Giá vàng hôm nay 3/8: Thị trường ảm đạm, vàng ở chế độ tạm dừng, nhà đầu tư ngóng điều gì?

Kỳ Văn
Tình trạng ảm đạm tiếp tục đè nặng lên giá vàng khi kim loại quý đang bắt đầu một tuần giao dịch mới dưới áp lực bán khiêm tốn. Vàng hiện không tìm thấy bất kỳ động lực nào từ việc đồng USD suy yếu hay lợi suất trái phiếu thấp hơn.
Giá vàng hôm nay 3/8:
Giá vàng đang ở chế độ tạm dừng do sự tập trung của các nhà đầu tư chuyển sang báo cáo số liệu việc làm quan trọng của Mỹ sẽ được công bố vào cuối tuần này. (Nguồn: Forbes)

Cập nhật giá vàng hôm nay

Theo ghi nhận của TG&VN, chốt phiên giao dịch ngày 2/8 Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 56,50 - 57,20 triệu đồng/lượng, không đổi so với phiên giao dịch sáng cùng ngày. Chênh lệch giá bán đang cao hơn giá mua 700.000 đồng/lượng.

Tại Hà Nội, thương hiệu Bảo tín Minh Châu không thay đổi giá vàng trên bảng điện tử trong nhiều ngày nay. Hiện giá vàng SJC vẫn niêm yết giữ nguyên tại: 56,90 - 57,52. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long ít biến động, giao dịch tại 51,51 - 52,21 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 50,75 - 51,85 triệu đồng/lượng.

Trên thế giới, đến 21h ngày 2/8, giá vàng thế giới trên sàn giao dịch điện tử Kitco hiện niêm yết tại 1.808,9 - 1.809,9, giảm 4,8 USD so với phiên giao dịch liền kề.

Giá vàng giảm vào ngày thứ Hai đầu tuần do sự tập trung của các nhà đầu tư chuyển sang báo cáo số liệu việc làm quan trọng của Mỹ sẽ được công bố vào cuối tuần này, để đánh giá sức khỏe của thị trường lao động của quốc gia này trong tháng 7/2021.

Carlo Alberto De Casa, nhà phân tích thị trường tại Kinesis cho biết: “Vàng vẫn đang gặp một số khó khăn để vượt qua ngưỡng kháng cự 1.820 USD/ounce và 1.835 USD/ounce".

Theo ông Carlo Alberto De Casa, trong trường hợp báo cáo bảng lương phi nông nghiệp (NFP) tháng 7 của Mỹ mạnh hơn dự kiến, các nhà đầu tư có thể đưa ra quan điểm rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ buộc phải thực hiện các biện pháp kích thích sớm hơn dự báo trước đó.

Bên cạnh đó, tâm lý trên các thị trường tài chính vẫn lạc quan. Chứng khoán châu Âu đạt mức đỉnh mới và được thúc đẩy bởi hoạt động giao dịch và kết quả mạnh mẽ từ ngân hàng lớn nhất châu Âu - HSBC. Thị trường chứng khoán mạnh mẽ cũng làm giảm sức hấp dẫn của vàng.

Còn theo chuyên gia tâm lý thị trường Matt Simpson: "Xu hướng tăng của vàng vẫn chưa kết thúc. Hiện tại, vàng đang ở chế độ tạm dừng".

Điều gì quyết định giá vàng?

Tuần qua, Chủ tịch Fed cho biết, Mỹ vẫn chưa đạt được những phục hồi kinh tế đáng kể, nhất là ở thị trường lao động, để tiến tới siết chặt chính sách tiền tệ.

Điều này đồng nghĩa với việc Fed sẽ chưa vội tăng lãi suất, kể cả thu hẹp và tiến tới chấm dứt chương trình nới lỏng định lượng (QE), nhất là khi biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2 đang hoành hành ở nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả ở Mỹ, dù tỷ lệ tiêm vaccine ở quốc gia này đã lên tới gần 50% dân số.

Quan điểm chính sách tiền tệ của Fed đã tác động tích cực đến giá vàng, giúp kim loại quý này leo lên mức 1.832USD/ounce.

Trên thực tế, quý II/2021, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái, dù cao hơn mức tăng 6,3% trong quý I/2021, nhưng lại thấp hơn nhiều mức dự kiến là 8,5%.

Số liệu này cho thấy, kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục tăng trưởng, góp phần xoa dịu nỗi lo của nhiều chuyên gia, nhà đầu tư về nguy cơ lạm phát đang ngày càng gia tăng của Mỹ.

Với triển vọng như hiện nay, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và một số tổ chức quốc tế khác dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng khoảng 7% trong năm nay.

Bình luận trong tuần trước của Chủ tịch Fed cho thấy, thị trường lao động đang đóng vai trò rất lớn trong đà phục hồi của kinh tế Mỹ. Bởi vậy, số liệu việc làm của Mỹ được công bố trong tuần này sẽ thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư, bao gồm số liệu NFP, tỷ lệ thất nghiệp, trợ cấp thất nghiệp...

Theo dự báo của giới chuyên gia, số liệu NFP của Mỹ sẽ đạt khoảng 900.000 việc làm trong tháng 7/2021; tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 5,7%; trợ cấp thất nghiệp hàng tuần giảm xuống còn khoảng 380.000.

Với những số liệu kinh tế Mỹ được công bố thời gian qua khá tích cực, nhiều khả năng các số liệu việc làm của Mỹ cũng theo chiều hướng tích cực. Theo đó, nếu các số liệu này đạt đúng kỳ vọng, giá vàng có thể mất mốc 1.800 USD/ounce.

Nhà phân tích kỹ thuật Wang Tao của trang Reuters cho hay, giá vàng có thể quay trở lại mức thấp nhất kể từ ngày 23/7 là 1.789,9 USD/ounce, nếu kim loại quý không thể phá vỡ ngưỡng kháng cự ở mức 1.832,8 USD/ounce.

Nhu cầu đầu tư vàng đã giảm 10%

Theo nghiên cứu mới nhất của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), nhu cầu đầu tư vàng tăng lên trong quý II/2021, nhưng vẫn không đủ để bù đắp sự suy yếu đã thấy vào đầu năm.

Trong báo cáo Xu hướng Nhu cầu Vàng hàng quý, WGC cho biết, nhu cầu vàng toàn cầu trong quý II/2021 đạt 955,1 tấn, hầu như không thay đổi so với quý II/2020. Tuy nhiên, báo cáo lưu ý, do khởi đầu năm đáng thất vọng, tổng nhu cầu đầu tư vàng vẫn giảm 10% trong nửa đầu năm nay

Trong đó, nhu cầu đầu tư vàng, bao gồm vàng thỏi, đồng xu vàng, và quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng đạt 455,9 tấn, giảm 60% so với cùng kỳ 2020, thời kỳ mà lượng vốn rót vào các ETF vàng đạt mức kỷ lục.

Sự suy giảm nhu cầu đầu tư vàng diễn ra song song với đà lao dốc của giá vàng trong nửa đầu năm 2021. Trong 6 tháng, giá vàng đã sụt 6,6%.

WGC cho hay, các ETF vàng đã bán ròng 129,3 tấn vàng trong kỳ báo cáo, trái ngược với lượng mua ròng lớn chưa từng thấy 731,2 tấn cùng kỳ năm 2020.

Mặc dù nhu cầu đầu tư vàng giảm mạnh trong nửa đầu năm, ông Juan Carlos Artigas, trưởng bộ phận nghiên cứu của WGC nhận định, các nhà đầu tư cần nhìn vào bức tranh rộng hơn.

Ông Juan Carlos Artigas nhấn mạnh: "Việc vàng bị bán tháo thời gian qua giống như một sự điều chỉnh chiến thuật so với dòng tiền kỷ lục của năm ngoái. Các ngân hàng trung ương đã mua ròng vàng trong nửa đầu năm, nhưng lượng mua ròng này không bù lại được mức bán ròng của các ETF vàng. Dù vậy, nhìn chung, vàng vẫn là lĩnh vực đầu tư tích cực".