Giá vàng hôm nay 23/8: Xuống dưới 1.600 USD hay khởi động một chu kỳ tăng giá? Lý do nhà đầu tư vẫn tin vào vàng

Kỳ Văn
Mức 1.800 USD/ounce vẫn là ngưỡng kháng cự mạnh đối với thị trường vàng thế giới. Và giới chuyên gia tin rằng, cho đến khi nào kim loại màu vàng có thể đóng cửa trên ngưỡng này thì vàng khó nhận được lực kéo xoay chuyển tình thế.
Giá vàng hôm nay 23/8: Sự kiện đáng chú ý tuần tới
Đóng cửa phiên giao dịch tuần trước (ngày 20/8), giá vàng giao ngay trên sàn giao dịch Kitco tăng rất nhẹ và đóng cửa ở 1.781,7 USD/ounce. (Nguồn: .Fxempire)

Biến động giá vàng hôm nay 23/8

"Nếu thị trường kim loại quý không thể vượt ngưỡng 1.800 USD trong lúc này, rất có thể giá vàng sẽ bắt đầu trở lại với mức 1.670 USD - đây là mức giá có ít kháng cự nhất. Và nếu giá vàng còn tụt xuống dưới mức thấp đó, thì tất cả các cược sẽ tự động. Đó sẽ là khoảnh khắc thị trường đầu hàng", là ý kiến của Daniel Pavilonis - nhà môi giới đầu tư kỳ cựu của RJO Futures và cũng là một trong những chuyên gia thường được trích dẫn ý kiến trên các tạp chí tên tuổi như Bloomberg, Dow Jones Newswires, WSJ...

Giới đầu tư đang trông đợi khả năng vàng vọt lên trên ngưỡng 1.800 USD/ounce như một dấu hiệu khởi sắc của thị trường vàng trong thời gian tới. "Vàng cần vượt qua mức 1.793 USD, điều này có thể xảy ra nếu dữ liệu vĩ mô tồi tệ vào tuần tới. Sau đó, chúng ta có thể thấy giá vàng sẽ di chuyển về hướng 1.800 - 1.808 USD", Daniel Pavilonis chia sẻ kỳ vọng.

Trong khi đó, hiện tại nỗi lo về khả năng kinh tế Mỹ xấu đi và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) rút bớt chính sách hỗ trợ không khỏi ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư.

Trên thị trường chứng khoán Mỹ, đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/8, phần lớn chỉ số cổ phiếu trên thị trường tăng điểm; thế nhưng tính cả tuần, thị trường giảm điểm trong nỗi sợ về khả năng Fed rút bớt đi chính sách kích thích kinh tế.

Đóng cửa phiên giao dịch tuần trước (ngày 20/8), giá vàng giao ngay trên sàn giao dịch Kitco tăng rất nhẹ và đóng cửa ở 1.781,7 USD/ounce. Mức tăng nhẹ nhưng cũng đánh dấu ngày tăng đầu tiên trong 4 phiên gần nhất.

Giá vàng trong nước những ngày này dường như vẫn đứng ngoài cuộc. Virus chủng mới Delta hoành hành, khiến nhiều địa phương phải thực hiện lệnh giãn cách xã hội trong nhiều ngày, thị trường kim loại quý vì thế khá trầm lắng, một số thương hiệu như VBĐQ Sài Gòn chỉ có một số thay đổi nhẹ, một số khác như Tập đoàn Doji, Phú Quý và Bảo tín Minh Châu... tiếp tục không điều chỉnh tăng giảm theo cả hai chiều giao dịch.

Công ty VBĐQ Sài Gòn hiện niêm yết giá vàng SJC tại hai chi nhánh Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh ở 56,45 - 57,1557,17.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 56,25 - 57,85 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 56,60 - 57,60 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 56,45 - 57,20 triệu đồng/lượng.

Riêng bảng giao dịch điện tử của Bảo tín Minh Châu vẫn tiếp tục đứng giá từ nhiều ngày nay. Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu vẫn được niêm yết tại: 56,90 - 57,52. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long ít biến động, giao dịch tại 51,51 - 52,21 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 50,75 - 51,85 triệu đồng/lượng.

Sự kiện quan trọng cần theo dõi trong tuần tới tuần tới

Dự kiến, tuần này cùng với hàng loạt sự kiện và số liệu kinh tế mới sẽ được công bố trong cả tuần, sẽ có tác động không nhỏ đến giá vàng hiện nay.

Trong số tất cả các bộ dữ liệu dự kiến ​​phát hành vào tuần tới, những bộ dữ liệu cần theo dõi sẽ là số liệu GDP quý 2 của Mỹ và Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân lõi (PCE), đi kèm với các chỉ số thu nhập và chi tiêu cá nhân. PCE là một trong những chỉ số quan trọng cần theo dõi. Nếu mức lạm phát lớn hơn dự kiến,nó sẽ không có lợi cho vàng, vì nó có thể buộc Fed phải sớm thắt chặt các biện pháp tài chính siêu nới lỏng hiện nay.

Các sự kiện quan trọng dự kiến sẽ có tác động đến thị trường kim loại quý trong tuần tới, bao gồm: Thứ hai: công bố Doanh số bán nhà hiện tại, Chỉ số sản xuất (PMI); Thứ ba: Doanh số bán nhà mới; Thứ Tư: Đơn đặt hàng lâu bền, Hội nghị Jackson Hole bắt đầu; Thứ năm: Tuyên bố số liệu thất nghiệp và GDP quý 2; Thứ sáu: công bố Chỉ số PCE và Chủ tịch Fed Powell dự kiến ​​phát biểu tại Hội nghị Jackson Hole.

Tương lai của vàng vẫn tươi sáng?

Thị trường và giới đầu tư đang kỳ vọng rất lớn vào bài phát biểu về triển vọng kinh tế tại Hội nghị các Thống đốc Ngân hàng Jackson Hole. Họ mong đợi Chủ tịch Fed có thể cung cấp chút manh mối về lịch trình chính sách tài chính của Fed, qua một sơ đồ cụ thể được đưa ra trong bài phát biểu.

Biên bản cuộc họp tháng 7 của Fed cho thấy, các nhà hoạch định chính sách đang có chung ý tưởng - bắt đầu giảm 120 tỷ USD tiền mua tài sản hàng tháng trước khi kết thúc năm nay.

Một số nhà phân tích kỳ vọng ông Powell sẽ đưa ra một lộ trình rõ ràng hơn vào tuần tới, đặc biệt nếu ông ấy muốn "giữ cửa" cho việc bắt đầu giảm dần kích thích sớm hơn như đã được đề cập, bởi một số nhà hoạch định chính sách lo lắng về chỉ số lạm phát cao gần đây. Bản thân Chủ tịch Powell cũng đã cho rằng, lạm phát có thể chỉ là tạm thời.

Vàng có thể đang phải vật lộn để trở lại mức cao kỷ lục vì nó đã không thể phá vỡ ngưỡng kháng cự 1.800 USD. Tuy nhiên, những ngày tốt nhất của thị trường vẫn còn ở phía trước, theo Peter Dougherty, Giám đốc điều hành của Argonaut Gold Inc.

Khác với nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu có tâm lý dao động đối với loại tài sản an toàn này, Peter Dougherty vẫn hy vọng nhu cầu đối với các tài sản hữu hình như bất động sản và vàng sẽ tiếp tục tăng, khi thế giới đối mặt với sự không chắc chắn khi con đường vượt đại dịch Covid-19 còn rất khó khăn. “Tôi có niềm tin vào tương lai của vàng hơn bất kỳ tài sản nào khác", vị chuyên gia này khẳng định.

Theo phân tích của chuyên gia này, dù vàng đang gặp khó khăn trong môi trường hiện tại khi các nhà đầu tư tập trung vào việc tăng lãi suất và định giá cổ phiếu kỷ lục, nhưng vàng sẽ không thể trở về mức giá thấp như trước đại dịch, khoảng 1.500 đến 1.600 USD. "Tương lai của vàng trông khá tươi sáng", Peter Dougherty khẳng định lại lần nữa.