Giá vàng được dự báo sẽ còn tiến xa hơn khi các dữ liệu cập nhật bi quan hơn nhiều so với kỳ vọng. (Nguồn: Bloomberg) |
Biến động giá vàng hôm nay 6/9
Giá vàng thế giới đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của tuần trước ở 1.827 USD/ounce, sau khi tăng vọt gần 20 USD/ounce, trong bối cảnh dữ liệu được mong đợi nhất về số lượng việc làm mới trong tháng 8/2021 của Mỹ kém lạc quan hơn rất nhiều so với kỳ vọng. So với cuối tuần trước, giá vàng thế giới đóng cửa phiên tuần này đã tăng 10 USD/ounce.
Công bố của Bộ Lao động Mỹ cho thấy, nước này chỉ có thêm 235.000 việc làm mới trong tháng 8, trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh trở lại. Như vậy, số lượng việc làm thực tế của tháng 8, thấp nhất trong 7 tháng và thấp hơn rất nhiều so với con số kỳ vọng là 720.000 việc làm mới.
Số liệu việc làm mới không khỏi khiến nhiều người hoài nghi về tốc độ phục hồi của thị trường việc làm Mỹ, rộng hơn là nền kinh tế lớn nhất thế giới trong đại dịch Covid-19 và đặc biệt khi biến chủng Delta vẫn đang lây lan mạnh, đe doạ nỗ lực đưa cuộc sống trở lại bình thường mới của nhiều quốc gia.
Ảnh hưởng sâu sắc nhất của Báo cáo trên là khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải giữ các kế hoạch tài chính hiện tại và trì hoãn kế hoạch giảm dần nguồn cung tiền trị giá 120 tỷ USD/tháng đến hết năm nay, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế Mỹ sớm hồi phục do tác động của đại dịch. Những yếu tố này sẽ có tác động cực kỳ tích cực đến tài sản trú ẩn an toàn như vàng vì nhiều lý do, trong đó, các dữ liệu cập nhật bi quan hơn nhiều so với kỳ vọng đã khiến giới đầu tư buộc phải tính đến vàng trong giỏ "trứng của mình".
Trong khi đó, vẫn như nhiều ngày nay, giá vàng trong nước gần như không thay đổi tại các hệ thống kinh doanh trên cả nước. So với cuối tuần trước, giá vàng SJC tăng thêm khoảng 100.000 - 300.000 đồng/lượng. Trong đó, biên độ chênh lệch giá mua và bán vẫn được các doanh nghiệp kinh doanh giữ ở mức rất cao từ trên 900.000, khiến giới đầu tư nhỏ lẻ dè dặt tham gia thị trường vì độ rủi ro rất cao.
Vẫn tiếp tục trong giai đoạn giãn cách xã hội phòng dịch Covid-19, giá vàng SJC cũng vì thế mà ít biến động so với so với giá vàng thế giới, vẫn giữ khoảng cách khá xa khoảng hơn 7 triệu đồng/lượng. Dưới đây là mức giá niêm yết cập nhật tại các thương hiệu vàng lớn trong cả nước, tại phiên đóng cửa cuối tuần trước.
Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC lần lượt tại 56,65 - 57,37 triệu đồng/lượng và 57,35 triệu đồng/lượngtại hai chi nhánh Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 56,50 - 57,50 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 56,70 - 57,70 triệu đồng/lượng.
Hệ thống PNJ niêm yết tại: 56,50 - 57,50 triệu đồng/lượng.
Tại Hà Nội, bảng giao dịch điện tử của Bảo tín Minh Châu vẫn tiếp tục đứng giá từ nhiều ngày nay. Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu vẫn được niêm yết tại: 56,90 - 57,52. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long ít biến động, giao dịch tại 51,51 - 52,21 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 50,75 - 51,85 triệu đồng/lượng.
Thay đổi "cuộc chơi", giá vàng thế giới sẽ vững vàng trên 1.800 USD?
Cả giới phân tích và nhà đầu tư đều tin, giá vàng sẽ tiếp tục đi lên, thậm chí bắt đầu một đợt tăng giá mới hướng đến vùng 1.900 USD/oune, theo khảo sát của Kitco News về xu hướng giá tuần tới. Trong đó, kết quả Báo cáo việc làm tháng 8 vừa được công bố cuối tuần trước sẽ là vấn đề đáng quan tâm mà Fed sẽ phải tính đến trong chính sách tiền tệ trong thời gian tới.
Báo cáo việc làm tháng 8 được Bộ Lao động Mỹ công bố được cho là một sự kiện làm thay đổi cuộc chơi. Nó cho thấy rõ ràng rằng sự phục hồi kinh tế, vốn từng rất mạnh mẽ, đã lùi lại ít nhất một hoặc hai bước. Yếu tố ảnh hưởng trực tiếp là do sự xuất hiện của biến thể Delta, biến thể có khả năng truyền bệnh mạnh hơn hiện đã bao phủ toàn cầu, ảnh hưởng đến hàng triệu triệu cuộc sống.
Trước ngày 3/9, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã phát đi tín hiệu rằng, Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ sử dụng số liệu việc làm tháng 8 như chỉ báo quan trọng để tính toán về việc liệu có nên kết thúc các biện pháp hỗ trợ thanh khoản cho thị trường. Và rồi, trong cuộc họp báo ngày công bố tình hình việc làm của nước Mỹ (3/9), ông khẳng định, số liệu việc làm tháng 8 xấu đi có nguyên nhân trực tiếp từ sự lây lan của biến chủng Delta , dù tốc độ tạo việc làm vẫn cho thấy sự tăng trưởng.
Trưởng bộ phận đầu tư tại quỹ Wolfpack Capital, Jeff Wright, nhận định tâm lý thất vọng với số liệu việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp không nên được đánh giá thấp và nó sẽ khiến cho Fed có thêm lý do để tạm lùi lại kế hoạch thu hẹp chương trình mua tài sản. Theo chuyên gia Wright, giá vàng trong phiên cuối tuần trước tăng vọt bởi kỳ vọng này. Ông tin giá vàng đã có được yếu tố hỗ trợ quan trọng ở ngưỡng trên 1.800 USD/ounce và sẽ vững vàng trên mức này.
Diễn biến của giá vàng gần đây liên quan chặt chẽ đến thay đổi về tỷ giá đồng USD, cũng như lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ. Sau khi báo cáo thị trường việc làm Mỹ được công bố, USD giảm giá. Trưởng bộ phận phân tích tại AvaTrade, Naeem Aslam, phân tích dữ liệu mới nhất về thị trường việc làm quá thấp so với kỳ vọng, cho thấy thị trường việc làm Mỹ còn lâu mới hồi phục hoàn toàn từ khủng hoảng.
Gary Wagner, Chuyên gia phân tích kim loại quý hàng đầu của của Kitco chia sẻ, ngay khi chúng tôi nghĩ rằng, nền kinh tế đã tới cuối đường hầm và chuẩn bị tiến tới một sự bình thường mới sau đại dịch, biến chủng Delta đã làm thay đổi đáng kể mọi thứ. Hiện tại, Mỹ lại có hơn 150.000 ca nhiễm mới mỗi ngày và các quốc gia khác cũng đang có tỷ lệ lây nhiễm gia tăng đáng kể. Bệnh viện lại đang hoạt động hết công suất, Covid-19 một lần nữa dập tắt sự lạc quan vừa le lói. Vì "chúng tôi đã tin, vượt qua được cuộc khủng hoảng này, nhưng hiện lại nhận ra rằng, nó sẽ tồn tại lâu hơn chúng tôi dự đoán", Gary Wagner chia sẻ.
Sự mất mát về nhân mạng và những khó khăn của các cá nhân trên toàn thế giới thực sự khiến người ta nản lòng. Giúp giảm thiểu bất kỳ tác động kinh tế nào là điều mà Fed đang tập trung giải quyết. Và cách duy nhất mà Fed có thể giúp chấm dứt sự đau khổ là đảm bảo sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ.
Trong khi đó, Phillip Streible, Chiến lược gia trưởng tại Blue Line Futures nhận định, giảm phát hoặc tái cơ cấu, hoặc lạm phát đình trệ (là kịch bản tiêu cực nhất - hiện tượng kinh tế được đánh dấu bởi tăng trưởng thấp và tỷ lệ lạm phát cao), sẽ là "chủ đề kinh tế" sẽ bắt đầu vào tháng 9. Dựa trên việc thiếu hụt việc làm quá lớn (235.000 so với 723.000 dự kiến), rõ ràng là lạm phát đình trệ đang bắt đầu ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Kết quả của tăng trưởng chậm hơn và lạm phát "dính" sẽ gây áp lực mới khiến Fed phải mạnh tay hơn nữa. Sự thiếu hụt tới 11 triệu việc làm để đưa bức tranh việc làm trở lại thời kỳ trước đại dịch đang giống như một mục tiêu không thể đạt được, mà không thể giải thích rõ ràng trong thực tế. Và lời khuyên đối với các nhà đầu tư là nên cân nhắc bảo vệ lợi nhuận tại các điểm dừng của thị trường, để thử và tận dụng tối đa các cơ hội đột phá.
Số liệu kinh tế quan trọng tiếp theo cần chú ý chính là chỉ số giá sản xuất của tháng 8 dự kiến được công bố ngày thứ Sáu tuần sau (ngày 11/9).