Rạng sáng 21-10 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao dịch ở mức 1.909 USD/ounce, tăng 6 USD/ounce so với mức giá cùng thời điểm hôm trước là 1.903 USD/ounce.
Đầu phiên giao dịch ngày 20-10, giá vàng biến động lình xình trong vùng 1.900 -1.902 USD/ounce. Khoảng 14 giờ cùng ngày theo giờ Việt Nam, khi thị trường châu Âu bắt đầu giao dịch, giới đầu tư tăng sức mua kéo giá vàng lên 1.908 USD/ounce. Tại mức giá này nhiều người khác lại bán ra buộc giá vàng lùi về 1.900 USD/ounce. Sau đó, giá vàng gần như "nghẹt thở", liên tục chìm xuống rồi ngoi lên từ 5 -10 USD/ounce. Đến đầu ngày 21-10, giá vàng giao dịch tại 1.909 USD/ounce.
Giới phân tích nhận định giá vàng đang bị bóp nghẹt bởi nhiều đầu tư hạn chế giao dịch vì lo ngại rủi ro trước thời hạn chót (rạng sáng ngày 21-10 theo giờ Việt Nam), các thành viên quốc hội Mỹ sẽ kết thúc đàm phán gói kích thích kinh tế hàng ngàn tỉ USD, nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế đang bị thiệt hại vì Covid-19.
Nhà phân tích Daniel Briesemann của Commerzbank (Đức) cho biết thị trường luôn theo dõi chặt chẽ cuộc đàm phán trên. Giá vàng có thể hưởng lợi vì USD sẽ mất giá sau khi các thành viên quốc hội Mỹ đạt được thỏa thuận gói kích thích kinh tế.
Tuy nhiên, đầu ngày 21-10, Quốc hội Mỹ vẫn chưa thỏa thuận xong gói kích thích kinh tế mới. Do thời điểm này thị trường đã đóng cửa và sẽ mở giao dịch phiên tiếp theo lúc 6 giờ cùng ngày nên việc các thành viên Quốc hội Mỹ chưa đạt được thỏa thuận về gói kích thích kinh tế có thể tác động nhất định đến giá vàng.
Trước đó, tại phiên giao dịch kéo dài từ đêm 19 đến rạng sáng 20-10, giới đầu tư đã có thái độ lo ngại rủi ro qua việc mua vàng với số lượng nhỏ. Cụ thể, quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Shares và một số quỹ đầu tư khác chỉ mua tổng cộng 4 tấn vàng, sau khi đã bán hơn 9,9 tấn vào phiên giao dịch trước.
Tại Việt Nam, trong ngày 20-10, giá vàng SJC tăng 50.000 đồng/lượng theo mức tăng vài USD/ounce của giá vàng thế giới, đóng cửa giao dịch tại 56,4 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng thế giới 3 triệu đồng/lượng.