Giá vàng hôm nay 16/3: Giá vàng lao từ đỉnh xuống đáy, mua vàng SJC chịu rủi ro kép, chuyên gia nói về thời điểm bắt đáy?

Kỳ Văn
Giá vàng hôm nay 16/3 tiếp tục lao dốc từ mức đỉnh, giảm hơn 1% trong phiên giao dịch chiều qua, xuống mức thấp nhất trong hai tuần. Bị chi phối bởi lợi suất trái phiếu Mỹ tăng vọt, triển vọng Fed nâng lãi suất và xung đột Nga-Ukraine hạ nhiệt dần, giá vàng đang chịu nhiều sức ép tụt dốc không phanh. Chuyên gia nói gì về thời điểm bắt đáy?
Giá vàng hôm nay 16/3: Giá vàng lao từ đỉnh tới đáy
Giá vàng hôm nay 16/3 giảm mạnh từ 1.980 USD/ounce xuống còn sát ngưỡng 1.920 USD/ounce. (Nguồn: Kitco)

Giá vàng hôm nay 16/3:

Giá vàng SJC biến động trái chiều không rõ xu hướng, với các điều chỉnh tăng giảm rất khác nhau tại các đơn vị kinh doanh trên toàn quốc vào cuối phiên chiều qua (15/3). Trong đó, Công ty VBĐQ Sài Gòn điều chỉnh giá vàng SJC giảm 400.000 đồng/lượng ở chiều mua vào, nhưng giảm tới 820.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.

Tập đoàn Doji cũng điều chỉnh giảm nhưng ít hơn, giá vàng miếng đã giảm 600.000 đồng/lượng ở chiều bán và không thay đổi ở chiều mua so với phiên mở cửa buổi sáng. Trong khi đó, Bảo Tín Minh Châu điều chỉnh tăng giá ở cả hai chiều, lần lượt 300.000 đồng/lượng ở chiều mua và 380.000 đồng/lượng ở chiều bán so với phiên mở cửa buổi sáng.

Giá vàng SJC cùng được điều chỉnh tăng 200.000 đồng/lượng ở chiều mua tại Tập đoàn Phú Quý và hệ thống PNJ. Tuy nhiên, ở chiều bán ra, Tập đoàn Phú Quý giảm 500.000 đồng/lượng, còn hệ thống PNJ tăng 200.000 đồng/lượng.

Như vậy, giá vàng trong nước đi xuống cùng chiều thế giới trong những phiên gần đây. Tuy nhiên, thay vì giảm đến khó tin như thị trường thế giới, giá vàng trong nước giảm rất chậm và vẫn neo ở ngưỡng 68 triệu đồng/lượng.

Sau khi tăng thẳng đứng, chạm đỉnh vào giữa tuần trước, thị trường kim loại quý trong nước bắt đầu lao dốc. Tính đến ngày hôm qua, vàng SJC đã giảm phiên thứ sáu liên tiếp, mất 7,5 triệu đồng so với mức đỉnh vừa qua. Nếu mua tại mức giá đỉnh được thiết lập ngày 8/3, nhà đầu tư đã lỗ 7,5 triệu đồng/ lượng chỉ sau 1 tuần. Những ngày này, giá vàng trang sức, nhẫn cũng liên tục ghi nhận xu hướng giảm, dù mức giảm không quá mạnh như vàng SJC.

Thị trường kim loại quý trong nước bắt đầu bình ổn trở lại, như nhận định của giới phân tích, giao dịch mua - bán trên thị trường vàng đã hạ nhiệt là do người bán kỳ vọng giá cao hơn, trong khi bên mua chờ giá giảm hơn mới xuống tiền mua vào. Tuy nhiên, giá vàng SJC vẫn neo ở mức cao, khó giảm sâu do hạn chế nguồn cung. Nguồn cung khan hiếm do Ngân hàng Nhà nước đã không cấp phép dập thêm vàng miếng SJC, trong hơn 10 năm nay.

Thực tế những năm qua, các đợt biến động đã đưa giá vàng SJC lần lượt lên ngưỡng 56-57 triệu đồng/lượng, tiếp theo là 60-62 triệu đồng/lượng, rất có thể hiện nay là 65-67 triệu đồng/lượng. Vậy đây có phải là thời điểm nên bắt đáy? Theo các chuyên gia, việc tăng giảm giá vàng, nhất là vàng trong nước, hiện phụ thuộc vào tâm lý. Giá vàng có thể đi lên nhưng cũng có thể lao dốc ngay ngày mai, phụ thuộc vào độ nóng hay nguội dần của cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Ngoài rủi ro không thể đoán định của cuộc chiến, người mua vàng trong nước còn chịu rủi ro kép là chênh lệch quá cao giữa giá vàng trong nước và thế giới, lên đến gần 14 triệu đồng/lượng và khoảng cách quá xa giữa giá mua - bán. Do vậy, người mua vàng nên cân nhắc kỹ lưỡng về độ rủi ro.

Kết thúc phiên giao dịch hôm qua (ngày 15/3), giá vàng SJC giao dịch tại một số đơn vị kinh doanh lớn như sau:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 66,90 – 68,20 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng tại: 67,00 – 68,20 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 66,90 – 68,20 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 67,00 – 68,50 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 66,93 – 68,18 triệu đồng/lượng. Theo xu hướng chung của thị trường kim loại quý, các sản phẩm khác của thương hiệu này đều có sự điều chỉnh, giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 55,11 – 56,20 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 54,50 – 56,10 triệu đồng/lượng.

Diễn biến giá vàng thế giới mới nhất

Giá vàng thế giới giảm mạnh từ 1.980 USD/ounce xuống còn sát ngưỡng 1.920 USD/ounce vào cuối ngày 15/3. Ghi nhận của TG&VN vào lúc 1h30 ngày 16/3 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao dịch trên sàn Kitco hiện là 1.924,8 USD/ounce, tiếp tục xu hướng giảm mạnh duy trì suốt trong ngày hôm qua, giảm tiếp 27,5 USD (1.41%) so với chốt phiên giao dịch liền trước. Giá vàng giao tháng 4 cũng giảm 1,55% xuống 1.930,4 USD/ounce.

Nguyên nhân khiến giá vàng thế giới lao dốc là do có nhiều thông tin tích cực về chiến sự Nga-Ukraine, giúp thị trường chứng khoán tăng điểm, từ đó gây sức ép lên các thị trường kim loại. Thực tế, các đoàn đại biểu Nga-Ukraine đã tổ chức nhiều vòng đàm phán trong các ngày liên tiếp – nhưng các bên đều khá kín tiếng, chưa có tiến triển mới nào được công bố.

Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng lên mức cao nhất trong hơn 2 năm rưỡi vào đầu tuần, trước kỳ vọng Fed tăng lãi suất lần đầu tiên trong 3 năm vào thứ Tư (16/3) để kiểm soát lạm phát. Vàng rất nhạy cảm đối với sự gia tăng lãi suất của Mỹ, điều làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.

Trong tuần này, một thông tin quan trọng khác dự báo sẽ tác động đến hướng đi của vàng là kết quả cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Nếu Fed công bố tăng lãi suất, giá vàng sẽ chịu thêm sức ép. Trước đó nhiều dự báo rằng Fed sẽ tăng lãi suất 6 lần trong năm nay. Tuy nhiên, xung đột Nga - Ukraine đang tạo ra nhiều bất ổn về kinh tế có khả năng khiến Fed bớt quyết liệt hơn trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ.

Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ, bởi lãi suất tăng sẽ giúp đồng USD và lợi suất trái phiếu mạnh lên song lại khiến sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng giảm đáng kể.

Người đứng đầu bộ phận hàng hóa và ngoại hối tại UBS Wealth Management - Dominic Schnider, nhận định thị trường hiện đã ít lo ngại hơn về xung đột Ukraine. Chính tâm lý đó đã làm giảm lực hỗ trợ cho các tài sản trú ẩn an toàn như vàng.

Trong khi đó, chuyên gia Jeffrey Halley, nhà phân tích cấp cao của công ty môi giới đầu tư OANDA, cho biết một yếu tố khác cũng ảnh hưởng tới giá vàng là thị trường dường như phản ứng muộn hơn trước những tác động tiềm tàng từ quyết sách của Fed tại cuộc họp tuần này. Ngoài ra, sự gia tăng của lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ cũng không giúp ích gì cho vàng.