Giá vàng hôm nay 6/7: Trong nước neo cao, lo lạm phát, các ngân hàng trung ương 'lũ lượt' gom vàng

Kỳ Văn
Giá vàng thế giới hôm nay nhích nhẹ, trong khi vàng SJC trong nước vẫn neo ở mức trên 57 triệu đồng/lượng, cao hơn thế giới khoảng 7,48 triệu đồng/lượng.
Giá vàng hôm nay 6/7
Giá vàng thế giới hôm nay đã bật tăng nhẹ, giao dịch sát mốc 1.800 USD/ounce. (Nguồn: Getty Images)

Cập nhật giá vàng hôm nay

Theo ghi nhận của TG&VN, giá vàng thế giới hôm nay trên sàn giao dịch điện tử Kitco ở mức 1.790,4 - 1.791,4 USD/ounce, tăng 3,1 USD/ounce so với phiên liền trước.

Trong nước, Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại 56,75 - 57,35 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 100.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước. Chênh lệch giá bán vàng hiện đang cao hơn giá mua 600.000 đồng/lượng.

Tại Hà Nội, hệ thống Bảo tín Minh Châu cũng điều chỉnh tăng giá vàng SJC, hiện niêm yết tại 56,70 - 57,14 triệu đồng/lượng. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long cũng điều chỉnh tăng lên 51,35 - 51,98 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 50,65 - 51,75 triệu đồng/lượng.

So với giá vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá USD, giá vàng miếng SJC đang cao hơn khoảng 7,48 triệu đồng/lượng.

Theo Reuters, chỉ số USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền đối thủ trong rổ tiền tệ, giảm 0,27% xuống 92,168. Đồng USD yếu giúp vàng trở nên rẻ hơn đối với người mua bằng ngoại tệ khác.

Tháng 6/2021, các công ty Mỹ đã tuyển dụng nhiều nhân viên nhất trong 10 tháng trở lại đây, tăng lương và hỗ trợ hàng triệu người Mỹ thất nghiệp.

Báo cáo việc làm tốt hơn dự kiến của Mỹ khiến giới đầu tư tập trung vào dữ liệu kinh tế và bước tiếp theo của Fed, vì thị trường đón nhận một tín hiệu nữa về sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế.

"Thị trường đang quay trở lại mô hình mua vàng truyền thống vào giữa tháng 7 khi mùa cưới đang diễn ra. Mọi người có xu hướng tăng mua. Giao dịch theo chu kỳ đang quay trở lại thị trường".

Sean Lusk, đồng giám đốc của Walsh Trading

Tâm điểm chú ý của giới đầu tư trong tuần này là biên bản cuộc họp tháng 6 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến được công bố vào thứ tư. Theo đó, bất kỳ một sự khác biệt nào trong biên bản này so với những gì các quan chức Fed đã tuyên bố đều có thể khiến thị trường tài chính biến động mạnh.

Cách đây nửa tháng, Fed cho biết, có thể sẽ có hai đợt tăng lãi suất trước khi kết thúc năm 2023, sớm hơn một năm so với dự kiến trước đó. Sau tuyên bố này vàng đã lao dốc mạnh.

Tuy nhiên hiện giới đầu tư vẫn còn tranh cãi về việc liệu Fed có khả năng tăng lãi suất sớm hay không khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, biến thể Delta khiến một số quốc gia ở châu Á và châu Âu tạm dừng kế hoạch mở cửa kinh tế trở lại.

Ngân hàng trung ương tiếp tục "nhảy" vào thị trường vàng

Các ngân hàng trung ương từ Serbia đến Thái Lan đã tăng cường nắm giữ vàng. Ghana gần đây cũng đã công bố kế hoạch mua kim loại quý. Điều này xảy ra khi mối đe dọa về lạm phát tăng nhanh và sự phục hồi của thương mại toàn cầu cung cấp động lực để mua vàng, nhằm đa dạng hóa danh sách đầu tư.

Ngân hàng Ghana (BoG) đang thực hiện chương trình mua vàng, trong đó, tích cực mua vàng sản xuất trong nước. Phó Tổng thống Ghana Bawumia cho biết, lợi ích của việc có một lượng vàng vật chất trong kho dự trữ của một quốc gia là rất cần thiết, bao gồm cả việc nâng cao giá trị của đồng nội tệ.

Ông Bawumia chỉ ra, quyết định của BoG đã "thay đổi cuộc chơi".

Thái Lan là quốc gia mua nhiều vàng nhất. Nước này đã mua thêm 46,7 tấn vàng trong tháng 5/2021 và chiếm 82% tổng lượng mua ròng trong tháng.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tăng dự trữ vàng thêm 8,6 tấn trong tháng 5, nâng mức dự trữ chính thức của khu vực lên 415 tấn vàng.

Brazil đã tăng dự trữ vàng thêm 11,9 tấn, lần bổ sung đầu tiên kể từ tháng 11/2012. Dự trữ vàng hiện ở mức 79,3 tấn, mức cao nhất kể từ tháng 11/2000.

Trong khi đó, Kazakhstan mua thêm 5,3 tấn, Ba Lan 1,9 tấn và Ấn Độ 0,9 tấn vàng trong tháng 5/2021.

Ngân hàng Quốc gia Serbia cho biết, về lâu dài, vàng là tài sản an toàn nhất để tránh lạm phát và các hình thức rủi ro tài chính khác.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic gần đây đã thông báo, ngân hàng trung ương có ý định tăng lượng kim loại quý nắm giữ từ 36,3 tấn lên 50 tấn.

Theo James Steel, chuyên gia phân tích kim loại quý của Ngân hàng đầu tư HSBC: "Nếu một ngân hàng trung ương đang tìm cách đa dạng hóa tài sản, vàng là một mặt hàng thích hợp".

Theo dữ liệu mới nhất từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), sau khi mức mua ròng hàng tháng cao hơn trong tháng 3,4/2021, xu hướng này tiếp tục vào tháng 5. Tổng lượng mua ròng của các ngân hàng trung ương đạt 56,7 tấn trong tháng, giảm 11% so với tháng trước nhưng cao hơn 43% so với mức trung bình hàng tháng so với đầu năm nay.