Hoạ sĩ Trần Thế Vĩnh: Khi vẽ, tôi quên mọi ngôn ngữ

Admin
Sáng ngày 22/10, tại TP HCM đã diễn ra buổi ra mắt sách mỹ thuật và giới thiệu trước về triển lãm “Vọng” của hoạ sĩ Trần Thế Vĩnh. Tại buổi ra mắt sách, hoạ sĩ Trần Thế Vĩnh đã có những chia sẻ hết sức thẳng thắn, sâu sắc về nghề, về cuốn sách vừa ra đời…

Nhà nghiên cứu nghệ thuật Lý Đợi và hoạ sĩ Trần Thế Vĩnh chia sẻ tại buổi ra mắt sách

Tại buổi ra mắt sách, hoạ sĩ Trần Thế Vĩnh cho biết, để hoàn thành cuốn sách, anh đã phải mất 2 năm ấp ủ, và thực hiện. Sách ảnh “Vọng” tập hợp 51 chân dung văn nghệ sĩ tài hoa mà anh ngưỡng mộ, cảm phục. Đó là những: Trịnh Công Sơn, Bùi Giáng, Nguyễn Ánh 9…

Về lý do đặt tên cuốn sách là “Vọng”, hoạ sĩ Trần Thế Vĩnh cho biết: “Để đặt tên cuốn sách, mình cũng phải suy nghĩ một thời gian rất là dài, cũng có rất nhiều ý trong đầu. Nhưng đến lúc quyết định in thì mình quyết định đặt tên cuốn sách là “Vọng”. Vọng ở đây là sự ngưỡng vọng, sự hướng về xa, bởi vì những nhân vật mình vẻ là người xưa, có những nhân vật mất đi thì mình chưa sinh ra, chỉ biết họ qua tác phẩm. Thì ở trong tâm tưởng có sự ngưỡng vọng đối với họ. Ngoài ra, chữ Vọng còn nằm trong tiếng vang vọng, những nhân vật, tài năng đó, âm vang của họ đã vọng đến tận bây giờ và mãi về sau. Vì những gì họ làm, cống hiến đã trở thành giá trị để cho lớp sau học hỏi”.

Trong số 51 chân dung mà mà Trần Thế Vĩnh thực hiện thì chỉ có hoạ sĩ Vĩnh Phối là thầy dạy đại học của anh, còn lại anh chưa gặp ai ngoài đời, mà chỉ vẽ họ qua cảm nhận, sự đồng điệu có được giữa những người nghệ sĩ.

Hoạ sĩ ký tặng sách cho mọi người

“Ngày nào tôi cũng vẽ, và thường vẽ vào buổi chiều đến đêm khuya. Vẽ cần sự tĩnh lặng bên trong lẫn bên ngoài và cùng với đó là sự nhập tâm. Dù trước lúc ấy, tôi đã đọc và nghiên cứu nhiều tác phẩm của họ, hiểu thơ ca và tư tưởng, nhưng khi vẽ, tôi quên mọi ngôn ngữ ấy đi để tập trung vào ngữ của chính mình. Không áp đặt. Vẽ trong vô thức. Và chính lúc này là khoảnh khắc diệu kỳ tạo nên trạng thái thăng hoa để đạt được một tác phẩm tốt”, Trần Thế Vĩnh chia sẻ.

Nhận xét về “Vọng”, hoạ sĩ Ngô Kim Khôi cho biết: “Dự án vẽ chân dung văn nghệ sĩ của Trần Thế Vĩnh hình thành từ 2018, với mục đích “để lại tiếng vọng cho đời từ con người đến tác phẩm của mình”. Đó là những con người tuy lạ nhưng quen, đáng ngưỡng mộ và truyền cảm hứng vào đời sống. Họ gần gũi, thân ái với chúng ta vì chúng ta từng khóc cười vui buồn với họ, cũng như hít thở theo những quy nghĩ triết lý của họ.

Bạn bè, đồng nghiệp chụp hình lưu niêm cùng hoạ sĩ

Những nét cọ mạnh mẽ, tràn đầy sức sống của Trần Thế Vĩnh, chan chứa tâm tình, như sợi dây dẫn lối đưa khách thưởng tranh đến gần cái nhìn ngơ ngác của Bùi Giáng, khoé mắt trầm tư của Văn Cao, Y Vân…, trên những cái phông nhạt nhoà, có những đường cọ tràn lấn lên gương mặt, như níu kéo quá khứ, kết liền hiện tại…”.