Google, Amazon, Facebook sẽ... hết cửa né nộp thuế?

Kỳ Văn
Các doanh nghiệp công nghệ ở nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam sẽ phải kê khai, đóng thuế. Nếu không, người mua hàng hóa sẽ phải nộp thuế thay cho nhà cung cấp.

Bộ Tài chính đang dự thảo thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế.

Tại dự thảo, bộ Tài Chính đề xuất quy định mới về quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số.

Bộ Tài chính cho biết, Khoản 4 Điều 42 Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định: “4. Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.”

Do đối tượng này là đối tượng mới, đặc thù, phức tạp nên để hướng dẫn quy định tại điều này, dự thảo Thông tư dự kiến quy định về quản lý thuế đối với nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số tại Việt Nam và quản lý thuế đối với cá nhân kinh doanh nhận được thu nhập từ nhà cung cấp ở nước ngoài đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số như sau:

Nhà cung cấp ở nước ngoài thực hiện đăng ký giao dịch thuế điện tử cùng với đăng ký thuế thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, đảm bảo đáp ứng các điều kiện sau: Có khả năng truy cập và sử dụng mạng Internet; có địa chỉ thư điện tử để giao dịch với cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

Nhà cung cấp ở nước ngoài được đăng ký nhiều tài khoản ngân hàng để thực hiện nộp thuế điện tử, đăng ký một địa chỉ thư điện tử chính thức để nhận tất cả các thông báo trong quá trình thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

Sau khi thực hiện thành công thủ tục đăng ký thuế lần đầu, Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế gửi thông tin về tên đăng nhập và mật khẩu truy cập của tài khoản giao dịch điện tử vào thư điện tử của người nộp thuế để thực hiện khai thuế, nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Mã số thuế 10 số được cấp cho nhà cung cấp ở nước ngoài. Mã số thuế nộp thay 10 số được cấp tổ chức, đại lý thuế hoạt động theo pháp luật Việt Nam được ủy quyền hoặc ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chuyển tiền cho nhà cung cấp ở nước ngoài.

Về nộp thuế trực tiếp của nhà cung cấp ở nước ngoài, dự thảo nêu rõ, đối với nhà cung cấp ở nước ngoài, sau khi nhận được mã định danh khoản phải nộp do cơ quan thuế quản lý trực tiếp thông báo, nhà cung cấp ở nước ngoài sử dụng tài khoản ngân hàng đã đăng ký với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để thực hiện nộp thuế bằng đồng ngoại tệ hoặc bằng đồng Việt Nam vào tài khoản thu ngân sách nhà nước theo hướng dẫn tại Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, trong đó đảm bảo ghi đúng mã định danh khoản phải nộp ngân sách do cơ quan thuế quản lý trực tiếp gửi.

Trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài nộp thừa so với số thuế phải nộp theo tờ khai thì nhà cung cấp ở nước ngoài được bù trừ tự động với số thuế phải nộp ở kỳ kê khai, nộp thuế tiếp theo.

Ngoài ra, dự thảo còn quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân ở Việt Nam có liên quan trong trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài không thực hiện đăng ký, khai thuế, nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Cụ thể, trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài không thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định thì các tổ chức, cá nhân ở Việt Nam có liên quan có trách nhiệm sau:

Thứ nhất, tổ chức có đăng ký kinh doanh và hoạt động theo pháp luật Việt Nam mua hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp ở nước ngoài thì người mua có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ và nộp thuế thay cho nhà cung cấp ở nước ngoài số thuế phải nộp theo quy định.

Trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài đã thực hiện kê khai nộp thuế tại Việt Nam đối với các khoản doanh thu, thu nhập phát sinh khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho tổ chức tại Việt Nam thì nhà cung cấp nước ngoài phải thông báo cho tổ chức tại Việt Nam có mua hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp nước ngoài để tổ chức có mua hàng hóa, dịch vụ không thực hiện khấu trừ nộp thay số thuế phải nộp cho nhà cung cấp ở nước ngoài.

Thứ hai, cá nhân có mua hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp ở nước ngoài thì ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay theo quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 30 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.

Thứ ba, tổng cục Thuế phối hợp với cơ quan có liên quan xác định, công bố tên, địa chỉ website của nhà cung cấp ở nước ngoài chưa thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế mà người mua hàng hóa, dịch vụ có thực hiện giao dịch.

Trên cơ sở đó, Tổng cục Thuế thông báo tên, địa chỉ website của nhà cung cấp ở nước ngoài cho ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để các đơn vị này xác định tài khoản giao dịch của nhà cung cấp ở nước ngoài và thực hiện khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế đối với các giao dịch của người mua là cá nhân ở Việt Nam thanh toán cho tài khoản giao dịch của nhà cung cấp ở nước ngoài.

Thứ tư, trường hợp cá nhân có mua hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp nước ngoài có thanh toán bằng thẻ hoặc các hình thức khác mà ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không thể thực hiện khấu trừ, nộp thay thì ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có trách nhiệm theo dõi số tiền chuyển cho các nhà cung cấp ở nước ngoài và định kỳ ngày thứ 10 (mười) hàng tháng gửi về Tổng cục Thuế theo mẫu số ban hành kèm theo Thông tư này.

Thứ năm, hàng tháng ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có trách nhiệm kê khai, nộp vào ngân sách nhà nước số tiền đã khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của nhà cung cấp ở nước ngoài theo mẫu.

Theo báo cáo của Google, Temasek và Brain & Company về kinh tế số Đông Nam Á 2020, ngành truyền thông trực tuyến tại Việt Nam đạt giá trị 3,3 tỷ USD, tăng 18% so với 2019. Số liệu từ bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho thấy, hoạt động quảng cáo trực tuyến chiếm tỷ trọng lớn trong tổng đầu tư quảng cáo tại Việt Nam.

Trong đó, 2 nền tảng được các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân lựa chọn quảng cáo trực tuyến nhiều nhất là Google và Facebook, chiếm khoảng 70% doanh thu thị trường quảng cáo trực tuyến.

Từng trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV diễn ra cuối năm 2020, Bộ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh các nền tảng xuyên biên giới buộc phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. Cùng với bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Facebook, YouTube… đóng thuế và kiểm soát dòng tiền thanh toán.

“Hiện nay, Google, Amazon, Facebook và Apple phát sinh doanh thu tại Việt Nam là hàng tỉ USD nhưng chưa đóng thuế” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.