Giá vàng hôm nay 29/3, Giá vàng bất ngờ lao dốc trước ‘tai ương’, lý do Nga quay xe gom vàng, SJC đón sóng

Kỳ Văn
Giá vàng hôm nay 29/3 bất ngờ giảm mạnh. Hy vọng về những tiến bộ đạt được trong cuộc hòa Nga-Ukraine làm giảm nhu cầu trú ẩn ở kim loại quý. Làn sóng bán tháo đang diễn ra, vàng đối mặt những sóng gió đáng kể trên cả ba mặt trận. Nga tiếp tục gom vàng sau gần nửa tháng tạm dừng.
Giá vàng hôm nay 29/3 abc
Giá vàng hôm nay 29/3, Giá vàng bất ngờ lao dốc trước ‘tai ương’, lý do Nga quay xe gom vàng, SJC đón sóng. (Nguồn: torontogold.com)

Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 29/3

Mở cửa phiên giao dịch sáng 28/3, thời điểm 8h44’, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 68,9 - 69,62 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 200 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và 150 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm trước.

Tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý, giá vàng SJC tăng 100 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên hôm trước, niêm yết ở mức 68,7 - 69,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Công ty cổ phần Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 68,55 – 69,4 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra), tăng 50 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm trước.

Trên thị trường châu Á, giá vàng giảm hơn 1 % trong phiên giao dịch chiều 28/3.

Vào lúc 13h51 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 1,2% xuống 1.934,61 USD/ounce, trong khi giá vàng kỳ hạn giảm 1% và được giao dịch ở mức 1.935 USD/ounce.

Theo ghi nhận của TG&VN, đến 21h14’ ngày 28/3, giá vàng thế giới tại sàn giao dịch điện tử Kitco ở mức 1.934,7 - 1.935,7 USD/ounce, giảm 23,7 USD/ounce so với phiên trước đó.

Tin liên quan
Xung đột Nga-Ukraine, trừng phạt từ phương Tây và thế tiến thoái lưỡng nan của doanh nghiệp Trung Quốc Xung đột Nga-Ukraine, trừng phạt từ phương Tây và thế tiến thoái lưỡng nan của doanh nghiệp Trung Quốc

Tổng hợp giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên ngày 28/3:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 68,6 – 69,3 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 68,5 – 69,3 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 68,7 – 69,35 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 68,6 – 69,3 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 68,71 – 69,33 triệu đồng/lượng. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 55,32 – 56,12 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 55,45 – 55,95 triệu đồng/lượng.

Vàng quay đầu giảm giá, vẫn còn sáng cửa?

Giá vàng giảm hơn 1% vào phiên giao dịch đầu tuần khi lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ tăng đột biến và đồng USD mạnh hơn. Bên cạnh đó, hy vọng về những tiến bộ đạt được trong các cuộc đàm phán hòa bình Nga-Ukraine cũng làm giảm nhu cầu trú ẩn cho kim loại quý.

Vàng giao ngay giảm 0,87% xuống 1.940,46 USD/ounce vào 12h34’ giờ GMT. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,9% xuống 1.940,46 USD.

Nhà phân tích độc lập Ross Norman cho biết: "Sức mạnh đáng kể của đồng USD và lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm tăng chính là những ‘tai ương’ cho vàng vào lúc này.

Làn sóng bán vàng đang có vẻ dâng trào và theo các nhà phân tích, kim loại quý hiện đang đối mặt với những sóng gió đáng kể trên cả ba mặt trận".

Lợi suất trái phiếu 10 năm của Mỹ tăng trên 2,5% so với mức cao nhất kể từ tháng 5/2019 khi đặt cược vào các đợt tăng lãi suất lớn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để chống lại lạm phát tăng cao.

Vàng rất nhạy cảm với việc tăng lãi suất của Mỹ, như chúng làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng thỏi, đồng thời thúc đẩy đồng đô la mà nó được định giá.

Đồng USD tăng lên mức cao nhất trong hơn một tuần, khiến vàng đắt hơn đối với những người nắm giữ tiền tệ khác.

Trước áp lực bán khá lớn trong phiên đầu tuần, vàng đã thủng ngưỡng hỗ trợ 1.935 USD. Trong khi đó, đồng USD đang tăng giá so với các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ và có xu hướng kìm hãm giá vàng do kim loại quý này được định giá bằng USD.

Trong ngắn hạn, lợi suất tăng có thể sẽ vẫn là chất xúc tác gây giảm giá mạnh nhất cho vàng. Câu hỏi quan trọng là liệu sự bất ổn địa chính trị, vốn làm tăng nhu cầu đối với các tài sản trú ẩn an toàn như vàng trong giai đoạn trước, có thể bù đắp tác động tiêu cực từ lợi suất tăng và đồng USD mạnh lên hay không.

Trước đó, Giám đốc công ty tư vấn doanh nghiệp AirGuide (Singapore) Michael Langford dự đoán, nếu trong tháng 3, Mỹ tạo ra khoảng 500.000 việc làm mới trở lên, khả năng cao giá vàng sẽ giảm xuống trong ngắn hạn vì điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Fed đẩy nhanh lộ trình nâng lãi suất.

Trong bối cảnh đó, lượng vàng do quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust nắm giữ đã tăng lên 1.093,18 tấn trong phiên cuối tuần trước, mức cao nhất kể từ cuối tháng 2/2021

Tuy nhiên trước đó, ông Peter Cardillo, chuyên gia kinh tế thị trường của Công ty Môi giới đầu tư Spartan Capital Securities (Mỹ) dự đoán giá vàng có thể vượt mức 2.000 USD/ounce, khi lạm phát khiến giới đầu tư tìm đến vàng như một biện pháp phòng trừ rủi ro trước tình hình giá cả leo thang, trong khi tình hình căng thẳng địa chính trị cũng sẽ làm tăng nhu cầu đối với vàng như một kênh trú ẩn an toàn.

Tương tự, một báo cáo ngắn từ Công ty chuyên Giao dịch và Sản xuất sản phẩm từ kim loại quý Heraeus Precious Metals (Đức) cho hay, ngay cả khi những dự đoán về việc Fed tăng lãi suất trở thành hiện thực, lạm phát vẫn sẽ cao trong khi lãi suất thực ở mức âm. Những yếu tố này sẽ duy trì một môi trường tích cực cho giá vàng trong trung hạn.

Liên quan thị trường vàng, từ 28/3-30/6/2022, Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) bắt đầu mua vàng trở lại từ các ngân hàng trong nước với giá mua được cố định ở mức 5.000 Ruble (52 USD)/gram.

Theo CBR, việc tiếp tục mua vàng sẽ giúp đảm bảo nguồn cung bền vững và không bị gián đoạn bởi các nhà sản xuất.

Trước đó, từ ngày 15/3, CBR đã phải tạm dừng việc mua vàng từ các ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu mua vàng của người dân tăng lên.

Khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine vào cuối tháng 2, CBR cũng tuyên bố nối lại hoạt động mua vàng sau 2 năm duy trì dự trữ đi ngang.

Hiện nay, Nga đã tích lũy được kho vàng trị giá 2.300 tấn. Trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine, Mỹ và Anh đã bắt đầu tiến hành các biện pháp nhắm mục tiêu trừng phạt vào kho vàng của Nga do việc bán vàng có thể nâng giá trị đồng Ruble, vốn đang lao dốc sau các lệnh trừng phạt của phương Tây.