Hà Nội: BQL chợ Vồi có dấu hiệu chèn ép tiểu thương, “ôm” ki ốt để ăn chênh lệch?

Admin
Sau gần 20 năm "bám rễ" mưu sinh tại chợ Vồi (xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, Hà Nội) gần đây, các tiểu thương phản ứng với chủ trương cải tạo, nâng cấp kiot bãi Tây Nam do có nhiều điểm khuất tất.

Chuyên trang Tầm Nhìn báo Tri thức và Cuộc sống mới đây nhận được đơn kêu cứu của tiểu thương chợ Vồi, xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, Hà Nội.

Trong đơn kêu cứu các tiểu thương cho biết, vào tháng 3/2021, 100% hộ kinh doanh không đồng ý với nội dung cuộc họp về việc sửa chữa, cải tạo kiot bãi Tây Nam, chợ Vồi. Vì vậy tiểu thương đã không ký vào biên bản.

Hà Nội: BQL chợ Vồi có dấu hiệu chèn ép tiểu thương, “ôm” ki ốt để ăn chênh lệch?
Dãy kiot bãi Tây Nam ban quản lý chợ Vồi mới hoàn thành.

Tuy vậy, Ban quản lý chợ (BQL) lại yêu cầu, trường hợp tiểu thương không đồng ý, không chuyển hàng hoá đi khỏi các kiot sẽ bị cưỡng chế và tịch thu toàn bộ hàng hoá. Trường hợp tiểu thương đồng tình với nội dung cuộc họp sẽ được BQL tiếp tục cho thuê kiot để buôn bán.

Mập mờ” chia nhỏ 14 kiot thành 30

Các tiểu thương cho biết, việc cải tạo, nâng cấp kiot diễn ra từ tháng 3 đến tháng 4/2021 thì hoàn thành. Điều đáng nói, sau khi sửa chữa, cải tạo BQL tự ý chia nhỏ 14 gian kiot lớn thành 30 gian nhỏ. Đồng thời, thay vì được trở lại vị trí kiot cũ như trước đây, các tiểu thương lại bị ngăn đôi gian hàng và chuyển sang những vị trí khác mà không được thông báo hay bốc thăm công khai. Chưa kể, vị trí kiot khác có diện tích nhỏ hơn, lối vào nhỏ hẹp khiến xe ô tô chở hàng trước đây không thể di chuyển. Việc buôn bán của các tiểu thương vì thế cũng bị gián đoạn, thậm chí phải ngừng kinh doanh.

Hà Nội: BQL chợ Vồi có dấu hiệu chèn ép tiểu thương, “ôm” ki ốt để ăn chênh lệch?
Các tiểu thương được bố trí vào kiot phí trong khiến việc kinh doanh gặp khó khăn.

Theo cô Vương Thị Vân, tiểu thương chợ Vồi: “Trước khi cải tạo, BQL chợ có gọi đại diện tiểu thương lên làm việc và hứa chỉ cải tạo nâng cấp các kiot lên cho đẹp, sẽ giữ nguyên gian hàng và chủ thuê. Nhưng khi sửa chữa xong, BQL tự động ngăn đôi, chia nhỏ gian hàng của tiểu thương, phân cho tiểu thương những kiot xe không vào được, khiến tôi cũng như nhiều hộ khác không thể bán được hàng, vì lối vào quá nhỏ”.

Cùng ý kiến với cô Vân, anh Ngô Đại Phú tiểu thương chợ Vồi bức xúc: “gian hàng quá nhỏ, chỉ bằng 1/2 kiot trước đây khiến xe chở hàng không vào được. Hơn 1 năm nay, chúng tôi không làm ăn gì được. Tiền thuê kiot thì BQL vẫn thu đủ”.

Cũng theo anh Phú: “từ năm 2003 đến năm 2021, anh và các tiểu thương đã 4 lần bỏ tiền ra tôn tạo vị trí kiot nơi mình buôn bán. BQL thời trước họ đứng lên dựng lại cho các tiểu thương, vị trí nào, của tiểu thương ra sao, sau khi làm xong vẫn giữ nguyên. Việc sửa chữa hết bao nhiêu tiểu thương chịu toàn bộ chi phí. Trong khi lần này, các gian hàng bọn anh dựng 4 năm khung sắt còn tốt nhưng BQL dỡ ra mà không được sự thống nhất của các tiểu thương”.

“Nếu đây là tài sản công thì phải công khai nhưng lại được giao kín, phải chăng có điều gì khuất tất?”, anh Phú nói thêm.

Chị Lan, một tiểu thương khác cũng bất bình với cách chia gian hàng của BQL chợ Vồi: “Trước đây có 15 gian hàng, chia cho 14 hộ, trong 15 gian hàng này có 1 gian hàng BQL nói sẽ giải toả đi lấy lối đi lại nhưng sau khi hoàn thành họ vẫn giữ lại và làm thành 30 gian nhỏ. Cải tạo xong chúng tôi được bố trí vào các gian hàng bên trong, còn bên ngoài thì họ cho người khác thuê không công khai”.

“Khi biết được các gian hàng bị chia nhỏ, chúng tôi đã làm đơn xin thuê 2 mặt để thuận tiện cho kinh doanh nhưng không được. BQL cho hay, đó là những gian hàng “ngoại giao”, chị Lan cho biết thêm.

Hà Nội: BQL chợ Vồi có dấu hiệu chèn ép tiểu thương, “ôm” ki ốt để ăn chênh lệch?
Dẫy kiot được cho thuê "kín".

Hơn 1 năm qua, do ảnh hưởng bởi Covid-19, các tiểu thương đã phải dừng hoạt động, trong khi đó, đủ các loại chi phí phát sinh. Đến khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các tiểu thương mong muốn trở lại hoạt động buôn bán hàng ngày nhưng lại gặp cảnh “cửa đóng then cài” do gian hàng bị “xé” nhỏ. Mong muốn của các tiểu thương hiện nay là được bàn giao trở lại các kiot có vị trí và diện tích như trước khi cải tạo, để ổn định buôn bán.

Thực địa có nhiều điều nghi vấn

Sau khi nhận được phản ánh của các tiểu thương chợ Vồi, phóng viên chuyên trang Tầm Nhìn đã có mặt tại chợ. Tại đây, những gian hàng mới cải tạo được quây tôn khá đẹp nhưng vẫn đóng cửa. Trong khi đó, các tiểu thương ngồi vạ vật tràn ra sân để buôn bán.

Hà Nội: BQL chợ Vồi có dấu hiệu chèn ép tiểu thương, “ôm” ki ốt để ăn chênh lệch?
Các tiểu thương chợ Vồi ngồi vạ vật tràn ra sân để buôn bán.

Theo các tiểu thương, dù ngoài sân buôn bán nhưng mỗi tháng BQL đều tới thu mỗi hộ 1,5 triệu đồng. Đáng nói, việc thu này không có hoá đơn, chứng từ.

Ngoài ra, trong khuôn khổ chợ Vồi còn có những gian hàng ghi là điểm giới thiệu và bán sản phẩm theo chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) nhưng thực tế bên trong bày bán chủ yếu là các sản phẩm nhập khẩu.

Hà Nội: BQL chợ Vồi có dấu hiệu chèn ép tiểu thương, “ôm” ki ốt để ăn chênh lệch?
Hà Nội: BQL chợ Vồi có dấu hiệu chèn ép tiểu thương, “ôm” ki ốt để ăn chênh lệch?

Những sản phẩm bên trong gian hàng Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Theo ghi nhận từ thực tế, những hợp đồng giao thuê sử dụng tài sản (kiot, gian hàng, sạp hàng), phiếu thu tiền tại chợ Vồi đều không có dấu đỏ.

Hiện chợ Vồi đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt trở thành chợ loại 1, theo Quyết định số 4176 ngày 27/8/2010.

Để làm rõ nội dung phản ánh của các tiểu thương chợ Vồi và những nghi vấn xung quanh việc cho thuê kiot, phóng viên chuyên trang Tầm Nhìn đã liên hệ làm việc với ông Từ Đức Toàn, Trưởng BQL Chợ Vồi nhưng không nhận được câu trả lời.

Phóng viên chuyên trang Tầm nhìn cũng đã đặt lịch làm việc với UBND huyện Thường Tín, Hà Nội từ ngày 24/3 nhưng tới nay vẫn chưa nhận được phản hồi từ UBND huyện./.