - 1.835 USD, vì điều đó có thể khiến một số nhà đầu tư thất vọng”.

Neel Kashkari, Chủ tịch Fed tại bang Minneapolis, hôm 14/11 cho biết, ông dự kiến ​​lạm phát sẽ cao hơn trong vài tháng tới nhưng ngân hàng trung ương Mỹ không nên phản ứng quá mức với lạm phát tăng cao vì đây có thể chỉ là tạm thời.

Việc tăng lãi suất có xu hướng làm giảm sức hấp dẫn của vàng không chịu lãi suất vì nó làm tăng chi phí cơ hội của kim loại này.

Trước đó, hai nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cho biết lạm phát của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể giảm chậm hơn so với dự tính trước đó, chủ yếu do tình trạng tắc nghẽn nguồn cung kéo dài, tuy nhiên ECB sẽ không loại bỏ các biện pháp kích thích quá nhanh.

Ngày 15/11, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết, việc thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát có thể cản trở sự phục hồi của Eurozone.

Với lạm phát đã gấp đôi mức mục tiêu 2% và có khả năng sẽ tiếp tục tăng vào cuối năm nay, ECB đang chịu áp lực trong việc từ bỏ chính sách nới lỏng tiền tệ.

Bà Lagarde thừa nhận lạm phát sẽ cao hơn và lâu hơn người ta từng nghĩ nhưng sẽ giảm dần vào năm tới.

Vàng vốn được hưởng lợi từ chính sách tiền tệ được đưa ra để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong đại dịch Covid-19, tuy nhiên, bất kỳ đợt tăng lãi suất nào cũng sẽ làm giảm sức hấp hấp của kim loại quý không sinh lời như vàng.

Ngân hàng trung ương Anh (BoE) được dự báo sẽ là ngân hàng trung ương lớn đầu tiên nâng lãi suất, song thời điểm vẫn chưa được xác định. Chưa rõ BoE sẽ tiến hành tăng lãi suất vào tháng tới hay chờ cho đến đầu năm 2022.