Sáng ngày 5/4, tại ứng dụng theo dõi chất lượng không khí Pam Air, nhiều khu vực của Hà Nội cảnh báo ô nhiễm không khí nghiêm trọng với chỉ số AQI trên 150 (mức gây hại cho sức khỏe).
Cụ thể, vào lúc 10h00 ngày 5/4, chỉ số AQI ở một số điểm có nguy cơ gây hại cho sức khỏe là Dịch Vọng Hậu - 153, Thụy Khuê - 178, Trường Đại học Giao thông Vận tải 164, Trường đại học Kinh tế Quốc dân - 165, Trần Hưng Đạo - 173, Tràng Tiền - 184, Nguyễn Du - 197, Đại học Y Hà Nội - 153, Nguyễn Trãi - 158, Làng sinh viên Hacinco - 167, Khu tập thể Kim Liên - 165, Ngọc Hà - 178...
Đặc biệt, khu đô thị Times City có mức ô nhiễm không khí cao nhất, chỉ số AQI lên đến 229, mức nguy hại cho sức khỏe.
Bà Hà Thanh Hương, quản lý dự án theo dõi chất lượng không khí PAM Air chia sẻ, đợt ô nhiễm không khí lần này ở Hà Nội chủ yếu đến từ các yếu tố nội sinh như hoạt động giao thông, sản xuất kinh doanh, các nhà máy, khu công nghiệp… Bằng chứng là chỉ số AQI toàn thành phố không quá nghiêm trọng, nhưng lại cá biệt có nhiều điểm chỉ số ô nhiễm rất cao.
Theo dữ liệu từ 80 điểm đo tại Hà Nội của mạng lưới PAM Air thì từ ngày 1/4 đến 4/4 chất lượng không khí đều ở mức tốt và trung bình, ô nhiễm mức kém bắt đầu xuất hiện và duy trì liên tục các khung giờ 8h, 9h, 10h ngày 5/4.
Điều đáng nói là các ngày 3/4 đến 5/4 tại các quận/ huyện của Hà Nội, chất lượng ô nhiễm không khí nội sinh có xu hướng ngày càng nhiều hơn.
Tại ứng dụng giám sát chất lượng không khí AQI của Đại sứ quán Hoa Kỳ, Hà Nội đứng thứ thứ 3 thế giới về mức độ ô nhiễm không khí với chỉ số AQI trung bình là 167, đứng đầu là thành phố Delhi của Ấn Độ với chỉ số AQI lên đến 320, thứ hai là thành phố Lahore của Pakixtan với chỉ số AQI là 221.