Giá vàng hôm nay 2/6: Giá vàng thế giới 'nhọc nhằn' leo dốc, lý do kim loại quý chưa 'cất cánh'

Kỳ Văn
Giá vàng hôm nay đang leo dốc sau hai phiên giảm giá liên tiếp khi lợi suất trái phiếu Mỹ và đồng USD trở lại "đường đua" tăng giá. Một số nhà phân tích cũng nhận thấy, vàng khó "cất cánh" trong ngắn hạn vì vấn đề lãi suất Mỹ.
Giá vàng hôm nay 2/6:
Giá vàng hôm nay bật tăng trở lại sau hai phiên giảm giá. (Nguồn: Kitco)

Cập nhật giá vàng hôm nay 2/6

Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng vọt, chỉ số USD index tăng 0,2% là lý do giá vàng giảm liên tiếp những phiên gần đây.

Đến 20h ngày 1/6, giá vàng thế giới giao ngay tại sàn giao dịch Kitco ở mức 1.847 - 1.848 USD/ounce, tăng 9,6 USD so với phiên giao dịch trước đó.

Trong phiên giao dịch chiều 1/6, giá vàng tại thị trường châu Á xuống mức thấp nhất trong hai tuần.

Vào lúc 14h (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 1.834,89 USD/ounce, sau khi có lúc rơi xuống 1.829,24 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ ngày 19/5.

Đồng USD mạnh hơn khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với những nhà đầu tư nắm giữ đồng tiền khác, trong khi đà tăng của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm làm giảm sức hấp dẫn của vàng.

Cùng với đà giảm của giá vàng thế giới, phiên giao dịch ngày 1/6, các doanh nghiệp lớn ở Hà Nội niêm yết vàng miếng SJC tại 68,2 - 69,22 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 100.000 đồng/lượng ở mỗi chiều so với phiên 30/5. Tại TP. Hồ Chí Minh, giá thu mua tương đương Hà Nội nhưng bán ra rẻ hơn 20.000 đồng. Chênh lệch mua bán dao động 1 - 1,02 triệu đồng/lượng.

Chốt phiên cuối ngày hôm qua (1/6), bảng giá vàng SJC niêm yết tại một số đơn vị kinh doanh lớn trên toàn quốc như sau:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 68,30 – 69,32 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 68,25 – 69,15 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 68,35 – 69,15 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 68,30 – 69,30 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 68,32 – 69,09 triệu đồng/lượng; thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 54,23 – 54,98 triệu đồng/lượng; giá vàng trang sức giao dịch tại 53,40 – 54,80 triệu đồng/lượng.

Vì sao vàng chưa "cất cánh"?

Theo Kitco News, một số ngân hàng trung ương trên thế giới đang cân nhắc lại chiến lược dự trữ ngoại hối liên quan đến đồng USD và đồng euro khi phương Tây áp các lệnh trừng phạt tài chính lên Moscow. Trong khi đó, Nga kỳ vọng các ngân hàng trung ương sẽ mua nhiều vàng hơn và lựa chọn các loại tiền tệ khác như đồng nhân dân tệ của Trung Quốc để làm nguồn dự trữ.

Dữ liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới cho biết, nhu cầu về vàng trên toàn cầu trong quý I/2022 tăng 34% so với cùng kỳ năm trước do những căng thẳng địa chính trị và các đợt tăng lãi suất của ngân hàng trung ương.

Hiện tại, thị trường vàng đang đối mặt với nhiều thách thức khi kỳ điều chỉnh lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang đến gần. 0,5% là mức tăng lãi suất dự kiến trong tháng 6 được Fed đưa ra để ngăn "bóng ma" lạm phát.

Ngày 31/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc họp với Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell tại Nhà Trắng thảo luận về vấn đề lạm phát và những nỗ lực của Nhà Trắng để giải quyết tình trạng giá cả tăng cao trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ.

Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Biden cho biết, cuộc họp được tiến hành để thảo luận về ưu tiên hàng đầu của ông là giải quyết tình trạng lạm phát đang tăng cao nhằm đưa nước Mỹ chuyển từ thời kỳ phục hồi sang tăng trưởng ổn định.

Theo Tổng thống Mỹ, dù Fed “chú trọng cao độ” vấn đề lạm phát, nhưng ông không có ý định can thiệp vào tính độc lập truyền thống của ngân hàng trung ương này.

Michael McCarthy, Giám đốc chiến lược tại Tiger Brokers (Australia) nhận định, triển vọng của chính sách lãi suất, biến động của đồng USD và mối lo ngại về địa chính trị là những yếu tố quan trọng đối với thị trường vàng.

Vàng được coi là công cụ hữu hiệu để chống lạm phát và là tài sản an toàn trong giai đoạn xảy ra bất ổn chính trị. Tuy nhiên, quyết định tăng lãi suất của Fed để chống lại lạm phát lại làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng.

Một số nhà phân tích cũng nhận thấy, vàng khó "cất cánh" trong ngắn hạn khi Fed "diều hâu" trong vấn đề lãi suất. Lạm phát đang là mối đe dọa lớn nhất đối với sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ sau đại dịch Covid-19. Mức giá 1.850 USD/ounce có thể là mốc kháng cự của vàng trong thời gian tới.

Theo cựu Thống đốc Ngân hàng trung ương Canada (BOC) Stephen Poloz, hiện không có gì đảm bảo về một cuộc suy thoái sắp xảy ra ở Mỹ. Theo ông, vẫn còn thời gian để “bình thường hóa nền kinh tế”.

Một số tổ chức tài chính đồng ý với quan điểm của ông Poloz về một cuộc suy thoái sắp tới của Mỹ. Bình luận của ông được đưa ra khi Ngân hàng Goldman Sachs đưa ra một báo cáo trong tuần này nói rằng, suy thoái Mỹ trong vòng hai năm tới không phải là không thể tránh khỏi..

Về kim loại quý, cựu Thống đốc BOC cho rằng, giá vàng không tăng cao như một số nhà đầu tư mong đợi, bởi vì thị trường tin rằng, lạm phát cuối cùng sẽ bình thường hóa.

Ông Poloz nhận định:“Ở thời điểm hiện tại, lạm phát trên toàn thế giới vẫn được duy trì. Mọi người bắt đầu đặt ra những câu hỏi, chẳng hạn như 'lạm phát có thực sự bắt đầu bùng phát?' Trong bối cảnh đó, tôi sẽ không kỳ vọng kim loại quý sẽ tăng giá".