Mới đây, một đoạn clip quảng cáo xuất hiện cho rằng là dược phẩm Hoạt huyết Nhất Nhất dành cho người phòng ngừa và điều trị thiểu năng tuần hoàn não, thiểu năng tuần hoàn ngoại vi thể huyết ứ,... đang gây xôn xao dư luận. Đoạn clip này gây tranh cãi sau khi xuất hiện trên sóng truyền hình, bởi những lời lẽ bị cho là vô cùng kém duyên, gây phản cảm.
Cụ thể, tại đoạn video ghi lại cuộc nói chuyện của 2 người đàn ông nói về bệnh tình của mình. Người đàn ông lớn tuổi, mặc áo hồng tâm sự rằng ông và mẹ uống sản phẩm Hoạt huyết Nhất Nhất thường xuyên nên ngủ rất ngon, trong khi đó, vợ ông lại không chịu sử dụng nên vẫn mất ngủ kinh niên.
Quảng cáo bị cho rằng có nội dung gây phảm cảm (Ảnh chụp màn hình).
Nghe vậy, người bạn của người đàn ông lớn tuổi, mặc áo trắng thẳng thừng nói: “Vợ anh cũng trí thức, cũng tiến sĩ như anh, đáng lẽ phải uống ngay. Nhưng lại không chịu uống thì chỉ có thể là do nghiệp chướng nặng từ kiếp trước, trời đày không cho chị ấy tin tưởng vào thuốc hoạt huyết để phải chịu nỗi khổ mất ngủ kinh niên suốt đời. Nếu vậy, có mà trời khuyên”. Người đàn ông lớn tuổi nghe xong cũng chỉ biết gật gù, im lặng.
Theo đó, xuyên suốt cuộc trò chuyện của hai người đàn ông này đã liên tục xuất hiện những lời lẽ, ngôn từ được cho rằng đang xúc phạm những người không dùng sản phẩm mà họ đang quảng cáo.
Hiện nay, trên mạng xã hội hàng loạt ý kiến “bức xúc” về nội dung quảng cáo của video này..
Chị T.A (Triều Khúc, Thanh Xuân Nam, Hà Nội) cho biết: “Tôi cũng đang dùng dược phẩm liên quan đến bổ não nhưng tôi không dùng sản phẩm này thì hóa ra là do tôi bị nghiệp chướng nặng hay sao? Tôi thấy nội dung quảng cáo này rất phản cảm và dường như đang xúc phạm những người không dùng sản phẩm này của họ vậy”.
Cũng đồng quan điểm với chị T.A, anh M. (Gia Lâm – Hà Nội) chia sẻ: “Sau khi xem được phần quảng cáo về dược phẩm này, tôi vô cùng bất ngờ không hiểu vì sao các đơn vị quản lý có thể duyệt được nội dung như thế. Chẳng khác nào nói những người không dùng sản phẩm của họ là vô học”.
Trong đoạn quảng cáo, người đàn ông lớn tuổi, mặc áo hồng nói: “Từ nhiều năm nay anh, mẹ anh và vợ anh đều bị mất ngủ kinh niên thức trắng cả đêm dùng Ginkgo Biloba của Pháp không ăn thua, bọn anh phải mua thuốc ngủ Diazepam do bác sĩ kê nhưng sáng ra thì người mệt rũ như chưa hề ngủ. May có người giới thiệu anh và mẹ uống thuốc hoạt huyết thường xuyên đến nay đã ngủ ngon. Nhưng vợ anh vẫn mất ngủ vì không chịu uống, không biết phải làm như thế nào?”
Liệu rằng với đoạn hội thoại này sản phẩm Hoạt huyết Nhất Nhất có đang vi phạm Luật Cạnh tranh năm 2004?
Tham chiếu theo pháp luật hiện hành tại Luật Cạnh tranh năm 2004 coi quảng cáo so sánh trực tiếp là hành vi cạnh tranh không lành mạnh và cấm thực hiện tại khoản 1 Điều 45: “Cấm doanh nghiệp thực hiện các hoạt động quảng cáo sau đây: 1. So sánh trực tiếp hàng hoá, dịch vụ của mình với hàng hoá, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác…”
Theo tìm hiểu của PV, được biết sản phẩm Hoạt huyết Nhất Nhất do Công ty TNHH Nhất Nhất (địa chỉ tại: 6A/508 Đường Láng, Quận Đống Đa, TP. Hà Nội) sản xuất.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên sản phẩm Hoạt huyết Nhất Nhất vướng vào lùm xùm về việc vi phạm quảng cáo.
Đơn cử, giữa năm 2016 sản phẩm này từng bị Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) ra Quyết định số 198/QĐ-XPHC xử phạt hành chính Công ty TNHH Nhất Nhất đã phải chịu mức phạt là 30 triệu đồng vì có hành vi quảng cáo thuốc Hoạt huyết Nhất Nhất không đúng với nội dung đã đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo Cục Quản lý Dược, hành vi quảng cáo của Công ty TNHH Nhất Nhất đã vi phạm quy định tại Điểm a, khoản 3, điều 68 của Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.
Vào tháng 8/2020, Công ty TNHH Nhất Nhất dừng phát quảng cáo dược phẩm Tonka do bị Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phản ánh gây ảnh hưởng ngành tôm. Cụ thể, VASEP đã có văn bản gửi Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam (VTV) và Giám đốc Công ty TNHH Nhất Nhất về đoạn quảng cáo dược phẩm Tonka của đơn vị này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh ngành tôm Việt Nam. Liên quan việc này, trong cuối tháng 8/2020 phía Công ty này đã cho dừng quảng cáo sản phẩm để thực hiện khắc phục việc sử dụng tôm tươi minh họa “thực phẩm bẩn” trong clip quảng cáo thuốc.
Nhất nhất quảng cáo thuốc như quảng cáo bán kẹo. Theo quảng cáo, thuốc hoạt huyết dưỡng não khuyên khách hàng dùng thường xuyên, ngày dùng 4 viên nếu bệnh nặng hơn thì dùng 8 viên/ngày. Theo quy định thì việc bệnh nhân dùng thuốc phải do bác sĩ kê đơn.
Để rộng đường dư luận, PV sẽ làm việc với Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) và Công ty TNHH Nhất Nhất để có câu trả lời sớm nhất đến bạn đọc về sự việc trên.