Hành trình nỗ lực “làm mới cái cũ” để đưa cà phê Gia Lai đi xa

Kỳ Văn
Không sinh ra từ làng nhưng làng lại ươm dưỡng và hun đúc cho những người trẻ đến sinh sống, nương tựa và lập nghiệp. Đó là câu chuyện thực tế về Nguyễn Hân - tấm gương thanh niên nông thôn tiêu biểu, thành công đi lên từ làng nghề trồng cà phê truyền thống Gia Lai, “mái nhà thứ hai” mà anh đã gắn bó suốt thời thanh xuân.
anh-1-1623994400.jpg

“Người ta nói quá nhiều về cà phê, nhưng cà phê Gia Lai vẫn có thứ khác để nói”

Tôi sinh ra ở miền Bắc, nhưng lại lớn lên ở Gia Lai, ở đâu với tôi cũng là nhà. Nhưng duyên với Gia Lai vẫn nặng, nên tôi quyết định để lại một món quà gì đó cho nơi này. Và tôi chọn cà phê! Thức uống chẳng phải lạ, nói ra thì rất đỗi thông thường với toàn người dân Việt Nam. Nhưng hành trình tạo ra “món quà” đó nó không chỉ gói ghém trong một sản phẩm mà hơn cả là một tình yêu cho nông nghiệp, cho sản vật địa phương. Đó là những khởi đầu câu chuyện hết sức thú vị của anh Nguyễn Hân - Founder của thương hiệu Nguyễn Hân Coffee Farm tại xã Ia Lang, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai.

Anh Hân vốn làm nghề lái xe, mỗi cung đường đi qua, mỗi nơi anh đặt chân đến đều thấy người ta rất chuộng và trân trọng thức uống này. Nhưng ở bản làng anh, người ta lớn lên, sống cùng và thở chung dưới những tán cà phê thì lại chỉ biết bán thô nó đi. Nhiều lúc với “ước mơ đổi đời” nhanh chóng, họ vô tình canh tác, sử dụng các chất hóa học quá mức cho phép làm tổn thương mảnh đất màu mỡ đã từng nuôi dưỡng chính mình. Và minh chứng rõ ràng, chục năm gần đây, cà phê thường xuyên mất mùa, mất giá, thật giả tràn lan, người dân ở đây cũng bớt mặn mà với cây cà phê.

anh-2-1623994385.jpg
Anh Nguyễn Văn Hân - Founder thương hiệu Nguyễn Hân Coffee Farm

Trước cái nhìn thực tế và trăn trở của bản thân, năm 2018 anh Hân quyết định bán chiếc xe khách để chuyển sang làm cà phê rang xay như để nuôi dưỡng lại tình yêu với cà phê. Dựa trên lợi thế vốn có của làng, anh Hân nghiên cứu triển khai theo 3 giai đoạn: Nghiên cứu công thức sản phẩm đạt chuẩn, đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất và xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm.

Anh cho rằng, cà phê Nguyễn Hân Coffee Farm độc đáo không chỉ bởi được làm ra từ hạt cà phê trồng trên mảnh đất đỏ Bazan Đức Cơ màu mỡ mà đó còn là quy trình “nông nghiệp xanh” mang đến hương vị đặc trưng khó lẫn.

Vượt gian khó, có thành công

Nguyễn Hân Coffee Farm áp dụng phương pháp chế biến cà phê đặc sản trên giống cà phê Robusta, giống cà phê được trồng chủ yếu ở huyện Đức Cơ tỉnh Gia Lai. Từ vùng trồng đạt tiêu chuẩn VietGAP, tuyển chọn hạt cà phê chín, màu đỏ, áp dụng kỹ thuật phơi trên sàn phơi cho ra nguyên liệu chất lượng tốt nhất đưa vào chế biến. Trong quá trình chế biến, sử dụng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật thử nếm cà phê được đưa ra bởi Ủy ban Tiêu chuẩn Kỹ thuật của SCAA bao gồm 10 thuộc tính chất lượng.

Khi anh Hân nói về những vất vả, nhọc nhằn của nông dân làm nên một ly cà phê đúng nghĩa thì dường như nói cả ngày cũng không hết chuyện. Nguyễn Hân Coffee Farm đi lên cũng là nhờ sự tham mưu chỉ đạo và hỗ trợ của Các cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương và chẳng thể quên được sự đồng lòng, sát cánh của bà con xã nhà.

Một tờ giấy chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn chất lượng là một quy trình dài hơi để cho ra 1 sản phẩm cũng như thủ tục pháp lý đầy đủ nghiêm ngặt. Sản phẩm cà phê Nguyễn Hân công khai minh bạch truy xuất, mã số, mã vạch, có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng và được bảo hộ độc quyền toàn lãnh thổ.

anh-3-1623994486.jpg
Sản phẩm cà phê Nguyễn Hân Coffee Farm được công nhận đạt chuẩn OCOP 2020

Phải ngắm nhìn từng quy trình làm cà phê mới thấy được thức uống nó ngon như thế nào. Cà phê được trồng trên đất sạch, sử dụng phân bón đạt tiêu chuẩn, khi hái về được lựa chọn trái chín tươi, đem qua hệ thống rửa sạch sẽ. Từng mẻ cà phê được phơi cẩn thận trên giàn cao; tránh việc hầm hơi, bí nước như cách phơi dưới nền gạch xây trước đây. Trước khi đem vào rang xay, cà phê một lần nữa được chọn lọc, rang đúng nhiệt độ “độc quyền”, đặc biệt giữ chất “nguyên bản” để đảm bảo sản phẩm bán ra đạt chất lượng tốt nhất và an toàn tuyệt đối.

Tình yêu với cây cà phê cứ thế lớn dần trong anh, anh tích cực tham gia ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các hội thảo nông nghiệp, hội chợ thương mại sản phẩm nông nghiệp hữu cơ nhằm giới thiệu sản phẩm cà phê xanh lành Nguyễn Hân Coffee Farm. Đó cũng là thời điểm quý giá để anh học hỏi cách làm hay của các đơn vị khác và chắt chiu phương pháp nào có thể vận dụng vào quy trình của mình. Tính đến nay, anh Hân đầu tư và cộng tác với các hộ dân trong vùng gần 20 chục ha farm cà phê; máy móc sơ chế, giàn phơi, diện tích sân phơi đã tăng lên rất nhiều.

anh-4-1623994512.jpg
Cà phê Nguyễn Hân Coffee Farm được lựa chọn từ những trái chín đỏ tươi và phơi trên giàn sạch sẽ

Mỗi buổi sáng, trên thung lũng cao nguyên, anh Hân cùng bà con hàng xóm thưởng thức những giọt cà phê sóng sánh màu cánh gián tuyệt đẹp. Họ cùng nhau kể về thức uống quyến rũ này, kể về những “cánh đồng” cà phê xanh tươi, về vụ mùa sắp tới và những ngày sống sung túc hơn cùng với cây cà phê.

“Vì sao mà nhiều người chưa biết đến Nguyễn Hân Coffee Farm, chắc vì chúng tôi chưa biết làm màu giữa thời đại công nghệ số. Bao nhiêu tài sản tôi đã đầu tư để làm farm, mua máy móc trang thiết bị, làm giàn phơi… Dẫu biết marketing là điều thiết yếu, chúng tôi sẽ làm, nhưng chúng tôi đang đi từng bước vững chắc bắt đầu từ chất lượng. Một lần bạn mạnh dạn “mục sở thị” sản phẩm cà phê này để thấy tình yêu chan chứa trong đó. Một tách cà phê bạn lựa chọn là một lá phiếu ủng hộ quý giá cho chúng tôi, những người làm cà phê thật” - Anh Hân cười xòa và nói.

Tư duy và cách làm mới trên sản phẩm quen thuộc của anh Hân đã chạm được tới nhiều bà con trong vùng, rồi đây họ bắt tay nhau canh tác, chế biến cà phê sạch, câu chuyện làm giàu tại chính bản làng chắc chắn trở thành hiện thực.

“Nhiều người kinh doanh đã làm nên điều tuyệt diệu với cây cà phê, vậy tại sao, chúng tôi những người ăn ngủ cùng cây cà phê lại không thể làm được?”. Câu hỏi dành cho chính mình là động lực để anh Hân nỗ lực từng giờ, từng ngày để bước qua ao làng, lội qua con suối, bơi qua con sông góp phần cùng bà con Gia Lai nói riêng và người nông dân trồng cà phê nói chung, đưa ngành nông nghiệp hữu cơ đi ra biển lớn.