Giá vàng hôm nay 8/12: Giá vàng sẽ khởi sắc vào năm 2023? Vị thế đã thay đổi, lý do đà tăng bị 'dập tắt'

Admin
Giá vàng hôm nay 8/12 ghi nhận thị trường thế giới biến động nhẹ giữa bối cảnh các nhà đầu tư chờ kết quả cuộc họp của Fed. Nhà phân tích Edward Moya tại OANDA nhận định, giá vàng sẽ vẫn ở mức dưới 1.800 USD/ounce và có thể tiến về gần mức 1.760 USD/ounce.

Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 8/12

Giá vàng thế giới tăng nhẹ giữa bối cảnh các nhà đầu tư chờ kết quả cuộc họp trong tuần tới của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) để đánh giá về lập trường chính sách tiền tệ của ngân hàng này.

Ghi nhận của TG&VN lúc 19h ngày 7/12, giá vàng thế giới trên sàn giao dịch Kitco ở mức 1.744,4 - 1.775,4 USD, tăng 3,2 USD so với phiên giao dịch liền trước.

Tại thị trường châu Á, giá vàng ít biến động trong phiên 7/12. Giá vàng giao ngay ít biến động, đứng ở mức 1.772 USD/ounce vào lúc 13 giờ 50 phút (theo giờ Việt Nam). Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,1%, lên 1.783,9 USD/ounce.

Chỉ số USD ổn định, sau khi tăng 0,3% so với phiên trước. Đồng USD mạnh khiến vàng giảm sức hấp dẫn với người mua vàng bằng các đồng tiền khác.

Giá vàng hôm nay 8/12: Giá vàng (Nguồn: Kitco News)
Giá vàng hôm nay 8/12: Giá vàng sẽ khởi sắc vào năm 2023? Vị thế đã thay đổi, lý do đà tăng bị 'dập tắt' (Nguồn: Kitco News)

Tổng hợp giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên ngày 7/12:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 66,10 – 67,92 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 66,10 – 66,80 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 66,20 – 66,90 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 66,10 – 66,90 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 66,22 – 66,89 triệu đồng/lượng; thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 52,91 – 53,76 triệu đồng/lượng; giá vàng trang sức giao dịch tại 52,50 – 53,60 triệu đồng/lượng.

Giá vàng sẽ vẫn ở mức dưới 1.800 USD/ounce?

Theo Giám đốc công ty tư vấn doanh nghiệp AirGuide Michael Langford, giá vàng có xu hướng giảm trong một số phiên giao dịch tới, trước khi diễn ra cuộc họp của Fed. Hiện có 91% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất 50 điểm cơ bản tại cuộc họp sắp tới.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 của Mỹ sẽ được công bố vào ngày 13/12 và cuộc họp cuối cùng của Fed dự kiến diễn ra trong hai ngày 13-14/12.

Lãi suất tăng sẽ gây ảnh hưởng đến vị thế truyền thống của vàng là tài sản dự phòng trước lạm phát và những yếu tố không chắc chắn khác trong năm nay, khiến chi phí cơ hội cho việc nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng tăng.

Nhà phân tích Edward Moya tại OANDA thì cho rằng, giá vàng sẽ vẫn ở mức dưới 1.800 USD/ounce và có thể tiến về gần mức 1.760 USD/ounce.

Theo ING - ngân hàng và dịch vụ tài chính đa quốc gia Hà Lan, vàng vẫn có nguy cơ giảm xuống thấp hơn và từ bỏ mức tăng gần đây, nhưng triển vọng dài hạn sẽ tốt hơn khi Fed chuyển từ thắt chặt sang nới lỏng chính sách tiền tệ vào năm tới.

Chiến lược gia hàng hóa của ING Ewa Manthey nhận định, kim loại quý đã chứng kiến ​​mức tăng đột biến trong tháng 11 và đầu tháng 12, nhưng khả năng cao sẽ bị dập tắt do Fed vẫn đang tăng lãi suất.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh: “Chúng tôi nhận thấy vàng sẽ tiếp tục xu hướng giảm trong chu kỳ thắt chặt liên tục của Fed. Tuy nhiên, nhìn sang năm tới, mọi thứ bắt đầu thay đổi đối với kim loại quý.

Fed sẽ chỉ sẵn sàng chuyển đổi chiến thuật khi lạm phát bắt đầu hạ nhiệt. Điều này có thể sẽ xảy ra vào năm tới. Chúng ta sẽ thấy lạm phát giảm khá mạnh vào năm 2023 và điều này sau đó sẽ mở ra cơ hội cho Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất trong nửa cuối năm 2023".

Khi Fed bắt đầu nới lỏng chính sách vào nửa cuối năm 2023, giá vàng sẽ tăng và duy trì mức tăng vững chắc. ING nhận thấy, vàng sẽ tăng lên 1.850 USD/ounce trong quý IV năm sau.

ING cho biết thêm, kỷ lục mua vàng từ các ngân hàng trung ương, một trong số ít động lực giúp vàng tăng giá trong năm nay, sẽ tiếp tục hỗ trợ giá vào năm 2023.

Chiến lược gia Ewa Manthey nhận định: "Trong thời kỳ bất ổn về kinh tế và địa chính trị cũng như lạm phát cao, các ngân hàng thường sử dụng vàng như một phương tiện lưu trữ giá trị.

Dữ liệu mới nhất từ ​​Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho thấy, các ngân hàng trung ương đã mua 399 tấn trong quý III/2022, tăng 341 % so với cùng kỳ năm ngoái và cũng là mức kỷ lục hàng quý… Tốc độ mà các ngân hàng trung ương tích lũy dự trữ vàng trong năm nay chưa từng thấy kể từ năm 1967.

Với tình hình hiện tại có thể sẽ tiếp diễn, các ngân hàng trung ương có thể sẽ tiếp tục bổ sung lượng vàng nắm giữ trong những tháng tới"