Hà Tĩnh: Người dân tha thiết giữ lại Trường THPT Cù Huy Cận

Admin
Lãnh đạo huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) và đông đảo nhân dân, tập thể hội đồng sư phạm Trường THPT Cù Huy Cận mong mỏi tha thiết được giữ lại ngôi trường mang tên nhà thơ, nhà văn hóa lớn của dân tộc, không giải thể.

Ngày 19.6, trao đổi với phóng viên, nhiều cán bộ, giáo viên Trường THPT Cù Huy Cận (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) cho hay, thời gian qua, tập thể giáo viên, phụ huynh và học sinh nhà trường rất băn khoăn, lo lắng vì ngôi trường mang tên nhà thơ, nhà văn hóa lớn của quê hương, dân tộc sắp bị giải thể theo Đề án của tỉnh.

“Lãnh đạo huyện, các xã có con em học tại trường, toàn thể hội đồng sư phạm, phụ huynh và học sinh ai cũng tha thiết mong mỏi sẽ giữ lại được ngôi trường đã che chở, gắn bó với nhân dân, học sinh nơi đây” – lãnh đạo Trường THPT Cù Huy Cận cho biết.

Theo Đề án sắp xếp hệ thống trường Trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh, sẽ giải thể Trường THPT Cù Huy Cận, thực hiện trong năm học tới.

Quyết định nói trên làm lãnh đạo, nhân dân huyện Vũ Quang lo lắng, tha thiết đề nghị xem xét không giải thể Trường.

Tại báo cáo số 39 ngày 15.6.2020 của HĐND huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) do Chủ tịch Nguyễn Thiều Quang ký, nêu nhiều lý do đề nghị không giải thể Trường THPT Cù Huy Cận.

Theo đó, Trường Cù Huy Cận thành lập năm 2010, hiện có 45 cán bộ giáo viên với 600 em học sinh, thu hút 95% con em 6 xã vùng hạ huyện Vũ Quang và hai xã Đức Lạng (huyện Đức Thọ), xã Sơn Mai (huyện Hương Sơn).

Kết quả dạy và học trong 10 năm qua đã có nhiều thành tích nổi bật: 2 giáo viên giỏi tỉnh, 4 học sinh giỏi quốc gia, đặc biệt có 1 em thuộc đội dự tuyển toán quốc tế, 320 học sinh giỏi tỉnh, tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp hàng năm đạt trên 97,5%.

Ngôi trường được thành lập là quyết tâm lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện. Hiện nay tượng nhà thơ Huy Cận đã được dựng ở sân trường.

Hệ thống cơ sở vật chất của Trường được đầu tư hơn 60 tỷ đồng, nay nếu sáp nhập, không sử dụng sẽ lãng phí.

Tuy mới thành lập 10 năm nhưng đã phát triển có quy mô lớn hơn Trường THPT Đức Thọ (đóng tại xã Đức Lạng, là xã cuối huyện Đức Thọ), Trường THPT Vũ Quang (đóng tại thị trấn Vũ Quang) thành lập trước đó nhiều năm.

Đặc biệt, trong văn bản nói trên, HĐND huyện Vũ Quang lưu ý: Vũ Quang là huyện có địa bàn rộng, đứng thứ 3 của tỉnh và học sinh của nhà trường là con em của 6 xã vùng hạ huyện đây là vùng rốn lũ, hàng năm thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai. Do vậy có một ngôi trường như hiện tại rất phù hợp với việc học tập của các em học sinh.

Nếu giải thể trường thì huyện Vũ Quang chỉ còn duy nhất một Trường THPT đóng tại Thị trấn Vũ Quang qua khảo sát, có khoảng hơn 200 em học sinh phải đi học cách xa trường gần 20km.

Đặc biệt sẽ có nhiều em học sinh phải chuyển sang học tại các Trường THPT cua huyện Hương Sơn và huyện Đức Thọ, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn trong mùa mưa lũ và an toàn giao thông.

Ngôi trường được thành lập cách đây 10 năm, tổng kinh phí đầu tư 60 tỷ đồng. Ảnh: Trần Tuấn

Ngôi trường được thành lập cách đây 10 năm, tổng kinh phí đầu tư hơn 60 tỷ đồng. Ảnh: Trần Tuấn

Kiến nghị của cử tri và nhân dân cũng như lãnh đạo huyện Vũ Quang là tỉnh Hà Tĩnh cần có phương án linh hoạt hơn trong việc thực hiện Nghị quyết 96 của HĐND tỉnh (sáp nhập với các trường THCS hoặc Trường THPT Vũ Quang trên địa bàn) vừa giảm đầu mối theo tinh thần của Nghị quyết vừa đáp ứng nguyện vọng của nhân dân vùng rốn lũ.

Trước mắt, Sở GDĐT Hà Tĩnh bổ sung chỉ tiêu tuyển sinh cho trường trong năm học 2020 - 2021.

Theo Trần Tuấn LDO