Giá vàng hôm nay 28/4: Bình yên trước bão, nghịch lý lạm phát, giới đầu cơ có ém vàng chờ thời?

Kỳ Văn
Giá vàng thế giới vẫn giữ đà tăng và tiến gần hơn tới ngưỡng 1.800 USD/ounce ngay cả khi người tiêu dùng Mỹ lạc quan đáng kể rằng, nền kinh tế sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm nay. Giá vàng SJC sụt giảm ở đầu phiên, nhưng lại xuất hiện tín hiệu bật tăng mạnh ở ngay cuối phiên
Giá vàng hôm nay 28/4: Bình yên trước bão, lạm phát cận kề, giới đầu cơ ém vàng chờ thời?
Giá vàng thế giới vẫn giữ đà tăng và tiến gần hơn tới ngưỡng 1.800 USD/ounce ngay cả khi người tiêu dùng Mỹ lạc quan cho rằng, nền kinh tế sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm nay. (Nguồn: Kitco)

Diễn biến giá vàng hôm nay 28/4

Giá vàng SJC trong nước sụt giảm ở đầu phiên sáng hôm qua (27/4), nhưng lại xuất hiện tín hiệu bật tăng mạnh ở ngay cuối phiên, khi quay đầu tăng khoảng 80.000 - 180.000 đồng/lượng tại hầu hết các hệ thống cửa hàng kinh doanh.

Giá vàng trong nước, tại TP. Hồ Chí Minh phiên đóng cửa, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 55,30 - 55,65 triệu đồng/lượng, tăng một mạch 180.000 đồng/lượng cho cả hai chiều mua và bán.

Cùng thời điểm tại Hà Nội, hệ thống Bảo tín Minh Châu điều chỉnh giá vàng SJC tăng 130.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 110.000 đồng/lượng ở chiều bán ra, hiện niêm yết tại 55,31 - 55,58 triệu đồng/lượng. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long cũng được điều chỉnh tăng lên 52,32 - 52,92 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 51,65 - 52,75 triệu đồng/lượng.

Ghi nhận củaTG&VN vào lúc 0h 55 ngày 28/4 (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay trên sàn Kitco đang khá ổn định ở mức 1.776,9 - 1.777.9 USD/ounce, giảm 4,1 USD (khoảng 0,23%) so với phiên liền trước. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ không đổi ở mức 1.780,7 USD/ounce.

Cập nhật giá vàng hôm nay 28/4, vàng SJC trong nước đảo chiều giảm theo đà giảm của thế giới.

Mở cửa phiên giao dịch buổi sáng, giá vàng SJC được Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết ở 55,22 - 55,57 triệu đồng/lượng, giảm 80.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên giao dịch hôm qua. Chênh lệch giữa giá mua và giá bán là 350.000 đồng/lượng.

Tại Hà Nội, hệ thống Bảo tín Minh Châu điều chỉnh giá vàng SJC giảm 90.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 40.000 đồng/lượng ở chiều bán ra, hiện niêm yết tại 55,22 - 55,54 triệu đồng/lượng. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long cũng được điều chỉnh giảm xuống 52,18 - 52,78 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 51,40 - 52,50 triệu đồng/lượng.

Đầu giờ sáng 28/4 (theo giờ Việt Nam) giá vàng giao ngay trên sàn Kitco niêm yết tại 1.769,7 USD/ouce, giảm 14,1 USD/ounce. Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá USD tại Vietcombank ở thời điểm tham chiếu (1 USD = 23.140 VND), giá vàng thế giới tương đương 49,33 triệu đồng/lượng, vàng thế giới thấp hơn 6,24 triệu đồng/lượng so với giá bán vàng SJC bán ra cùng thời điểm.

Trên thị trường thế giới, giá vàng “vững giá” và có giảm chút ít trong cuối phiên giao dịch hôm qua vì đồng USD phục hồi trở lại làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý, lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm được neo gần mức 1,57%, trong bối cảnh thị trường đang chờ đợi diễn biến cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhằm tìm kiếm manh mối về triển vọng chính sách tiền tệ. Chỉ số USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đối thủ khác trong rổ tiền tệ, tăng 0,13% lên 90,9.

Giới đầu tư đợi gì?

Cuộc họp chính sách hai ngày của Fed kết thúc vào ngày hôm nay (28/4, giờ Mỹ), khả năng sẽ không có sự thay đổi lớn nào về chính sách, song sự chú ý của giới đầu tư hướng đến bài phát biểu về triển vọng kinh tế của Chủ tịch Fed Jerome Powell, bất kỳ nhận xét nào về đường đi của chính sách tiền tệ trong tương lai và những đánh giá liên quan đến lạm phát hay không?

Bob Haberkorn, chiến lược gia cấp cao tại RJO Futures, cho biết, thị trường đang chờ phát biểu từ Fed về lạm phát, tập trung vào triển vọng dài hạn của Fed về lãi suất và kế hoạch hành động của họ đối với lãi suất ngắn hạn.

Fed đã cắt giảm lãi suất xuống gần mức 0% hồi tháng 3/2020 sau khi đại dịch Covid-19 tấn công nước Mỹ, đồng thời cam kết giữ chi phí cho vay không đổi cho đến khi thị trường việc làm được “lấp đầy” và lạm phát đạt 2%. Trong lúc này, thị trường chứng khoán Mỹ tăng giảm trái chiều chờ thông tin từ bài phát biểu của Chủ tịch Jerome Powell.

Cùng ngày 27/4, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) quyết định giữ nguyên chương trình kích thích khổng lồ và lạm phát dự kiến không đạt mục tiêu 2% trong nhiều năm tới, mặc dù các hạn chế mới để đối phó với số ca mắc Covid-19 đã "phủ mây đen" lên triển vọng phục hồi kinh tế mỏng manh.

Lãi suất tiền gửi bình quân tại Mỹ khoảng 1%/năm, lãi suất tiền gửi tại một số quốc gia ở châu Âu âm 0,5%/năm. Thế nên, giới đầu tư tài chính tiếp tục quan tâm tới kênh sinh lời trái phiếu chứ không phải vàng. Giá vàng chưa đủ động lực để đi lên mạnh mẽ.

Nghịch lý về lạm phát?

Hiện tại thị trường vàng đang giữ đà tăng và tiến gần hơn tới 1.800 USD/ounce ngay cả khi người tiêu dùng Mỹ lạc quan đáng kể rằng nền kinh tế sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm nay.

Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ đã tăng lên 121,7, tăng so với mức 109,7 của tháng Ba. Số liệu thực tế thậm chí đã đánh bại con số kỳ vọng chỉ vào khoảng 113,1. Niềm tin của người tiêu dùng gần như đã tăng lên mức trước đại dịch vào năm ngoái. "Chúng tôi vẫn chưa trở lại mức trước đại dịch nhưng đây là một tiến bộ lớn", người đứng đầu chiến lược tiền tệ Adam Button tại Forexlive.com cho biết.

Mặc dù, thoạt nghe, dữ liệu kinh tế mạnh mẽ sẽ là tín hiệu tiêu cực cho giá vàng, vì nó làm giảm sức hấp dẫn về nơi trú ẩn an toàn của kim loại quý. Tuy nhiên, trên thực tế, có một nghịch lý là một số nhà phân tích thị trường hiện cho rằng, kỳ vọng tăng trưởng mạnh lại đang dẫn đến lo ngại về áp lực lạm phát gia tăng. Thậm chí một số nhà phân tích đã nói rằng, vàng sẽ tiếp tục là một hàng rào lạm phát quan trọng khi nền kinh tế Mỹ tiếp tục phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Theo phân tích của Katherine Judge, nhà kinh tế cấp cao tại CIBC, "tình hình hiện cho thấy, trong giai đoạn kinh tế hiện tại, người tiêu dùng đang cảm thấy tốt hơn và như vậy, nó phù hợp với kỳ vọng về một sự tăng trưởng nhanh”. Sự gia tăng niềm tin của người tiêu dùng là kết quả của sự cải thiện mạnh mẽ về tâm lý trong ngắn hạn, về các điều kiện thị trường lao động và kinh doanh...

Theo Lynn Franco, Giám đốc Cấp cao về Chỉ số kinh tế tại The Conference Board cho biết, “Đánh giá của người tiêu dùng về các điều kiện hiện tại đã được cải thiện đáng kể trong tháng 4, cho thấy sự phục hồi kinh tế sẽ được tăng cường hơn nữa vào đầu quý II. “Người tiêu dùng lạc quan hơn về triển vọng thu nhập của họ, có lẽ do thị trường việc làm đang được cải thiện và kết quả từ đợt kích cầu gần đây. Kỳ vọng lạm phát ngắn hạn được duy trì ổn định trong tháng 4, nhưng khả năng tăng vẫn cao. Các yếu tố tác động khác có thể được thúc đẩy bởi việc triển khai vaccine đang tăng tốc và nới lỏng hơn nữa các hạn chế để phòng chống sự lây lan nguy hiểm của đại dịch.