“Hồi sinh” sau những đau thương

Kỳ Văn
Chỉ còn vài ngày nữa là tròn một năm kể từ ngày TP Hồ Chí Minh mở cửa trở lại (1/10/2021), bước vào thời kỳ bình thường mới, sau khoảng 6 tháng kể từ ngày làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 quét qua. Chỉ 6 tháng nhưng cơn đại dịch thế kỷ lại khiến một TP lớn nhất nước, đầu tàu kinh tế quốc gia "tê liệt" hoàn toàn. Từ những tàn tro đau thương, mất mát, bằng ý chí, nghị lực, đoàn kết, đồng lòng, TP mang tên Bác thiêng liêng lại bất khuất đứng lên, hồi sinh và phát triển…

Sau 1 năm, không ít người dân tại TP Hồ Chí Minh vẫn chưa hết bàng hoàng, ám ảnh khi nhớ lại quãng thời gian khủng khiếp đó. Thông tin người nhiễm, người mất do đại dịch cứ tăng theo từng giờ, từng ngày. Âm thanh náo nhiệt của một TP năng động, tấp nập, đường sá, phố chợ đông đúc… nhường lại cho tiếng còi hú của những chuyến xe cấp cứu xuyên suốt ngày, đêm.

Đâu đó, trong những con hẻm, khu phố, chỉ còn lại những chốt gác “khu cách ly”. Lâu lâu, những đoàn người tình nguyện trong trang phục bảo hộ, khẩu trang kín mít tìm đến trợ giúp… Có những cuộc gặp gỡ san sẻ yêu thương nhưng họ chưa hề biết mặt, biết tên nhau, dù chỉ một lần...

hoi-sinh-1664332281.png

Công ty, xí nghiệp phải đóng cửa; Người lao động không có việc làm. Để tồn tại, người dân TP Hồ Chí Minh phải “rút ruột” nội lực của mình để sống; Cùng với đó là sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chính phủ, chính quyền địa phương và các tỉnh, thành bạn, đồng bào cả nước chung tay vượt khó.

Nhìn TP quá tải, “tê liệt”, không ít người bi quan nghĩ tới tương lai xa mờ. Nhiều người cũng cho rằng, sẽ phải mất nhiều năm TP Hồ Chí Minh mới có thể hồi phục như vốn có của mình.

Nhưng rồi, chỉ một thời gian ngắn sau “bóng tối” của đại dịch, TP Hồ Chí Minh đã quặn mình đứng dậy. Những vết thương vẫn còn đó, nhưng bằng ý chí, nghị lực, đoàn kết, đồng lòng của chính quyền và Nhân dân, sự hỗ trợ từ Chính phủ và các cấp, người dân TP mang tên Bác lại bất khuất đứng lên và hồi sinh ngoạn mục…

Sự an tâm của người dân lần phần thưởng lớn nhất

“Thời điểm khó khăn nhất cũng đã qua rồi, giờ người dân thật sự an tâm đến khám chữa bệnh tại đây là nỗ lực không ngừng nghỉ của tập thể y, bác sĩ…”, BS.CKII Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP Thủ Đức chia sẻ.

bac-si-1664332341.jpg

BS.CKII Trần Văn Khanh - Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh

Nhớ lại thời điểm dịch bệnh, Bệnh viện (BV) Lê Văn Thịnh là một trong những BV tuyến đầu, được giao trách nhiệm phải tổ chức khám, thu dung điều trị với quy mô khoảng 3.000 giường bệnh tại 5 cơ sở; Bao gồm: Khu Ký túc xá Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Trường Cao đẳng Công thương, Khu điều trị thu dung Cát Lái, Trường Cao đẳng Nghề Thủ Thiêm và BV Lê Văn Thịnh.

“Với lực lượng lúc đó khoảng 400 người, áp lực công việc thật sự rất lớn. Chưa kể thời gian đầu, tâm lý của anh em y, bác sĩ khá căng thẳng trước thực trạng dịch bệnh lúc đó. Số lượng bệnh nhân tăng liên tục, cường độ làm việc lớn khiến không ít người hoang mang. Rồi một thời gian sau thì mọi người dần ổn định tâm lý, công việc chăm sóc, khám, chữa bệnh ổn định hơn…”, BS.CKII Trần Văn Khanh nhớ lại.

Tính đến ngày trở lại bình thường mới - ngày 1/10/2021, tập thể y, bác sĩ BV Lê Văn Thịnh và các đơn vị hỗ trợ đã khám, chữa bệnh cho khoảng 30.000 lượt F0.

Mặc dù mở cửa, nhưng tâm lý người dân lúc đó còn nhiều e ngại, đặc biệt khi đến khám ở BV vì tập trung đông người. Nhiều người dân chọn cách tư vấn qua điện thoại, hoặc nhờ lực lượng y, bác sĩ lưu động.

tp-thu-duc-1664332404.jpg
BS.CKII Trần Văn Khanh - Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh trò chuyện, hỏi thăm bác Lê Thăng (72 tuổi) khi bác tiêm vắc xin phòng COVID-19 dành cho người lớn tuổi tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh - TP Thủ Đức

Khi ấy, BV vẫn phải duy trì khu cách ly truyền nhiễm nên ai cũng “ngán”, lượng người tìm đến rất ít. “Ngay sau khi mở cửa, để đảm bảo công tác khám, chữa bệnh cho người dân, chúng tôi phải tổ chức những nhóm khám, xét nghiệm sàng lọc những bệnh nhân có nguy cơ để đảm bảo không lây nhiễm chéo…”, BS Khanh nói.

Giờ đây, một năm sau ngày bình thường mới, niềm vui lớn nhất của các y, bác sĩ BV Lê Văn Thịnh chính là việc người dân tìm đến BV với tinh thần thoải mái, tâm lý an tâm, không phải lo chuyện lây nhiễm “hung thần” nữa.

“Chúng tôi không còn nhận được những cuộc điện thoại với những lời cầu cứu hốt hoảng nữa. Đội ngũ bác sĩ lưu động cũng không còn phải hối hả tìm đến những khu, xóm... Nhìn người dân không còn lo âu mỗi khi tìm đến BV là phần thưởng lớn nhất của chúng tôi rồi”, BS Khanh bộc bạch.

Mừng không tin nổi

Trong cái ráng chiều hầm hập nóng, tại khu vực bến xe Chợ Lớn (Quận 5 và Quận 6), ông Lâm Ngọc Hợp (66 tuổi) đang cùng một vài đồng nghiệp trong nghiệp đoàn xe ôm chào mời hành khách trên những chuyến xe buýt vừa dừng trong bến. Có 3 chuyến xe nhưng ông Hợp và các đồng nghiệp vẫn chưa tìm được khách có nhu cầu.

chu-lam-1664332450.jpg
Chú Lâm Ngọc Hợp cùng các đồng nghiệp đang chờ khách tại bến xe Chợ Lớn

Theo ông Hợp: “Tới thời điểm này thu nhập vẫn chưa trở lại bình thường như trước dịch được. Lúc trước, mỗi ngày anh em ở đây mỗi người kiếm được gần 300 nghìn đồng, nhưng hiện nay, cố gắng lắm chỉ được một nửa so với trước. Khó khăn còn nhiều nhưng giờ mình vẫn phải cố gắng thôi…”.

Nghiệp đoàn xe ôm bến xe Chợ Lớn, được hình thành từ những người hành nghề xe ôm tự do tại nhiều khu vực trên địa bàn Quận 6. Từ khi hình thành Nghiệp đoàn, họ không chỉ kiếm sống bằng sức lao động của mình mà còn tham gia giữ gìn an ninh trật tự nhiều khu vực trên địa bàn Quận 5.

Trước khi có dịch, Nghiệp đoàn xe ôm có sự góp sức của khoảng 230 đoàn viên. Đại dịch quét qua, giờ họ chỉ còn khoảng 150 người. “Nhiều anh em ra đi trong cơn đại dịch. Một số chịu không nổi nên bỏ nghề về quê sinh sống. Số còn lại đa phần là người lớn tuổi, họ chọn mưu sinh cái nghề này như một cái nghiệp, cực nhưng kiếm sống tử tế”, ông Hợp chia sẻ.

Hầu hết những tài xế xe ôm này đều có cuộc sống khó khăn. Có người mưu sinh bằng cái nghề này tính ra hàng chục năm. Khi đối diện với cơn “bỉ cực” của đại dịch, nhiều người vốn đã khó khăn lại càng chồng chất.

Nhiều người nhớ như in thời điểm sau ngày mở cửa, các anh em trong nghiệp đoàn lác đác tìm ra bến xe mưu sinh. Có người sau khi hết bệnh, sức khỏe còn yếu do di chứng nhưng cũng lao vào công việc. Ngặt nỗi, thu nhập cả ngày cũng chỉ vài chục nghìn đồng.

kho-khan-1664332496.png

Lúc khó khăn, cũng may chính quyền địa phương rồi Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Quận 6 tìm đến chia sẻ, mọi người đều được hỗ trợ nhiệt tình. “Sau dịch, nhiều người bệnh bị di chứng nhưng đâu có tiền đi khám, nói chi đến việc mua thuốc uống… Bỗng nhiên một ngày được chính quyền tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí, nhiều người mừng đến mức không tin nổi. Như mới hồi tháng 5 rồi, LĐLĐ Quận 6 cũng kêu chúng tôi lên khám hậu COVID-19 miễn phí. Chúng tôi được khám, chụp hình phổi, những ai có biến chứng thì được phát thuốc uống, tất cả đều miễn phí. Từ sau dịch, đó là lần thứ 2 chúng tôi được khám miễn phí. Giờ anh em thật sự yên tâm làm việc kiếm sống, không còn lo lắng nhiều nữa”, ông Hợp hồ hởi kể.

Anh Khải Văn, cán bộ chính sách LĐLĐ Quận 6 cho biết, trên địa bàn quận hiện nay có khoảng 600 đoàn viên thuộc 6 Nghiệp đoàn. Ngay sau đại dịch, nhiều chương trình hỗ trợ dành cho người lao động được triển khai, đặc biệt là những thành viên trong các Nghiệp đoàn đang gặp khó khăn. Chương trình chăm sóc sức khỏe cho người lao động được nhiều đoàn viên Công đoàn đánh giá là một trong những hoạt động thiết thực, gắn liền với đời sống của người lao động trên địa bàn thành phố.

Một miếng khi đói quý lắm

Trong những ngày bình thường mới, lo lắng của nhiều người lao động là câu chuyện an cư. Sau nhiều tháng đóng cửa, “nội lực” của họ gần như đã cạn kiệt. Để quay trở lại làm việc, nhu cầu ăn ở là rào cản của không ít người.

“Lúc quyết định quay lại TP Hồ Chí Minh làm việc, tôi lo lắm. Tiền ăn tằn tiện cũng qua được, nhưng còn tiền nhà phải đóng cọc trước, rồi trả hàng tháng. Chưa kể sợ nhà trọ tăng giá, lúc đó mình không biết xoay sở thế nào?… Cũng may mọi chuyện cũng ổn, chủ nhà không những không tăng giá mà cũng không ép phải đặt cọc trước. Thế nên dân lao động tụi tui cũng yên tâm mà quay trở lại”, anh Nguyễn Đình Tuấn, công nhân trong Khu công nghiệp Bình Chiểu, TP Thủ Đức, kể.

Phòng 2 người ở, chia ra mỗi tháng anh Tuấn chỉ mất khoảng 800 nghìn đồng, cả tiền điện, nước. Lương tích cóp cũng đủ trang trải và lo cho gia đình.

nguoi-lao-dong-1664332548.jpg
Người lao động trở lại TP Hồ Chí Minh làm việc

Bên cạnh những chủ nhà trọ chia sẻ khó khăn với người lao động, nhiều chương trình lớn của Chính phủ giúp TP Hồ Chí Minh phục hồi kinh tế - xã hội cũng đã kích hoạt và mang lại hiệu quả thiết thực. Đơn cử trong đó, Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 về việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đã giúp hàng trăm nghìn người đang thuê mướn nhà trọ phần nào yên tâm làm việc.

Anh Võ Hồng Mến, công nhân Công ty TNHH Sản xuất cân Nhơn Hòa, TP Thủ Đức, cho biết: “Tôi thuộc diện được nhận hỗ trợ 3 tháng tiền nhà, mỗi tháng 500 nghìn đồng. Hiện tôi vừa được lãnh 2 tháng. Số tiền đó tuy không lớn nhưng đã giúp chúng tôi giảm bớt được phần nào khó khăn sau dịch. Không chỉ riêng mình tôi mà đồng loạt các anh em đồng nghiệp đều vui mừng, phấn khởi. Một miếng khi đói, quý lắm!”.

Chợ có khách rồi

Thời điểm dịch bùng phát, chợ truyền thống phải đóng cửa, hàng nghìn tiểu thương lâm vào cảnh khó khăn. Sau khi bình thường mới, phải mất nhiều tháng mãi lực mới có thể quay trở lại. Để kích thích sức mua, nhiều người phải tính chuyện giảm giá, bán giá vốn để thu hút khách hàng.

mua-sam-1664332595.jpg
Du khách đến mua sắm tại chợ

Dạo một vòng quanh khu chợ đêm Bắc Ninh, TP Thủ Đức, theo lời nhiều người, phiên chợ cuối tuần trước đây khách phải chen chúc mới có thể kiếm được chỗ đặt chân, còn bây giờ, có đông cũng chỉ đạt được phân nửa so với trước.

“Phải đến sau Noel 2021, sức mua mới có những dấu hiệu khởi sắc. Nhờ dịp mua sắm cuối năm, tuy không đông như mọi khi nhưng cũng giúp tiểu thương lấy lại tinh thần để tiếp tục kinh doanh. Như cửa hàng của tôi, số lượng hàng bán ra chỉ bằng phân nửa so với lúc trước dịch. Nhưng nếu mình không cố gắng sẽ còn khó khăn gấp bội”, anh Sơn, một tiểu thương tại chợ đêm Bắc Ninh, TP Thủ Đức cho biết.

Tìm đến Chợ Đầu mối Thủ Đức, tình cảnh của tiểu thương mua bán mặt hàng rau, củ, quả cũng không được may mắn hơn, phải đến tháng 6/2022, mãi lực mới quay trở lại. Theo chị Nguyễn Hoàng Kim Hạnh, tiểu thương kinh doanh tại khu chợ B (Chợ Đầu mối): “Sức mua tốt hơn chỉ từ tháng 6, nhờ vào tháng ăn chay sau đó. Còn từ khi mở cửa lại, sức mua yếu lắm…”.

Theo chị Hạnh, ngay sau dịch, các công ty, xí nghiệp đóng cửa nhiều, người lao động ít nên hoạt động chợ gần như tê liệt. Cộng thêm thói quen mua hàng qua mạng từ lúc dịch, các đầu mối mua hàng lớn, các nhà cung cấp từ tỉnh cũng đã biết cách liên lạc, bán hàng trực tuyến nên lượng khách tìm đến chợ không còn như trước. Vì vậy các tiểu thương ở đây cũng lao đao nhiều tháng. Tới thời điểm này sức mua chỉ mới đạt khoảng 50% so với trước dịch. Giờ công nhân cũng quay trở lại nên hy vọng mùa cuối năm sức mua sẽ tốt hơn. Ai cũng mong mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp. Dù sao, chợ cũng có khách rồi.

quay-lai-1664332637.png

Mãi lực quay trở lại nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng của nhiều người. Mãi lực không chỉ giảm ở chợ truyền thống mà ngay cả những người buôn bán hàng online cũng gặp không ít khó khăn.

Anh Ngô Tín Huy (ngụ quận Bình Thạnh), kinh doanh quần áo thời trang, chạy trên nền tảng Facebook, cho biết, doanh thu cho tới thời điểm này chỉ mới đạt được khoảng 30% so với thời kỳ trước. Lượng khách theo dõi không giảm nhưng khách thực mua không nhiều.

“Khách đặt hàng nhưng sau đó không lấy gần đây tăng nhiều khiến công việc gặp khó khăn lắm. Nhiều tháng, sau khi trừ các loại chi phí cũng bị lỗ. Nhưng nói gì thì nói, khó khăn mà uyển chuyển vẫn có thể sống được là mừng rồi. Giờ là khó chung mà…”, anh Huy tâm sự.

Không phải tự nhiên TP Hồ Chí Minh được đánh giá có sự hồi phục kinh tế nhanh, dù cái khó hiện nay không ai là không cảm nhận được. Bằng những nỗ lực tự thân của từng cá nhân, của từng tập thể, sự hỗ trợ kịp thời từ chính quyền địa phương, từ Chính phủ, những cố gắng đó đã góp phần cải thiện tình hình kinh tế - xã hội nói chung của thành phố sau cơn đại dịch thế kỷ. Với người dân TP Hồ Chí Minh, giữa cái vất vả hôm nay, mọi người vẫn đang nỗ lực vượt qua và truyền cho nhau thông điệp “ngày mai trời lại sáng”.

Đồ họa: Phạm Mạnh